Hôm nay 16.4, Hội Người mù tỉnh tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến nhằm tuyên dương các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động hội, đồng thời ghi nhận những tấm gương điển hình vượt khó tiêu biểu.
Tìm “ánh sáng” cuộc đời
Câu chuyện vượt khó của anh Đỗ Phú Kim (xã Đại Đồng, Đại Lộc) như cổ tích giữa đời thường… Bị mù bẩm sinh, nhưng mấy chục năm nay, anh Kim chưa lúc nào đầu hàng số phận. Là anh trai đầu của 8 đứa em, gia đình lại khó khăn nên anh Kim tự bươn chải cuộc sống, rồi trưởng thành, cưới vợ, sinh con. Đặc biệt, trong cuộc sống, anh luôn cố gắng, chăm chỉ làm ăn, từ việc mượn vốn của cha mẹ để phát triển chăn nuôi, đến chuyện mở máy xay xát gạo. Năm 2002, anh Kim tiếp tục chuyển qua nghề nấm rơm, mua phế liệu và mở trò chơi điện tử… Còn hiện nay, anh Kim đang là chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ Internet tại địa phương với 18 máy vi tính. Anh Kim kể: “Năm 2008 khi được Hội Người mù huyện Đại Lộc quan tâm cho đi học lớp chữ nổi, sau chuyển qua học lớp vi tính 6 tháng tại Tam Kỳ, lúc này trong thôn không có dịch vụ Internet nên tôi đã mạnh dạn đầu tư 3 máy vi tính cho các học sinh có nhu cầu đến học và chơi, qua thử nghiệm thấy kinh doanh có thu nhập trong khi máy quá ít không đáp ứng đủ nhu cầu nên tôi đã vay vốn của anh em trong Hội Người mù để mở rộng lên 12 máy”. Việc chuyển qua kinh doanh Internet đã mang lại thu nhập ổn định cho anh và gia đình. Anh Kim chia sẻ: “Thu nhập hiện giờ của tôi 3 - 4 triệu đồng/tháng, đời sống được cải thiện”.
Ông Đoàn Nghiêu (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) là hội viên tiêu biểu trong việc vượt lên hoàn cảnh. Ảnh: V.ANH |
Chị Ngô Thị Lê, hội viên Hội Người mù huyện Nông Sơn cũng là một ví dụ điển hình cho tấm gương vượt khó. Bị mù từ nhỏ, chị Lê lớn lên trong tình thương yêu của gia đình và tự mò mẫm tìm lấy “ánh sáng” của cuộc đời. Hiện nay, chị Lê là một trong 2 kỹ thuật viên của cơ sở xoa bóp, bấm huyệt của Hội Người mù huyện Nông Sơn. Chị chia sẻ: “Tôi luôn xem Hội Người mù là ngôi nhà chung. Nhờ có hội mà tôi được đi học chữ nổi và nhiều nghề thủ công khác. Nay, tôi may mắn có công việc ổn định với nghề xoa bóp, bấm huyệt của Hội Người mù huyện Nông Sơn”.
Điểm tựa cho hội viên
Nhiều người mù khi tham gia hội ở các địa phương đã có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, tìm việc làm và phát triển kinh tế. Hội Người mù Điện Bàn là một trong những tập thể tiên tiến được tuyên dương điển hình. Ông Võ Như Nỡ - Chủ tịch Hội Người mù thị xã Điện Bàn cho biết, với chức năng là tập hợp kết nạp người mù vào tổ chức hội, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi chăm sóc, giúp đỡ hội viên, thời gian qua, ngoài việc tập trung xây dựng tổ chức hội, chăm lo đời sống tinh thần cho hội viên, thì Hội Người mù Điện Bàn còn chú trọng vào công tác sản xuất, tạo việc làm, thu nhập, giúp người mù có cuộc sống ổn định. Trong 5 năm qua, hội viên Hội Người mù Điện Bàn đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 60 nghìn chổi và trên 300 nghìn tăm tre các loại. Ngoài ra, hội còn vận động kinh phí từ Mặt trận hỗ trợ 40 triệu đồng và chi quỹ hội xây dựng 2 phòng mát xa đã giải quyết việc làm ổn định cho 5 lao động. “Tổng doanh thu của các loại hình sản xuất giải quyết việc làm trong 5 năm qua là hơn 2 tỷ đồng. Bình quân thu nhập hàng tháng của hội viên hiện nay khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, nhiều hội viên không chỉ nuôi sống bản thân mà còn phụ gia đình nuôi con ăn học, mua sắm các dụng cụ sinh hoạt” - ông Nỡ nói. Song song với việc tập trung sản xuất, tạo việc làm, Hội Người mù các cấp ở Điện Bàn còn là cầu nối kêu gọi vận động của các cá nhân, đơn vị giúp đỡ, tặng quà cho hơn 10 nghìn lượt hội viên; vận động trao tặng 7 sổ tiết kiệm và xây dựng 11 nhà đại đoàn kết cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Tại Thăng Bình, Hội Người mù huyện đã chủ động tập trung vận động cán bộ, hội viên người mù phát huy học tập theo lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”, qua đó thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua tại địa phương. Ông Phan Văn Thanh - Chủ tịch Hội Người mù huyện Thăng Bình cho biết, đến nay toàn hội có 243 hội viên với 21/22 xã, thị trấn có tổ chức hội. Nhờ phát triển mạng lưới tổ chức hội rộng khắp nên những năm qua công tác chăm lo, giúp đỡ người mù đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 5 năm đã có trên 3.000 lượt người mù được trợ cấp, thăm hỏi và tặng quà với trị giá hơn 1 tỷ đồng. Huyện hội cũng đã vận động kinh phí hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà và trao tặng sổ tiết kiệm cho nhiều hội viên. “Người mù tuy mất đi ánh sáng của đôi mắt nhưng rất khao khát lao động, làm việc theo khả năng, góp phần tăng thu nhập cải thiện đời sống gia đình và bản thân” - ông Thanh nói. Ngoài ra, huyện hội đã làm cầu nối để tạo điều kiện cho hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trên 500 triệu đồng đề đầu tư, phát triển sản xuất.
VINH ANH