Mười năm qua, bên cạnh sự hỗ trợ từ nhiều phía, cán bộ và nhân dân Quảng Nam đã tập trung phát huy tối đa nội lực để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ vậy, diện mạo nhiều làng quê từng ngày thay da đổi thịt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện.
Bước chuyển mạnh mẽ
Những ngày đầu tháng 9, trở lại xã Quế Lộc (Nông Sơn), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự thay đổi của vùng quê này. Dọc các tuyến đường bê tông phẳng lỳ, nhiều ngôi nhà còn thơm mùi vôi mới mọc lên san sát. Trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt văn hóa, khu vui chơi và thể dục – thể thao... được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Trên những cánh đồng lúa chín vàng, nhà nông hối hả thu hoạch để tránh yếu tố bất lợi của thời tiết. Ông Hồ Chánh Lập – Chủ tịch UBND xã Quế Lộc bảo rằng, sở dĩ địa phương thay da đổi thịt là nhờ “luồng sinh khí mới” từ chương trình xây dựng NTM. Theo ông Lập, năm 2011 Quế Lộc được UBND huyện Nông Sơn chọn triển khai thí điểm mô hình NTM. Trong 8 năm qua, địa phương đã đầu tư hơn 127,7 tỷ đồng thực hiện chương trình này. “Đáng mừng là đời sống nhân dân Quế Lộc không ngừng cải thiện. Năm 2018 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 35,1 triệu đồng, tăng hơn 30 triệu đồng so với năm 2011. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn 11,74%, giảm 40,28% so với cách đây 8 năm. Đến cuối năm ngoái, Quế Lộc thực hiện hoàn thành tất cả 19 tiêu chí theo quy định và ngày 1.2.2019 UBND tỉnh chính thức công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2018” – ông Lập chia sẻ.
Ông Đỗ Vạn Lộc – Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh có tổng cộng 204 xã tham gia thực hiện mô hình NTM. Thời điểm năm 2010 – khi Quảng Nam triển khai chương trình xây dựng NTM trên diện rộng, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của toàn tỉnh chỉ là 2,61 tiêu chí/xã. Với “xuất phát điểm” quá thấp như vậy, 10 năm qua các ngành, các cấp và đặc biệt là đại bộ phận nhân dân đã tập trung mọi nỗ lực để tạo ra “cú hích” cho việc thực hiện mô hình này. Theo ông Đỗ Vạn Lộc, từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn vốn Quảng Nam huy động để thực hiện chương trình NTM trên phạm vi toàn tỉnh là hơn 28.317 tỷ đồng. Theo thống kê, tính đến đầu tháng 9.2019, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 204 xã tham gia xây dựng NTM trên toàn tỉnh là 14,27 tiêu chí/xã, tăng 2,77 tiêu chí/xã so với năm 2015 và tăng 11,66 tiêu chí/xã so với năm 2010. Đến nay, Quảng Nam đã có 85 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 41,67%. Ngoài ra, thời gian qua chính quyền các địa phương đã lựa chọn và triển khai xây dựng thí điểm 135 mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 58 thôn được UBND cấp huyện công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, thị xã Điện Bàn và huyện Phú Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015. Trong 4 năm qua, 2 địa phương này vẫn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Trong khi đó, TP. Tam Kỳ đang hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan để trình Trung ương thẩm định, xét công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018.
Dốc sức cho mục tiêu mới
Theo ông Đỗ Vạn Lộc, những năm qua việc phát triển sản xuất – kinh doanh của phần lớn người dân trên địa bàn Quảng Nam có bước chuyển biến mạnh mẽ và đời sống của nhân dân đã cải thiện đáng kể. Qua khảo sát cho thấy, năm 2018 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Quảng Nam đạt 31,58 triệu đồng, tăng 10,47 triệu đồng so với năm 2015 và tăng hơn 21,4 triệu đồng so với năm 2010. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 7,57%, giảm 5,32% so với năm 2015 và giảm 16,63% so với năm 2010.
Ông Đỗ Vạn Lộc cho biết, mục tiêu Quảng Nam đặt ra từ nay đến năm 2020 phấn đấu có thêm 34 xã được công nhận đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên toàn tỉnh lên 119 xã (chiếm 58,3% tổng số xã). Đến năm 2020 bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 204 xã xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh là từ 16 - 16,5 tiêu chí/xã và có 26 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trong đó có 9 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Đồng thời xây dựng thành công ít nhất 133 khu dân cư NTM kiểu mẫu. TP.Hội An phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, Duy Xuyên trở thành huyện đạt chuẩn NTM. “Ngoài mục tiêu vừa nêu, Quảng Nam cũng phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt hơn 42 triệu đồng, hằng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2% trở lên. Cạnh đó, hoàn thiện, nâng cấp, phát triển mới 230 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp - dịch vụ - du lịch nông thôn trở thành sản phẩm OCOP” – ông Lộc nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, để mục tiêu trên trở thành hiện thực, thời gian tới các ngành và địa phương cần chủ động rà soát, xây dựng khung kế hoạch và lộ trình thực hiện theo từng tiêu chí, phù hợp với thực tiễn của từng xã, thôn, đồng thời phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân, tổ chức phụ trách ngay từ đầu năm. Cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát và định kỳ hằng tuần, hằng tháng phải đánh giá kết quả thực hiện, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh. Bên cạnh nguồn vốn trực tiếp của chương trình NTM do ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ, chính quyền các địa phương cần nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép các kênh vốn khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh. Phải ưu tiên nguồn lực thi công những công trình mang tính bức thiết. Để kinh tế nông thôn chuyển biến mạnh mẽ và đời sống người dân ngày càng nâng cao, thời gian tới các ngành, các cấp phải nỗ lực đẩy mạnh việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – nông thôn... “Ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các cấp cần quán triệt rõ quan điểm chỉ đạo là xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Nhất thiết phải tập trung nâng cao mức độ đạt chuẩn của các tiêu chí, dừng lại là rớt chuẩn” – Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh.