Chúng tôi về thăm thôn Lâm Môn (xã Tam Vinh, Phú Ninh) khi đang vào mùa thu hoạch lúa đông xuân. Từng thửa ruộng trĩu lúa rực vàng, tiếng máy cắt lúa, máy gặt đập liên hợp rộn ràng khắp đường quê. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Vinh - Nguyễn Khắc Trọng bảo rằng thôn Lâm Môn đang là điểm sáng của xã trong phát động phong trào xây dựng nông thôn mới. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các hội đoàn thể, cùng sự đồng thuận của người dân. Đi trên con đường bê tông chạy giữa đồng đang rộn rã người xe thu hoạch lúa, ông Trọng bảo đây là con đường của lòng dân, từ khi có tuyến đường này, các cháu học sinh đến trường tìm con chữ không còn phải chịu cảnh lầy lội trong mùa mưa.
Cây tiêu đang là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế tại thôn Lâm Môn, xã Tam Vinh (Phú Ninh). Ảnh: TAM THĂNG |
Nói về sự thay da đổi thịt ở miền quê cận kề xã Tiên Phong (Tiên Phước) trong những năm gần đây, Trưởng thôn Võ Bá Tư cho hay, bây giờ nhà cửa trong thôn đã khang trang kiên cố, trong số 153 hộ (với 503 nhân khẩu) của thôn hiện nay chỉ còn 7 hộ nghèo, đều thuộc diện người già, neo đơn. “Lâm Môn đã có những gia đình vươn lên làm giàu từ mô hình trồng keo với tổng số 158ha. Cây tiêu cũng được nhiều hộ chọn làm cây chủ lực để phát triển kinh tế, trong đó 16 gia đình có thu nhập cao từ trồng tiêu. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Hòa có gần 300 choái tiêu đang trong thời kỳ thu hoạch, hay ông Nguyễn Tấn Sanh trồng 20ha rừng keo lá tràm thu hoạch cuốn chiếu… Kinh tế phát triển, nhân dân trong thôn có điều kiện chăm lo, đầu tư cho con em học tập tốt hơn” - ông Tư nói.
Vườn tiêu giống Tiên Phước được trồng từ chục năm nay của bà Nguyễn Thị Hòa nằm dọc sườn đồi sắp đến ngày thu hoạch. Bà Hòa cho biết, nhiều năm trước tiêu rớt giá, nhiều nơi người ta chặt bỏ, còn gia đình bà quyết giữ và đã được đền đáp. Mấy năm gần đây, bình quân mỗi năm vườn tiêu của bà cho thu 3 tạ tiêu khô, với giá bán 200 nghìn đồng/kg gia đình bà thu nhập 60 triệu đồng. Sản phẩm ổn định cả về số lượng và chất lượng nên những mùa thu hoạch gần đây, thương lái đến đặt cọc bao tiêu tại vườn, chứ không phải xuống chợ bán từng lon như trước.
Bí thư Chi bộ thôn Lâm Môn - Dương Văn Siêu cho biết, những ngày khó khăn của thôn đang dần xa, bởi nhìn vào rừng keo lai, vào hàng trăm choái tiêu và các đồng hoa màu xanh mướt, dự báo tương lai tươi sáng. Để Lâm Môn trở thành điểm sáng như hôm nay, trong thành quả đó có sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, các đoàn thể cùng sự quyết tâm vươn lên của người dân.
T.THĂNG - V.CÔNG