Không phải bây giờ ngành giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam mới quan tâm đến công tác định hướng, điều chỉnh hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải. Trước đây, ngành đã khuyến cáo lãnh đạo các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định về thực hiện quản lý vận tải, nhất là kiểm soát về tốc độ, điều chỉnh hành vi tham gia giao thông. Nhưng qua thực tế, các đơn vị vận tải đã làm đủ mọi cách nhằm mang lại lợi nhuận nhanh nhất có thể thay vì quan tâm đến việc nâng cao chất lượng phục vụ. Họ không thường xuyên duy trì chế độ bảo dưỡng, sửa chữa, bảo đảm các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, mở sổ theo dõi bố trí xe hoạt động trong ngày, kiểm tra các điều kiện an toàn trước khi đưa nó vào hoạt động. Một số đơn vị vận tải triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các xe ô tô một cách đối phó. “Hộp đen” đã được lắp trên xe, song chưa đáp ứng tối thiểu thông tin lưu giữ về hành trình, tốc độ vận hành, số lần và thời gian dừng đỗ, đóng hoặc mở cửa xe. Chủ phương tiện cũng chưa quan tâm bố trí nhân viên được đào tạo cơ bản, làm việc thường xuyên theo dõi hoạt động của phương tiện trên máy vi tính; vì vậy không thể khai thác các thông tin từ thiết bị nhằm quản lý, kiểm soát hoạt động của xe.
Xe buýt hai chiều Tam Kỳ - Đà Nẵng luôn vi phạm việc mở cửa khi xe đang chạy. |
Một vị lãnh đạo của ngành GTVT thừa nhận, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải không ký kết hợp đồng với đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, lại còn hậu thuẫn cho họ tranh giành, đón trả khách sai quy định. Đáng báo động hơn, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đang tồn tại nhiều vấn đề khiến “thượng đế” rầu lòng. Tình trạng xe chạy tranh giành khách, thậm chí dẫn đến xô xát giữa các đơn vị kinh doanh chung lộ trình thường xuyên xảy ra. Trong khi chờ biện pháp mạnh từ cơ quan chức năng, doanh nghiệp muốn phát triển thương hiệu một cách bền vững cần phải điều chỉnh ngay từ gốc với những tồn tại trong chính hoạt động của mình.
SÁU CÒI