Ngày 11.3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định số 889/NQ-UBTVQH13 thành lập thị xã Điện Bàn và đến ngày 27.3 thì được công bố. Đến nay, qua hơn một tháng chuyển đổi, dù một số thủ tục hành chính đã xong nhưng vẫn còn không ít vấn đề “vướng” cần tháo gỡ.
Chờ văn bản hướng dẫn
Sau khi lên thị xã, Điện Bàn có diện tích tự nhiên là 21.471ha, dân số gần 230 nghìn người, gồm 20 đơn vị hành chính trong đó có 7 phường là Vĩnh Điện, Điện An, Điện Dương, Điện Ngọc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Nam Bắc. Nếu như ở các xã việc Điện Bàn chuyển đổi từ huyện lên thị xã không có nhiều thay đổi thì với các phường đều phát sinh không ít vấn đề cần điều chỉnh giải quyết, chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng, công tác cán bộ, mô hình quản lý.
Tại phường Điện An, cơ sở hạ tầng, quy hoạch, tỷ trọng cơ cấu kinh tế đã được chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp cơ bản đáp ứng được tiêu chí của một đô thị. Bên cạnh thuận lợi, Điện An cần điều chỉnh nhiều vấn đề để phù hợp với cơ cấu đô thị. Bao gồm: hoàn thiện bộ máy quản lý, công tác nhân sự, hạ tầng làm việc, nếp sống người dân, thay đổi về chính sách quy định của nhà nước khi áp dụng với phường như mức thu chi, nghĩa vụ, thuế, học hành, giá đất, chuẩn nghèo…
Vấn đề quan tâm nhất của Điện Bàn chính là nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông. Ảnh: V.L |
Tương tự, Điện Ngọc từ khi lên phường ngoài những thuận lợi của một đô thị đã được công nhận từ trước (năm 2013) thì khó khăn đầu tiên chính là việc chuyển đổi mô hình quản lý từ thôn sang khối phố. Nguyên nhân địa bàn dân cư quá rộng, trong đó khối phố thấp nhất cũng đã hơn 200 hộ dân, cao nhất gần 500 hộ nhưng đến nay không thể tách được vì chưa có văn bản hướng dẫn. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý hành chính. “Bây giờ chúng tôi vẫn chưa biết phường có được thành lập tổ quy tắc không, biên chế bao nhiêu, các ban ngành của phường gồm những gì, cơ chế chính sách ra sao… Tất cả đều chờ hướng dẫn từ cấp trên nhưng đến nay cũng chưa thấy có văn bản nào hướng dẫn” - ông Trần Duy Nghĩa - Bí thư Đảng ủy phường Điện Ngọc thông tin. Đặc biệt, việc giải thể công an xã để thành lập đồn công an phường theo hướng chính quy cũng dẫn đến bối rối trong giải quyết việc làm cho lực lượng này. Hiện công an xã Điện Ngọc có 6 người (gồm 1 trưởng, 2 phó và 3 công an viên), sau khi thành lập đồn công an thay thế, đồng nghĩa sẽ giải thể công an xã do lực lượng này không đáp ứng được những quy định yêu cầu; tuy nhiên, việc bố trí công tác khác rất khó khăn do hầu hết vị trí của phường đã ổn định nhân sự.
Ngoài ra, việc chuyển sang phường của các địa phương cũng dẫn đến những vấn đề phát sinh như thành lập các phòng ban mới về quản lý trật tự, môi trường, quản lý xây dựng; cơ chế, biên chế, chính sách, đầu tư… nhưng đến nay các phường không thể quyết được do chưa có văn bản hướng dẫn. Vì vậy, việc tiếp cận, triển khai công việc trên một số lĩnh vực vẫn còn khá dè dặt và đây cũng chính là khó khăn chung của các địa phương còn lại như Điện Dương, Điện Nam.
Vừa làm vừa hoàn thiện
Ông Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch UBND phường Điện An cho rằng, ngoài những thay đổi về bộ máy và mô hình quản lý thì việc thay đổi nhận thức của người dân cũng sẽ là câu chuyện dài để thích ứng với đời sống đô thị. “Chỉ riêng việc tuyên truyền vận động người dân tuân thủ những quy định mới của nếp sống đô thị văn minh như gìn giữ môi trường, không lấn chiếm vỉa hè; đóng góp các khoản phí thu, thuế nghĩa vụ đến quản lý trật tự, quản lý xây dựng, điều chỉnh hộ nghèo… cũng đã là những thách thức của địa phương vì những điều này chưa từng có trước đây” - ông Phước tâm sự.
“Việc lên thị xã đặt ra những yêu cầu mới cần giải quyết để phát triển, vì vậy chúng ta phải vừa làm vừa hoàn thiện dần. Tôi cho rằng, khó khăn chủ yếu tập trung vào hai vấn đề chính là năng lực trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ từ thị xã đến phường và nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn chế”. (Ông Cao Thanh Tấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn) |
Không phủ nhận, việc Điện Bàn lên thị xã sẽ tạo nhiều cơ hội liên quan đến hành lang pháp lý cũng như các vấn đề quản lý đô thị. Đặc biệt, khi lên thị xã ngoài việc được Nhà nước tăng cường ngân sách hỗ trợ cũng sẽ tạo ra sức hút mới thu hút nhiều nguồn lực đầu tư hấp dẫn hơn thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Theo ông Cao Thanh Tấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, việc chuyển đổi mô hình quản lý từ huyện lên thị xã là điều tất yếu vì Điện Bàn vốn đã được công nhận đô thị loại 4 (2014). Việc quản lý nhà nước cũng phải chuyển đổi đồng bộ mới có đủ chức năng và quyền hạn tương ứng để quản lý mô hình này.
Ông Cao Thanh Tấn cho rằng, vấn đề quan tâm nhất hiện nay vẫn là nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (hệ thống điện, đường, nước, cây xanh, thiết chế văn hóa…) vì thực tế vẫn chưa hoàn thiện dù là đô thị loại 4. Theo tính toán, tổng kinh phí đầu tư trung hạn (2016 - 2020) trên địa bàn thị xã ước tính vài nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nguồn huy động cân đối của huyện trong 5 năm tới cũng chỉ dao động trong khoảng 400 tỷ đồng, nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc thù từ tỉnh và trung ương việc hoàn chỉnh hạ tầng đô thị rất khó. Riêng vấn đề quản lý, trước mắt thị xã đã giao các phòng ban nghiên cứu văn bản, mô hình quản lý theo cấp thị xã, phường để hoàn thiện thích ứng. Cùng với đó sẽ tiến hành sắp xếp, luân chuyển điều động, đào tạo lại nguồn nhân lực cũng như bố trí cơ cấu cán bộ gắn liền với đại hội các cấp nhằm xây dựng bộ máy phù hợp yêu cầu nhiệm vụ mới.
VĨNH LỘC