(QNO) - Chỉ trong vòng hơn một tháng, 100 hộ dân của thôn Thạch Hưng (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) đã chỉnh trang, dồn điền đổi thửa thành công 41,8ha đất ruộng. Ngoài ra, các hộ dân này đã chỉnh tuyến, làm hơn 4km đường giao thông nội đồng, lắp đặt 35 cống bi cống ở đồng ruộng.
Ruộng đất manh mún
Dẫn chúng tôi tham quan các cánh đồng ở Thạch Hưng, ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng thôn Thạch Hưng, nhắc chuyện cũ: “Ngày xưa, cha ông cứ thấy chỗ nào đất tốt thì khai phá ruộng đất nên mới sinh ra hệ lụy ruộng đất manh mún kiểu da beo. Nhiều hộ dân trong thôn có 10 đến 15 thửa ruộng rải rác khắp các cánh đồng, có những thửa chưa đầy 100m2”. Bởi vậy, nên ở đất này nhiều người còn nhắc chuyện tếu rằng đi thăm đồng ruộng nhà từ lúc bình minh đến khi mặt trời lặn cũng chưa xong. Chẳng phải vì ruộng đất nhiều mà bởi các đám ruộng cách xa nhau nên mất nhiều thời gian.
Nhân dân Thạch Hưng sửa sang lại đường bờ vùng, lắp đặt cống bi. |
Nông dân Trần Văn Lực, góp chuyện với chúng tôi: “Trước kia, nhà tôi có 10 thửa ruộng nằm trên nhiều xứ đồng khác nhau, lúc đi lấy nước là khổ nhất, mở nước đám này xong là tất tả chạy xuống đám khác. Cứ thế quần quật suốt ngày chẳng làm thêm được việc gì. Rồi chuyện nên việc dọn bờ, làm đất, rải phân, thu hoạch… bề nào cũng trăm cái khổ”.
Ngoài ra, các cánh đồng trên đất Thạch Hưng trước kia đều trong thực trạng: các chân ruộng cao thấp khác nhau, hệ thống thủy lợi xuống cấp, tuyến kênh mương đất vênh vẹo theo các bờ, hệ thống bờ vùng chưa hoàn chỉnh… Tất cả khiến công tác thủy lợi, chăm sóc và thu hoạch trong thực tế gặp nhiều khó khăn. “Khổ nhất là các hộ có ruộng xa, đến vụ thu hoạch, phải đi mượn người gánh lúa ra đến đường giao thông mới có thể chất lên cộ kéo về. Tốn công vô cùng!” – ông Vũ nói. Ông Vũ còn cho biết thêm, hệ thống thủy lợi xuống cấp khiến công tác thủy lợi ở Thạch Hưng chưa thể đáp ứng tốt cho nhân dân sản xuất. Các chân ruộng cao, ở xa hầu hết đều thiếu nước trong vụ.
Thành công nhờ dân vận tốt
Trưởng thôn Nguyễn Xuân Vũ chia sẻ với chúng tôi: “Dù đã nhìn nhận cần phải dồn điền đổi thửa nhưng nhiều hộ dân vẫn không muốn. Bởi nhiều hộ có chân ruộng tốt, gần nhà… nên ngại dồn điền đổi thửa sẽ nhận lại ruộng ở xa, đất không tốt. Đây là thử thách khó khăn nhất khi triển khai công tác dồn điền đổi thửa”. Ngoài ra, khối lượng công việc lớn trong khi chỉ có 100 hộ dân tham gia thực hiện chỉnh trang, dồn điền đổi thửa trên diện tích gần 42ha khiến ít nhiều hộ dân thấy nhụt chí và bàn lui. Tuy nhiên, xác định đây là chủ trương lớn giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nên chi bộ thôn, Ban nhân dân thôn Thạch Hưng quyết tâm vào cuộc.
Nhiều cánh đồng ở Thạch Hưng sau dồn điền đổi thửa thẳng tắp đường giao thông nội đồng, kênh mương kiên cố. |
Bí thư Chi bộ thôn Thạch Hưng Nguyễn Đức Bắc cho biết: “Chi bộ thôn xác định đây là công tác quan trọng trong năm 2013, góp phần vào công cuộc xây dựng Tam Xuân 2 trở thành xã NTM vào năm 2015. Chính vậy, chi bộ đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về dồn điền đổi thửa và chỉ đạo Ban nhân dân thôn, Ban Phát triển nông thôn mới của thôn phải vào cuộc thực hiện cho kỳ được”. Từ thực tế trên, Ban Phát triển nông thôn mới thôn Thạch Hưng xác định: công tác vận động, thay đổi tư duy cho bà con là yếu tố then chốt quyết định sự thành công. Do vậy phát triển nông thôn mới đã tổ chức nhiều cuộc họp, cử nhiều cán bộ phối hợp với mặt trận, đoàn thể trực tiếp đến từng hộ dân để vận động. Đặt mục tiêu cuối vụ hè thu 2013, thôn sẽ đi vào thực hiện dồn điền đổi thửa nên công tác vận động tuyên truyền được thực hiện liên tục từ đầu năm 2013 đến tháng 10.2013 nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân cao nhất.
Ông Trần Thanh Xuân – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, cho biết: Vừa qua, UBND xã Tam Xuân 2 đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn xã và tổ chức cho các thôn khác tham quan học tập mô hình dồn điền đổi thửa của thôn Thạch Hưng. Trong năm 2013, xã Tam Xuân 2 đã thực hiện dồn điền đổi thửa thành công trên 72,9ha đất ruộng trên 3 thôn. Cụ thể: thôn An Khuông thực hiện 7,7ha, thôn Tân Thuận thực hiện 21,2ha, riêng Thạch Hưng vượt chỉ tiêu (chỉ tiêu 30ha/thôn) thực hiện được 41,8ha. |
Giữa tháng 10.2013, 100 hộ dân của Thạch Hưng bắt tay vào công tác chỉnh trang, dồn điền đổi thửa ở 5 cánh đồng: Luân Phiên, Đồng Xe, Ruộng Xóm, Bầu Biêm, Chỉnh Trang. Để tận dụng nhân lực sẵn có và giảm chi phí đóng góp, chính quyền thôn Thạch Hưng đề ra chủ trương: mỗi hộ đóng góp 50% công và 50% kinh phí. Theo đó cứ 1 sào ruộng mỗi hộ dân sẽ đóng góp 3 ngày công và 15.000 đồng. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, các hộ dân còn đóng góp thêm tiền để thuê máy móc, cơ giới ở những khâu đào đắp đất, lắp đặt cống bi. Nhờ sự quyết tâm cao, 100 hộ dân Thạch Hưng đã đóng góp hơn 2.200 công và hơn 65 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đức Bắc, cho biết: “Cán bộ thôn không ngần ngại cùng nhân dân xuống đồng trực tiếp đào đất, đắp đường. Trong quá trình làm, cứ khoảng 7 đến 10 ngày chúng tôi họp sơ kết 1 lần để rút kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến góp ý, công khai ngày công, số tiền đóng góp cho dân biết. Những điều này đã khích lệ tư tưởng, tạo động lực lớn để bà con hết mình làm việc”. Bởi thế, dù thi công trong điều kiện mùa đông mưa gió liên tục nhưng chỉ sau khoảng 45 ngày thôn Thạch Hưng đã dồn điền đổi thửa, chỉnh trang được 41,8ha. Đồng thời, xây dựng, phóng tuyến và chỉnh tuyến hoàn chỉnh hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, cứng hóa 4km đường bờ vùng rộng 5m, lắp đặt 35 cống bi thoát nước ở các tuyến kênh mương.
Thạch Hưng bây giờ các cánh đồng đâu đâu cũng thấy một màu xanh mướt của lúa đang độ trổ đòng đứng cái, những bờ kênh mương thẳng tắp đều đặn đưa nguồn nước dồi dào vào từng chân ruộng hứa hẹn một vụ mùa bội thu. “Chưa tính đến năng suất, nhưng tôi khẳng định nhờ dồn điền đổi thửa sẽ giảm được 150 ngàn đồng tiền chi phí sản xuất trên mỗi sào. Chỉ thế thôi, nông dân chúng tôi đã mừng rồi” – ông Trần Văn Lực hồ hởi nói.
MINH KHẢI