Qua 2 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Tiên Phước đã có 18 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá xếp hạng; trong đó 9 sản phẩm được công nhận hạng 4 sao và 9 sản phẩm đạt hạng 3 sao, dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm được xếp hạng.
Phát huy thế mạnh
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp, chế biến và kinh doanh tổng hợp Phước Tuyên là một trong những chủ thể tiên phong trong việc đầu tư máy móc công nghệ chế biến sản vật của địa phương thành sản phẩm OCOP. Nhận thấy sản lượng trái lòn bon trên địa bàn huyện khá lớn và người nông dân ngày càng mở rộng diện tích nhưng giá cả lại bấp bênh nên HTX đã nghiên cứu chiết xuất tinh chất từ loại trái cây đặc sản này chế biến thành rượu vang lòn bon với hương vị thơm ngon. Dù chỉ mới được đầu tư sản xuất từ tháng 9.2019 nhưng sản phẩm này đã chinh phục được Hội đồng đánh giá xếp loại sản phẩm từ huyện đến tỉnh và được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh.
Ông Tống Phước Tuấn - Giám đốc HTX Phước Tuyên cho biết: “Thấy người nông dân trồng, chăm sóc, thu hoạch lòn bon khá vất vả, nhưng đầu ra không ổn định nên tôi nghiên cứu ra cách chiết xuất tinh chất từ quả lòn bon chế biến thành rượu vang, góp phần thiết thực hỗ trợ nông dân. Trong năm 2019, HTX liên kết với 50 hộ nông dân tại các xã trên địa bàn huyện thực hiện tư vấn, hướng dẫn kỹ chăm sóc cây lòn bon để cung ứng sản phẩm cho HTX chế biến rượu vang. Rượu lòn bon được chế biến đúng quy trình, qua các khâu kiểm tra nghiêm ngặt, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng. Trong quá trình đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc HTX đã được huyện hỗ trợ trên 150 triệu đồng để phát triển sản xuất”.
Cũng như HTX Phước Tuyên, HTX Trầm hương Tiên Phước (thôn An Tây, thị trấn Tiên Kỳ) là một trong những HTX làm ăn có hiệu quả trên địa bàn huyện. Được thành lập năm 2017 với 7 thành viên, do anh Trần Văn Dũng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, HTX kinh doanh các sản phẩm từ dó trầm như hàng thủ công mỹ nghệ, nhang trầm, vòng đeo tay và các mặt hàng điêu khắc. Hiện HTX có hai sản phẩm được Hội đồng đánh giá tỉnh bình chọn đánh giá 4 sao và 3 sao (trong đó vòng đeo tay từ trầm hương đạt 4 sao và sản phẩm nhang nụ đạt 3 sao). Năm 2019, huyện đã tạo điều kiện và hỗ trợ 200 triệu đồng để HTX mở rộng xưởng phục vụ trưng bày, buôn bán các mặt hàng từ trầm hương với diện tích 100m2; đồng thời hỗ trợ 135 triệu đồng giúp HTX mua sắm máy móc trang thiết bị phục vụ cho sản xuất.
Tập trung đầu tư
Không riêng cơ sở sản xuất của HTX Dịch vụ nông nghiệp, chế biến và kinh doanh tổng hợp Phước Tuyên, HTX Trầm hương Tiên Phước, trong 2 năm 2018 - 2019 huyện cũng đã hỗ trợ 15 chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP với tổng kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng và tạo điều kiện tốt nhất cho các chủ thể trong việc hoàn thiện sản phẩm cũng như hồ sơ, thủ tục.
Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Xác định chương trình OCOP là một trong cách làm tốt nhất để huyện Tiên Phước phát triển, ngay sau khi có chủ trương của tỉnh, huyện khẩn trương rà soát và đăng ký về tỉnh với gần 50 sản phẩm. Đồng thời quyết liệt triển khai chương trình từ việc tổ chức họp tuyên truyền cho nhân dân và các chủ thể, phân công cán bộ hỗ trợ cũng như hướng dẫn các xã xây dựng dự án phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị và theo hướng khai thác thế mạnh sản phẩm của địa phương, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm phát triển vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh các hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm trong nhân dân và đưa các sản phẩm đặc trưng của huyện đến với du khách gần xa”.
Bên cạnh đó, huyện khuyến khích các chủ thể quan tâm cải tiến quy trình sản xuất, mạnh dạn mua sắm các máy móc hiện đại thay cho cách làm thủ công. Đặc biệt nguyên liệu đầu vào bắt buộc phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ đúng theo tiêu chí của chương trình.
“Để giúp HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện phát triển sản phẩm OCOP, huyện có nhiều cơ chế hỗ trợ về kỹ thuật lẫn kinh phí để mua sắm các dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Với 18/85 sản phẩm toàn tỉnh được xếp hạng chỉ trong hơn hai năm đầu triển khai Chương trình OCOP là con số ấn tượng. Thành công ban đầu này sẽ là động lực quan trọng để các chủ thể trên địa bàn huyện tiếp tục hoàn thiện sản phẩm hướng tới các thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời mở rộng số lượng sản phẩm phong phú tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững, nâng cao đời sống nhân dân” - ông Minh nói.