Vì cộng đồng và tựa vào cộng đồng, phong trào vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT)” triển khai 5 năm qua đã tạo sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức, ý thức và hành động của người dân khi tham gia giao thông.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu trong phong trào. |
Thiết thực
“Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” chính thức phát động ngày 13.9.2012 trên cơ sở thực hiện Kế hoạch liên tịch số 02/KHLT-MTTQVN-BATGT giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban ATGT tỉnh. Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hướng dẫn và Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Ban ATGT cùng cấp để thực hiện. Tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 897 khu dân cư (KDC) đảm bảo ATGT thì đến cuối năm 2017 tăng lên 1.407/1.719 KDC. Tại Điện Bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Phạm Thành Nhơn cho biết, cuối năm 2016 đã có 100% KDC thực hiện cam kết. Cạnh đó, 551 tộc họ ký cam kết vận động thành viên gia tộc không vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Nhiều huyện, thị xã, thành phố đưa tiêu chuẩn chấp hành pháp luật trật tự ATGT vào việc bình xét, công nhận gia đình văn hóa, KDC văn hóa. Nhận thức trong nhân dân về hiểm họa tai nạn giao thông (TNGT) có những chuyển biến rõ nét. Lượng người tham gia giao thông chấp hành đội mũ bảo hiểm ngày càng tăng, nhiều người tự giác đi học, đi thi lấy giấy phép lái xe, ít lấn chiếm lòng, lề đường hơn…
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Long cho biết, 10 lớp tập huấn chuyên đề về công tác ATGT cho trưởng ban công tác Mặt trận, tổ trưởng các tổ đoàn kết được tổ chức với 1.200 học viên tham dự. Việc ký cam kết KDC, gia đình bảo đảm ATGT không ngừng gia tăng về số lượng với 337.800 hộ, 721 trường học đăng ký. Đồng thời có 1.247 công trình giao thông được MTTQ các cấp phối hợp với các đoàn thể cam kết bảo vệ, 1.123 người vi phạm được đem ra kiểm điểm trước nhân dân. Cạnh đó, nhiều địa phương xây dựng các mô hình hoạt động có hiệu quả, điển hình như “Tổ đoàn kết an toàn”, “Đoạn đường tự quản”, “Xứ họ tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”… Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh còn triển khai và duy trì xây dựng mô hình “Xã điểm về ATGT” cho 16/244 xã, phường, thị trấn. Thành công của “Xã điểm về ATGT” được nhân rộng, đến nay có tổng cộng 86 địa phương cấp xã trên địa bàn tỉnh thực hiện.
Những điển hình
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Long chia sẻ, năm 2017 toàn quốc xảy ra 20.080 vụ TNGT làm chết 8.279 người và làm bị thương 17.040 người. Thống kê năm 2014, dân số của Quảng Nam là 1,472 triệu người phân bố ở 244 xã, trung bình mỗi xã có 6.033 dân. Như vậy, số người chết do TNGT của cả nước 1 năm làm xóa sổ hơn 1 xã. Nạn nhân thuộc độ tuổi trẻ, từ 15 đến 24 tuổi chiếm 40%. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, TNGT gây tổn thất cho Việt Nam vào khoảng 900 triệu USD/năm; chưa kể bao đau thương, mất mát mà gia đình, xã hội phải gánh chịu sau khi người thân bị tai nạn. Chính phủ đã thẳng thắn gọi thực trạng TNGT là quốc nạn. Ngăn chặn, giảm thiểu TNGT không chỉ là trách nhiệm của chính quyền các cấp, MTTQ… mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân. |
Từ nỗ lực của Mặt trận các cấp cùng sự đồng thuận phía người dân, Điện Bàn đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong phong trào nêu trên. “Chúng tôi phối hợp với UBND thị xã Điện Bàn thực hiện “Tháng bảo trì đường giao thông” vào tháng 6 hàng năm, gắn với phong trào “Tình nguyện nhân dân” ở KDC nhằm vận động toàn dân hưởng ứng ra quân duy tu bảo dưỡng, phát quang những vị trí che khuất trên các tuyến đường thông thoáng tầm nhìn. Cứ đến tháng 6 là nhân dân ra quân duy tu bảo dưỡng hàng trăm ki lô mét đường giao thông, đắp lề đường” - ông Phạm Thành Nhơn cho biết thêm. Tại huyện Tiên Phước, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tiến hành xây dựng, duy trì các mô hình tự quản về đảm bảo trật tự ATGT. Để đến nay, huyện có 72 mô hình liên quan được triển khai sâu rộng đến từng KDC. Điển hình như “Tổ phụ nữ tự quản về ATGT”, “Đoạn đường văn minh xanh, sạch, đẹp”, “Câu lạc bộ nông dân an ninh trật tự”, “Thắp sáng đường quê”,… đã góp phần xây dựng môi trường lưu thông an toàn, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
Nhận thức hành vi vi phạm pháp luật trật tự ATGT là vấn đề nhức nhối, đe dọa đến tính mạng, gây tổn hại tinh thần và phá vỡ kinh tế của thành viên, tộc Phan Văn ở thôn Đông Tây, xã Tam Đại (Phú Ninh) đã chủ động đăng ký với địa phương thực hiện mô hình “Tộc họ không có người vi phạm pháp luật, tham gia bảo đảm trật tự ATGT”. Tộc trưởng Phan Văn Lộc chia sẻ, để phát huy hiệu quả mô hình, những ngày sinh hoạt tộc họ, giỗ tổ hay gặp mặt đầu năm, Hội đồng gia tộc phát động thi đua, tổ chức cho các thành viên ký cam kết không vi phạm. Các vị cao niên, người có uy tín trong tộc thường xuyên gặp gỡ, động viên và khuyên nhủ cháu con tuân thủ quy định, kịp thời uốn nắn thành viên có biểu hiện vi phạm truyền thống gia phong. Nhờ đó, nhiều năm qua tộc Phan Văn xã Tam Đại không có người vi phạm pháp luật, không có trường hợp bị TNGT.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào dựa vào cộng đồng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban ATGT tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2021. Trọng tâm là tiếp tục tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT; xây dựng và duy trì các mô hình hiệu quả; phối hợp kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT.
CÔNG TÚ