Điểm tựa nơi biên giới

DƯƠNG LÊ 28/04/2016 09:14

Những năm qua, Đoàn Kinh tế - quốc phòng (KT-QP) 207 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả giúp cho bà con dân bản trên tuyến biên giới Nam Giang, Tây Giang phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo bền vững.

Buổi giao nhận bò nhóm hộ cho nhân dân xã Chơ Chun, huyện Nam Giang vừa được Đoàn KT-QP 207 tổ chức diễn ra trong không khí vui tươi, ấm áp. Ông AViết Mưl ở thôn Blang, xã Chơ Chun là hộ nghèo của xã, kinh tế gia đình sống chủ yếu dựa vào nương rẫy nên bữa đói, bữa no. Dịp này, ông là một trong 10 hộ được nhận bò của Đoàn KT-QP 207 và được đơn vị hướng dẫn cách chăm sóc, xây dựng chuồng trại. “Gia đình mình sẽ quyết tâm chăm sóc bò theo sự hướng dẫn của bộ đội để có thêm thu nhập, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống” - ông AViết Mưl nói.

Bộ đội Đoàn KT-QP 207 hướng dẫn bà con thôn Pa Lan kỹ thuật trồng bắp lai NK54.
Bộ đội Đoàn KT-QP 207 hướng dẫn bà con thôn Pa Lan kỹ thuật trồng bắp lai NK54.

Được biết, qua 3 năm triển khai thực hiện nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trong khu KT-QP Nam Giang, Tây Giang, nhất là quá trình triển khai mô hình nuôi bò nhóm hộ, Đoàn KT-QP 207 đã được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng tích cực của bà con nhân dân trong vùng dự án. Vì vậy, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực ở 8 nhóm hộ với 123 con bò tại các thôn bản: Agrih, Kanoonh 3 (xã A Xan, Tây Giang); thôn 3, thôn 4 (xã Phước Mỹ, Phước Sơn); thôn Blang, xã Chơ Chun; thôn Labo B, xã Chà Vàl; thôn Pa Lan, Đắc Ngol, xã La Êê (Nam Giang). Để bà con nơi biên giới thay đổi tập quán sản xuất tự cung tự cấp từ bao đời nay không phải là việc đơn giản, đội ngũ cán bộ đoàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể, mặt trận ở địa phương thường xuyên đến từng nhà, gặp gỡ, vận động người dân áp dụng các mô hình sản xuất tập trung để phát triển kinh tế gia đình. Thượng úy Trần Duy Toàn - Trợ lý Nông lâm, phòng Kỹ thuật - vật tư chia sẻ: “Bà con nơi đây phải mắt thấy tai nghe thì họ mới tin, vì vậy anh em chúng tôi phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cầm tay chỉ việc, có sản phẩm người dân mới làm theo. Thấy cuộc sống bà con đỡ vất vả hơn trước những người lính chúng tôi cảm thấy rất vui vì đã làm được nhiều việc có ích cho bản làng nơi biên giới”.

Ngoài mô hình chăn nuôi bò theo từng nhóm hộ, những năm qua, Đoàn KT-QP 207 cũng đã đề ra những chủ trương, giải pháp, cách làm mang lại hiệu quả thiết thực đối với cuộc sống người dân như: xây dựng bệnh xá quân dân y kết hợp để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, xây dựng điểm cấp nước sạch, điểm xay xát lúa miễn phí… Tích cực vận động người dân tham gia trồng rừng, triển khai các mô hình sản xuất, hỗ trợ giống kỹ thuật, hướng dẫn bà con phát triển các vườn cây ăn quả đã giúp đồng bào có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống dưới 65%. Đại tá Trần Văn An - Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 207 cho biết: “Đời sống của bà con các dân tộc thiểu số phía tây của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu các nguồn lực cho phát triển an sinh xã hội. Do đó, thời gian tới, trong khả năng của mình, Đoàn KT-QP 207 sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi cho bà con nơi đây, góp phần xây dựng vùng cao biên giới ngày càng khởi sắc hơn”.

DƯƠNG LÊ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điểm tựa nơi biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO