Nghề nuôi ong ở xã Sông Trà (Hiệp Đức) lâu nay ăn nên làm ra. Gần đây, giá mật rớt thê thảm khiến một số chủ ong phải bỏ đàn, số ít vay mượn cầm cự mong chờ tăng giá.
Ông Ngô Nhiều (thôn 2, xã Sông Trà) phải bỏ ra khoản tiền lớn mỗi ngày để cố duy trì đàn ong 200 thùng. |
RỘ lên chừng 5 năm trở lại đây, nghề nuôi ong lấy mật thu hút 20 hộ dân trên địa bàn xã Sông Trà đầu tư, trong đó tại thôn 2 có hơn 10 hộ nuôi tập trung, chiếm phần lớn tổng đàn của toàn xã bởi nơi đây có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho đàn ong sinh trưởng, phát triển. Không chỉ người dân Sông Trà đầu tư nuôi ong ở vùng này mà người ở vùng khác như Đắk Lắk, Gia Lai cũng đưa ong về vùng keo lá tràm này thả nuôi để tránh mùa mưa vùng Tây Nguyên, chờ nắng ráo di cư đàn về lại vùng màu mỡ phấn hoa cà phê. Thời điểm có giá, mỗi ký mật ong được tư thương và các công ty ở Đắk Lắk, Kon Tum thu mua 40 - 50 nghìn đồng/kg, người nuôi có lợi nhuận cao, có điều kiện để đầu tư cho đàn ong. Tuy nhiên hai tháng nay, giá mật đột nhiên rớt thê thảm, hiện xuống còn 9 - 10 nghìn đồng/kg, nhiều thương lái mua mật xuất khẩu cũng “biến mất” hoặc nếu có thu mua cũng chỉ với số lượng rất ít. Chưa kể, người mua còn chê bai, ép giá, cho rằng mật keo lá tràm chất lượng thấp, khiến nông dân điêu đứng.
Giữa rừng keo bạt ngàn, ông Ngô Nhiều (thôn 2, xã Sông Trà) đang cố cầm cự nuôi đàn ong 200 thùng. Ông Nhiều nuôi ong 3 năm trở lại đây, năm nào cũng có lãi, chưa kể nguồn thu nhập từ nhân đàn, bán giống cho các hộ nuôi khác. Gần đây giá mật ong xuống thấp khiến ông ngao ngán. Ông nói: “Bỏ thì thương, vương thì nặng. Bao nhiêu vốn liếng vào đàn ong hết rồi, giờ chẳng thể bỏ, lấy gì trả nợ ngân hàng. Trót phóng lao phải theo lao thôi!”. Cũng theo ông Nhiều, mỗi tấn mật hiện chỉ có giá 10 triệu đồng, đủ mua nửa tấn đường cho ong uống dặm. Mỗi ngày, ông tiêu tốn tiền bột đậu nành, đường, trứng gà tới 3 triệu đồng, mỗi tháng là 90 triệu để duy trì đàn. “Dẫu lỗ cũng phải duy trì đàn, nếu không ong sẽ chết hết vì đói. Còn giá mật kiểu này thì không ai quay mật hết, vì lỗ, mà mật tồn đọng cả ngàn lít trong dân cũng chẳng thấy ai tới mua” - ông Nhiều nói. Chỉ những thùng mật nặng tới 30kg nằm sát trong vườn keo, ông Nhiều bảo, đó là số mật thương lái chê vì nói mật keo đen và chất lượng thấp. Ông đành để lại cho ong uống dặm thay đường.
Ngoài ông Nhiều, tại thôn 2 (xã Sông Trà) còn có hàng chục hộ nuôi ong khác cũng điêu đứng vì giá như anh Trần Hữu Hải (nuôi 500 thùng), anh Trần Hữu Thận (nuôi 400 thùng ong). Mỗi ngày, cơ sở anh Hải phải tiêu tốn 5 triệu đồng để duy trì đàn ong, tính ra mỗi tháng lỗ cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, nhiều người không chịu được lỗ kéo dài, chấp nhận bỏ đàn hoặc bán đàn ong với giá rẻ để vớt vát như ông Trần Định, Lê Dần, Hứa Văn Thạnh, anh Nguyễn Tâm… Trưởng thôn 2 (xã Sông Trà) - ông Trần Định xác nhận, do thua lỗ, không đủ sức để theo đàn ong nên ông chấp nhận để ong tự bay đi kiếm thức ăn, mất trắng 250 triệu đồng. “Do ong nuôi không thể tự bay đi xa kiếm thức ăn như ong rừng, nên lượng đàn giảm sút nhanh, ong non chết nhiều vì đói, từ 200 thùng, giảm xuống còn 10 thùng, số khỏe bay đi nơi khác sống. Thấy xót lắm, nhưng nếu bám theo nó thì mình cũng chết” - ông Định nói. Cũng theo ông Định, xã Sông Trà phát triển ong mạnh vì năm 2013 về trước, thấy hiệu quả khả quan, xã khuyến cáo người dân nuôi, có ý định thành lập tổ hợp tác nuôi ong để được hỗ trợ vay vốn đầu tư, nhưng 3 năm trở lại đây, việc xuất khẩu chững lại, không nghe ai nói gì. Các hộ nuôi vẫn duy trì đàn vì mật vẫn ở mức 40 - 50 nghìn đồng/kg, vẫn có lời. Nhưng giá mật như hiện tại thì không ai ngờ tới. Ông Định kể, trong thôn, ông Lê Dần đã bán 100 thùng ong chỉ với giá mười mấy triệu đồng; ông Hứa Văn Thạnh bán 100 thùng với giá 24 triệu đồng. Ông Trần Văn Chiến dở khóc dở cười vì đã bán hết đất để đầu tư 400 thùng ong…
Theo ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Sông Trà, trước tình hình giá mật ong giảm sâu hiện nay, xã chỉ biết khuyến cáo người dân giảm đàn. Còn đại diện Phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức cho biết, ngành nông nghiệp luôn tạo điều kiện để bà con nuôi ong, còn chuyện thị trường, giá cả, đầu ra thì khó có thể kiểm soát được. Lý giải về nguyên nhân khiến mật ong rớt giá và đầu ra thiếu ổn định, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, đây là tình hình chung của nghề nuôi ong cả nước, không riêng Quảng Nam, bởi sản phẩm đầu ra phụ thuộc vào xuất khẩu. Nghề nuôi ong từng có lợi nhuận rất cao, đầu ra rất tốt, song mấy năm trở lại đây, đầu ra chững lại. Thông tin qua các hội thảo về nghề nuôi ong lấy mật cho biết, các nước nhập khẩu kiểm định chất lượng mật ong, phát hiện lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong mật nên ngưng nhập. Nguyên do là đàn ong hút mật, phấn hoa cà phê và nhiều loại cây trồng khác có sử dụng thuốc trừ sâu. Từ đây, nhiều người chuyển sang nuôi ở những vùng keo lá tràm để ong hút mật tự nhiên, song cái khó là mật keo có màu đen, khó tiêu thụ. “Tháo gỡ khó khăn cho người nuôi ong thì phải tháo gỡ khó khăn về xuất khẩu. Đây là điều khó khăn, vượt sức của ngành nông nghiệp. Còn về chính sách hỗ trợ người nuôi ong thì Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam phải kiến nghị, đề xuất với Nhà nước, Chính phủ. Quảng Nam có lượng người nuôi ít, tổng đàn không nhiều như các tỉnh khác và cũng chưa thấy địa phương hay người dân kiến nghị gì” - ông Muộn chia sẻ.
HOÀNG LIÊN