Trong chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2015 với chủ đề “Hãy hành động vì môi trường nông thôn bền vững”, ngoài tuyên truyền sâu rộng cho các tầng lớp nhân dân ý thức bảo vệ môi trường, nhiều địa phương còn đồng loạt ra quân diệt cây mai dương, dọn dẹp vệ sinh ở các khu dân cư...
Diệt cây mai dương dưới cầu Hương An. Ảnh: TRẦN HỮU |
Đe dọa môi trường sống
Không gian làng quê nông thôn được ví như “lá phổi”, bảo vệ không khí trong lành cho đô thị. Thông qua đề án quản lý rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh, các địa phương mới thực sự xem bảo vệ môi trường là cách phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đến cuối năm 2015, sẽ nhân rộng mô hình quản lý chất thải rắn tại 50 xã điểm nông thôn mới trong tỉnh. Tuy vậy, thách thức là thời điểm này để nhân rộng mô hình vẫn còn những hạn chế. Những năm gần đây, mọi hoạt động làm nghèo tài nguyên thiên nhiên, đe dọa môi trường sống phần lớn đều tập trung ở vùng nông thôn. Điển hình, ô nhiễm môi trường thường thấy trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và xâm hại tài nguyên rừng ở miền núi. Một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt. Thu gom và xử lý rác thải, nước thải mới chỉ dừng ở phương pháp thủ công nên khó đảm bảo chất lượng. Kinh phí chi cho sự nghiệp môi trường vẫn chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế ở địa phương. Đánh giá thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tỉnh ủy cho rằng, ngoài công nghiệp, du lịch, ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và làng nghề cũng quy hoạch bất cập, thiếu quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đảm bảo môi trường. Môi trường y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm thiếu kiểm soát chặt chẽ đang “bức tử” nhiều làng quê.
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình môi trường Liên hiệp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm. Chiến dịch thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 130 quốc gia. Chủ đề Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2015 là “Hãy hành động vì môi trường nông thôn bền vững” nhằm nhấn mạnh vai trò của khu vực nông thôn Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường cũng như công tác xây dụng nông thôn mới hướng tới một nền sản xuất tiên tiến và bền vững, ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái… |
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2014 chuyên đề “Môi trường nông thôn” đã chỉ ra ô nhiễm môi trường nông thôn chủ yếu do các hoạt động sản xuất mang tính tự phát, công nghệ lạc hậu, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu thấp, mặt bằng sản xuất hạn chế kèm theo nhận thức chưa đầy đủ của người dân về bảo vệ môi trường. Những thách thức đó là, sử dụng tùy tiện thuốc bảo vệ thực vật, khai thác và sử dụng lãng phí nguồn nước ngọt. Đặc biệt ô nhiễm môi trường do chất thải rắn đang ở mức báo động. Theo Tổng cục Môi trường, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh vùng nông thôn ước khoảng 6,6 triệu tấn/năm. Tỷ lệ thu gom rác tại các vùng ven đô thị đạt 80%, trong khi một số vùng sâu, vùng xa tỷ lệ chỉ đạt 10%. Khối lượng rác thải ứ đọng không được thu gom, xử lý, tự phát đổ tràn lan làm chất lượng môi trường khu vực nông thôn ngày càng xuống cấp.
Làm cho môi trường sạch hơn
Sau lễ mít tinh hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn tại xã Hương An (Quế Sơn), sáng 19.9, gần 1.000 người dân, đoàn viên thanh niên trên địa bàn Quế Sơn đồng loạt ra quân diệt cây mai dương dưới chân cầu Hương An. Sau một ngày ra quân, nhiều cây mai dương đã bị chặt hạ tận gốc, nhổ bỏ cây non và đốt phá. Nhằm hạn chế tốc độ lây lan của loài cây này, Sở Tài nguyên - môi trường kêu gọi chính quyền các địa phương tiếp tục ra quân tiêu diệt, triệt phá loài cây mai dương để bảo vệ đồng ruộng. Nhiều tháng nay, Sở Tài nguyên - môi trường cùng với Tỉnh đoàn, Hội Nông dân… đã phát động phong trào diệt cây mai dương khắp sông suối, đồng ruộng. Theo ngành nông nghiệp, cây mai dương đang phát triển mạnh trên sông suối, đồng ruộng, diện tích ước khoảng 150ha gây tác động xấu đến các loài sinh vật bản địa cũng như các hệ sinh thái đặc thù của địa phương. Thực hiện phương châm “thấy đâu diệt đó” là cách làm thiết thực, dù thủ công nhưng hiệu quả. Trong một tuần ra quân (từ 14 đến 20.9), các đoàn viên thanh niên, lực lượng nông dân, phụ nữ các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Đại Lộc, Điện Bàn, Quế Sơn… đã chặt phá, đốt bỏ hàng triệu cây mai dương, làm sạch ít nhất 10ha đất ven sông, suối, bờ ruộng...
Ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết, nằm trong chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, ngoài diệt cây mai dương, ngành muốn kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, chính quyền, doanh nghiệp có những hành động cùng chung tay bảo vệ môi trường như hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, khơi thông dòng chảy, trồng thêm cây xanh… Bên cạnh đó, xã hội cần cương quyết với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, năng lượng. Năm 2015, Sở Tài nguyên - môi trường xác định nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ môi trường là tập trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề; thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. “Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tiếp tục triển khai các hoạt động hướng đến “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Chủ nhật xanh”, không sử dụng túi nilon; thực hiện đề án Quản lý chất thải nguy hại ở các vùng nông thôn tỉnh đến năm 2020” - ông Viễn nói. Tại các vùng nông thôn ven biển, nhiều địa phương kết hợp lồng ghép bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu như trồng rừng ngập mặn ở cửa sông ven biển Tam Hải, Tam Giang (Núi Thành); phục hồi hệ sinh thái dừa nước khu vực sông Trầu và sông Bến Đình (xã Tam Nghĩa, Núi Thành)…
TRẦN HỮU