Mùa hè năm đó, tôi theo ba má chuyển lên phố núi sinh sống, bán buôn. Tôi gặp Đình Côi vào một chiều mưa rả rích, nước từ trên trời gieo xuống như những đường kim dệt kín mặt hồ. Phía sau màn mưa trắng xóa ấy, tôi từng đặt câu hỏi: “Trong mắt Đình Côi có gì buồn?”.
Đình Côi là người Cơ Tu, nhưng không hiểu sao cậu ấy chẳng có họ hay tên lót như Alăng, Pơloong, Arất... Nhiều người bảo rằng Đình Côi là con rơi con rớt của một gã đàn ông nào đó ngang qua xóm núi. Mẹ Đình Côi không chồng mà chửa, bà sống trong sự đàm tiếu, hắt hủi và những tục lệ cổ hủ của bản làng. Sinh ra Đình Côi, bà bỗng hóa điên sau một đêm mưa dài nặng hạt. Cái tên Đình Côi là do một phụ nữ người Kinh đặt cho cậu ấy. Bởi sau cái đêm mẹ Đình Côi la hét điên loạn rồi mất tích, cậu được dân làng phát hiện dưới đình thờ các vị thần linh, đó cũng là đêm mồ côi của cuộc đời cậu.
Tôi gặp Đình Côi lần đầu tiên trên đường đến trường. Cơn mưa như trượt dài cái dáng nhỏ liêu xiêu, tay cầm roi chăn bò, vai mang chiếc gùi đựng ba búp măng rừng to bự. Giấu mình trong chiếc áo mưa, tôi vừa đi vừa hít hà bịch sữa ấm nóng và hát. Đình Côi men bờ triền đê chạy theo. Tôi không lấy làm lạ với hình ảnh những cô cậu người Cơ Tu theo sau mình. Tôi vẫn thản nhiên ca hát, dù mưa có dai dẳng, dù đường có xa xăm…
- Bạn là Nguyên phải không?
Câu hỏi của Đình Côi làm tôi có chút hụt hẫng. Lời ca trên đường đến trường bỗng cắt ngang.
- Sao bạn biết?
- Mình biết mà, tụi bạn chăn bò hay nói về bạn. Mình tên là Đình Côi.
- Đình Côi?...
Vậy là chúng tôi quen nhau. Những buổi chiều tan trường cứ thế mà trở nên vui hơn khi tôi được ở bên Đình Côi và mấy đứa trẻ chăn bò. Đình Côi dạy tôi cách vào rừng hái măng, cách nghe tiếng lục lạc bò quen hay lạ khi đi tìm bò lạc, cậu ấy cũng thường rủ tôi xuống suối tắm mát những ngày hè. Đình Côi mồ côi, không có điều kiện đến trường học hành như tôi. Thi thoảng, tôi vẫn tặng cậu vài tập giấy và bút. Những đêm trăng sáng đủ tỏ dưới chân đồi, tôi lại bắt gặp cái dáng bé nhỏ khom lưng nắn nót vài con chữ.
Mười sáu tuổi, tôi có cảm giác bức bối trong lồng ngực, những bộ áo quần bỗng chật chội trên cơ thể căng tràn sức sống. Tôi bắt đầu biết thẹn thùng, không tắm suối cùng Đình Côi nữa. Cậu ấy có chút buồn bã, buồn hơn là khi biết tôi chuyển xuống thành phố sống và học tập. Tôi không còn sống ở phố núi chất đầy kỷ niệm. Nỗi nhớ nhà, nhớ Đình Côi, nhớ tụi trẻ chăn bò cứ rắc trên mặt giấy. Hết tuần này đến tuần khác, những cánh thư đều đặn gửi đi, nhận về. Đình Côi đã biết đọc được thư tôi gửi cho cậu và tỏ ra hài lòng với những gì bản thân đã cố gắng học hỏi. Có lẽ Đình Côi không biết rằng tôi đã cố tình viết những chữ thật đơn giản để cậu dễ hiểu hơn. Mà có biết, chắc Đình Côi cũng chỉ nở nụ cười hân hoan ngoan hiền của cậu con trai mới lớn.
Học xa nhà, tôi trở nên trầm tính hơn, không còn an nhiên ca hát như trước. Tôi đi tìm niềm vui khác bằng cách vùi đầu vào sách vở. Những ngày đến thư viện cứ đều nhịp, tôi đọc được nhiều loại sách, vốn hiểu biết cũng nâng cao hơn nhiều. Tôi gặp Tịnh và cảm thấy như có cánh cửa nào đó mở ra. Tôi vui khi có thêm một người bạn mới ở chốn thị thành. Tôi thường kể Tịnh nghe về núi rừng, về Đình Côi và những đứa trẻ chăn bò. Tịnh cũng huyên thiên với tôi về chuyện trường, chuyện lớp. Đôi khi vào những chiều mưa Tịnh dắt tôi ra phía cuối hành lang ký túc xá, rồi hai đứa đứng ngắm nhìn sắc tím tường vi mỏng manh. Tịnh có đôi mắt trong veo và hàng chân mày dài đen y hệt Đình Côi. Chỉ có những điều ẩn sâu nơi đáy mắt Đình Côi, tôi không tài nào hiểu được.
Năm tôi lên mười bảy tuổi, mùa hè, tôi dẫn Tịnh về thăm phố núi, thăm bản làng Cơ Tu. Những con đường vắng vẻ, những gương mặt đen sạm, khắc khổ của dân làng vẫn như ngày nào. Xa xa, trên bờ triền đê, tôi thấy bóng Đình Côi đổ dài trước nắng. Cậu ấy vui mừng khi gặp lại tôi, vui hơn khi có thêm người bạn mới là Tịnh.
Đình Côi đưa tôi và Tịnh ra suối ngắm, rồi mang gùi, dắt chúng tôi đi hái măng rừng. Đêm đó cả ba đứa ngủ nơi chòi lá canh nương cạnh bìa rừng. Nói là ngủ vậy thôi, chứ thực ra cả ba đứa hàn huyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, thật vui.
- Đêm nay, Nguyên như công chúa ngủ trong rừng, có hai anh chàng hoàng tử bảo vệ, mụ phù thủy sẽ chẳng thể nào bắt được Nguyên - tôi nói.
Đình Côi cười phá lên. Còn Tịnh lại bảo::
- Khỏi lo, ở đây có thần rừng bảo vệ mà!
Cả ba đứa chuyện trò suốt đêm. Rồi Đình Côi bảo tôi hát cho cậu ấy nghe. Lâu rồi tôi chẳng hát hò gì. Và tôi hát. Có tiếng suối róc rách bên tai, tiếng gió thì thầm… Đêm đó với tôi, Tịnh và Đình Côi sao mà đẹp quá chừng!
Kỳ nghỉ hè kết thúc, tôi cùng Tịnh trở xuống phố học tập. Ngày chia tay Đình Côi, bước chân tôi cứ chùng lại. Khi tôi đi cùng Tịnh, chắc hẳn nơi triền đê ấy, chỉ một mình Đình Côi đơn độc. Tôi leo lên xe, Đình Côi dúi vào tay tôi một cánh thư, ánh mắt cậu không giấu được nỗi buồn khôn tả. Xe vừa lăn bánh rời núi, tôi mở thư ra, những nét chữ nguệch ngoạc, xiêu vẹo: “Mình sẽ bán bò, kiếm tiền lợp nhà ở bìa rừng và đợi Nguyên về ngủ duông. Chúng mình sẽ cưới nhau!”.
Tôi rời ghế trước, chạy ra phía cuối xe và nhìn hình ảnh Đình Côi rớt lại bên đường. Hai hàng nước mắt chực lăn dài, cổ tôi nghẹn lại. Tịnh đến bên tôi vỗ về:
- Hay là Nguyên quay lại chỗ Đình Côi đi!
Tôi không trả lời, chỉ đứng nhìn trân trân về phía xa, nơi bóng Đình Côi khuất dần sau dãy núi. Ánh mắt cậu đầy ám ảnh…
Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp Đình Côi. Ngay sau khi tiễn tôi và Tịnh xuống phố, Đình Côi quay lại chỗ cắm bò nhưng bò không có. Đình Côi chạy đi tìm bò khắp núi và không may bị sét đánh trong đêm trời vần vũ mưa to. Đình Côi mất ở tuổi mười bảy. Cậu mồ côi khi đến với cuộc đời. Và cậu ra đi khỏi cuộc đời cũng… mồ côi!
Tôi vẫn thường giận mình, khi ấy sao tôi không quay trở lại và nắm tay Đình Côi; giận mình sao không có sự dứt khoát... Có những đêm tôi nằm mơ thấy Đình Côi, cậu ấy không nói gì với tôi mà chỉ đứng nhìn. Khi tôi chạy đến chỗ Đình Côi để bảo với cậu ấy rằng, hãy chờ đợi tôi về ngủ duông... nhưng cậu lại biến mất. Thành thử trong những giấc mơ ấy, tôi cũng chỉ biết đứng từ xa và mỉm cười với cậu ấy...
VÕ THỊ NHƯ TRANG