Điều không bất thường

LÊ THỊ PHI KHANH 09/03/2014 09:49

Vợ chồng cụ ông hàng xóm có hai người con, một trai, một gái. Sau khi con trai cụ tử vong vì tai nạn giao thông chừng một tháng, người con gái cũng qua đời ngay trên bàn đẻ ở một bệnh viện ngoại thành. Ông bà ngã quỵ. Thật đau đớn khi đầu bạc khóc đầu xanh. Chính quyền địa phương, bà con lối xóm đặc biệt quan tâm đến cuộc sống ông bà kể từ sau khi các con họ qua đời. Dù nỗi đau quá lớn, nhưng nhìn các cháu nội ngoại, đứa mất cha, đứa mất mẹ, vô hồn trước tất cả những gì diễn ra chung quanh chúng, khiến ông bà trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Ông bắt đầu đi làm phụ hồ, dù tuổi đã cao. Mấy cai thầu thương tình, có công trình nào cũng đều gọi ông đến cho làm việc nhẹ, cái chính là giúp đỡ ông. Bà ở nhà lo cơm nước và những việc vặt vãnh. Tiếng là ở riêng, nhưng gia đình người con gái xưa nay đều nghỉ ngơi, ăn uống tại nhà ông bà, chỉ tối đến mới về nhà riêng cách đó chừng mười phút chạy xe máy, để ngủ. Con rể ông bà làm “thợ đụng”. Cậu ấy lực lưỡng, khéo tay, sáng tạo, việc gì cũng làm được. Con dâu làm công nhân, đảm đương chuyện đưa rước con cái, vì tiện đường đi làm. Ngày trước, dù lương con dâu ba cọc ba đồng nhưng ông bà vẫn tỏ ra hài lòng vì đã có con trai làm “trụ chính”. Nay con trai mất đi, ông muốn được san sẻ gánh nặng với con dâu mình. Ông quyết định đi làm sau một thời gian dài được con trai “đặc cách” nghỉ ngơi. Mấy ngày đầu làm việc, thân già đau ê ẩm, nhưng ông vẫn cố. Buổi tối, ông được bà bồi bổ bằng mấy ly rượu thuốc trị nhức mỏi. Rồi ông bị cảm nhiều ngày, nhưng vẫn gắng thuốc thang để vực cơ thể già nua trở dậy. Mỗi sáng, trên ghi đông xe đạp, bà treo tòng teng hộp cơm trưa, nửa gói thuốc hút và cái bay để ông hành nghề. Bao nhiêu vòng quay bánh xe là bấy nhiêu suy nghĩ về tương lai con cháu, bởi ông thấy sức mình sắp tàn. Chỉ mong còn sống ngày nào, còn giúp được gì cho con cháu thì tự nhủ phải cố gắng.

Đứa cháu đích tôn và đứa cháu ngoại cùng học chung lớp 5, cháu nội gái học lớp 3. Bé gái vừa chào đời thì mẹ mất, được gia đình nhà nội nó mang về nuôi nấng. Bốn đứa cháu là những báu vật của ông bà. Ông không giàu tiền giàu bạc, nhưng đất vườn ông khá rộng, bao nhiêu người hỏi mua, ông bà đều lắc đầu từ chối, quyết để lại cho các cháu, đứa nào cũng có phần. Đi làm về dù mệt, nhưng ông tranh thủ hỏi han chuyện học hành, kể cho các cháu nghe về những tấm gương vượt khó trong cuộc sống mà ông lượm lặt được từ người này người kia. Mỗi câu chuyện ông kể như một thông điệp yêu thương, hay lời nhắn gửi đến các cháu là phải biết vượt qua nghịch cảnh. Ở nhà, ông bà luôn tỏ ra là người mạnh mẽ, cố làm cho mọi thành viên trong nhà hiểu rằng, chuyện sống chết đều có số phận. Dù vậy, một thời gian dài, mọi người trong nhà mới lấy lại tinh thần, dần nguôi ngoai với nỗi đau mất mát...

Ông vẫn đều đặn đi làm. Trong một lần trộn mẻ hồ “đổ mê”, người thanh niên đứng cạnh bảo ông rằng, con dâu và chàng rể của ông đang có tình ý với nhau. Ông cười thành tiếng: “Mày chỉ được cái nói bậy”. Người thanh niên khẳng định “họ thường quấn quýt với nhau ở nhà riêng con rể ông”. Ông chống xẻng, khựng lại trong giây lát. Mẻ hồ “đổ mê” vốn nặng, nay nghe những điều “lạ kỳ” ấy, ông cố tỏ vẻ bình tĩnh, cố dùng hết sức lực già nua của mình mới trộn nốt những mẻ hồ còn lại trước khi nghỉ trưa. Phần cơm trưa bà làm rất ngon. Cá bống kho tiêu vốn là món khoái khẩu của ông, đọt bí xào tỏi và lưng tô canh đu đủ hầm xương. Cổ họng ông như nghẹn lại, nuốt không trôi. Ông không tin và không muốn tin đó là sự thật. Ông lén bỏ bữa giữa chừng vì sợ gã thanh niên kia biết ông đang nghĩ lăn tăn về chuyện hắn kể và thương hai người con ruột vắn số của mình. Lấy mũ làm gối, ông ngả lưng dưới bóng cây bàng già, liên tục rít thuốc.    

Chiều về, ăn cho qua bữa, rồi lấy lý do mệt, ông đi ngủ sớm. Bà cứ ngỡ ông bệnh, toan đi mua thuốc, nhưng bị ông chặn lại. Ông bảo chỉ là đau lưng, rồi ông tu một hơi bốn chung rượu nhức mỏi. Những ngày tiếp theo, về đến nhà, ông để ý nhất cử nhất động của con dâu, con rể. Không ít lần ông nhìn thấy vẻ bối rối khi họ chạm mắt nhau. Ông tự nhủ sẽ theo dõi xem có đúng với lời đồn thiên hạ. Mà ông cũng chẳng biết mình theo dõi chuyện ấy để làm gì! Phản đối hay ủng hộ, rằng tình yêu ấy có gì tội lỗi không? Đang lúc rối rắm thì con dâu, con rể đã cho “nổ tung” câu chuyện của mình. Ông đang lắng nghe nỗi lòng của họ. Đó là câu chuyện của những kẻ tự cho mình là “tội đồ”, khi họ chẳng biết làm sao để ngăn cản con tim nguội lạnh bấy lâu đang bắt đầu thổn thức. Là những người chung hoàn cảnh, đồng cảm, rồi yêu nhau, nhưng chẳng dám biểu hiện ra bên ngoài, đó là nỗi khổ tâm luôn giằng xé trong lòng. Họ ngày đêm đấu tranh tư tưởng, chờ thời cơ thuận lợi để giãi bày và mong được sự chấp nhận của ông bà, để họ không còn cô đơn khi tuổi đời còn quá trẻ, để họ có điều kiện thay người vợ/chồng đã khuất tiếp tục phụng dưỡng cha mẹ già và bù đắp tình cảm cho đám trẻ con, đứa thiếu cha, đứa vắng mẹ.

Những tưởng bà sẽ nổi cơn tam bành về mối quan hệ ấy, dù đôi lúc ông thấy bà liên tục chau mày khi nghe chuyện. Bà bảo bà cũng từng lờ mờ nhận thấy tình cảm khác thường của các con. Sự quan tâm thái quá, những cái nhìn lén lút… chỉ có thể là “ngôn ngữ” của những người yêu nhau. Lựa lúc bà vui vầy bên các cháu, con dâu đã rụt rè thú nhận. Ông vỡ lẽ. Hèn chi trong câu chuyện, thỉnh thoảng ông thấy bà gật đầu ra điều thông cảm, hiểu và sẵn sàng chia sẻ nỗi lòng với các con. “Đèn xanh” đã được bà “bật” lên, không những con dâu, con rể, mà chính ông cũng thấy nhẹ lòng, như vừa được ai đó cởi trói cho mình. Bao khúc mắc, nghi ngờ, lẫn chút xấu hổ cũng tiêu tan. Ngay lúc đó, bà kêu các cháu lại, lựa lời nói về mối quan hệ hiện tại của ba mẹ các cháu, rằng điều ấy không có gì là bất thường. Với bà, các con đến với nhau không có gì là khó hiểu hay lạ lùng, bởi họ không cùng chung huyết thống, dù cả hai đã từng sống chung dưới một mái nhà, từng chia ngọt sẻ bùi trong những tháng ngày các con của ông bà vẫn còn hiện diện trên cõi đời. Ông khen bà hiện đại, có lối suy nghĩ thoáng, chẳng bù thời gian vừa rồi ông cứ bứt rứt, khó hiểu về cái chuyện không chỉ ông mà nhiều người cho là “lạ kỳ” ấy. Bây giờ, ông “ăn theo” những suy nghĩ của bà, vì thấy vừa có lý, mà lòng nhẹ tênh. Trong đời sống vợ chồng, chưa bao giờ ông nghe vợ mình nói hay đến như thế. Xưa nay, với ông, bà là mẫu người phụ nữ, hẹp hòi, làm điều gì cũng cân nhắc chi li, rào trước đón sau, đặc biệt rất ngại dư luận, sợ định kiến. Ở độ tuổi sắp xuống lỗ, ông tự trách mình sao lại cứ nghĩ lăn tăn, thậm chí nhìn nhận tình yêu các con có phần ích kỷ.  

Dâu, rể và các cháu của ông bà đang hòa lại làm một. Họ làm mọi việc cùng nhau, vì nhau. Thấy hoàn cảnh gia đình ông bà, ai cũng cảm thông và ra sức vun vén cho tình yêu của hai tâm hồn cô đơn nhưng đồng điệu. Các cháu nội của ông bà đang được mẹ và dượng rể quan tâm. Cháu ngoại thì được cha và mợ sẻ chia. Mọi sự chăm sóc đều tỏ ra chân thành, không phân biệt, bởi họ cũng từng là một đại gia đình êm ấm, hiểu nhau và hết mực yêu thương nhau. Bây giờ, ông bà xem con dâu, con rể như chính con trai, con gái của mình. Việc làm đầu tiên sau khi ông “bị” các con cho “thôi việc” là đèo bà bằng xe đạp đi thăm đứa cháu ngoại vừa mới lọt lòng thì mẹ đã mất.

LÊ THỊ PHI KHANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điều không bất thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO