Có niên đại hàng trăm năm, đình Đông Khương (Điện Phương, Điện Bàn) là nơi chứng kiến những thăng trầm của mảnh đất trăm nghề. Định danh cho đình không chỉ giải tỏa nỗi đau đáu của người dân mà còn hướng đến xây dựng một điểm tham quan hấp dẫn.
Đình làng Đông Khương cần được trùng tu, xếp hạng. Ảnh: V.LỘC |
Ký ức đình
Theo lời các bô lão trong làng, đình Đông Khương đã có cách đây vài trăm năm, gắn liền với việc khai hoang lập xứ của 4 tộc tiền hiền Đoàn, Lê, Trần, Đỗ. Năm Thành Thái thứ sáu (1901) đình được trùng tu xây mới, sau đó trải qua nhiều đợt trùng tu, nhất là đợt đại trùng tu năm 1961 đã giúp đình vững chãi đến bây giờ. Trong chiến tranh, tại đình Đông Khương diễn ra các hoạt động mít tinh, tuyên truyền, họp bí mật của nhiều đoàn thể cách mạng quanh vùng. Ông Đoàn Bá (thôn Đông Khương) cho biết, sau giải phóng, do đời sống khó khăn, đình ít được quan tâm và bị bỏ hoang, người dân lấn chiếm khiến một diện tích lớn của đình bị mất, nay chỉ còn khoảng 600m2. “Ngày xưa đình không chỉ là nơi sinh hoạt, hội họp của các tộc họ lớn trong làng mà còn diễn ra những cuộc họp, mít tinh, tuyên truyền của cán bộ cách mạng. Sau ngày giải phóng, đình trở thành điểm tổ chức học tập, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vào ngày 10.3 và 10.7 âm lịch hàng năm tại đình diễn ra các hoạt động tế lễ của làng nhằm tri ân công đức tiền nhân, những người có công lập làng khai xứ” - ông Bá nói.
Còn với nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp, ký ức tuổi thơ là theo ông nội, chánh nghệ nhân của làng đến đình thắp hương mỗi đêm vào những dịp lễ tết và tham gia các trò chơi dân gian tại làng. “Tôi nhớ một buổi tối khoảng năm 1969, ông nội dẫn tôi ra đình thắp hương, tại đó tôi gặp một số người lạ, sau này nghe anh tôi nói lại mới biết họ là du kích” - ông Nguyễn Văn Tiếp kể. Ngày nay, chứng nhân lịch sử của đình hầu như không nhiều, còn những du kích năm xưa phần lớn đã hy sinh trong chiến tranh hoặc trí nhớ không còn minh mẫn, câu chuyện lịch sử của đình cũng rơi rớt ít nhiều. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp, ngoài giá trị về văn hóa, lịch sử gắn với vùng đất và làng nghề, ngôi đình còn là một biểu hiện về kiến trúc nhà truyền thống được làm bằng gỗ mít rất quý với bố cục bên trong 3 gian 2 chái, tiền đàn hậu tẩm. “Ngôi đình được làm khá tinh xảo, sắc nét, từ những chạm trổ đến các mũi chính cột kèo tuy nhìn thì đơn giản nhưng rất chuẩn theo quy định kỹ thuật. Đặc biệt, kỹ thuật kèo đóng của nhà cổ rất khít, không vẹo lệch, không có dấu đóng trít gì khiến nước đổ không ngấm, đây là kỹ thuật cao nhất trong giới những người làm nghề mộc” - ông Tiếp nhìn nhận.
Ước vọng hồi sinh
Dù kết cấu ngôi đình vẫn còn tương đối vững chãi nhưng nỗi lo của nhiều người dân trong làng chính là sự dột nát của mái và tìm danh phận cho ngôi đình. Ông Nguyễn Văn Tiếp cho rằng, nguyện vọng trước mắt của dân làng là trùng tu, thay mới ngói ngôi đình. Ông đang làm thư vận động người dân, con em trong làng để xin kinh phí tu bổ. Tiếp đến, người dân địa phương muốn Nhà nước xem xét các giá trị lịch sử văn hóa để công nhận di tích lịch sử cho đình, một biểu tượng gắn với dinh trấn Thanh Chiêm. “Ngôi làng này gắn với cả làng Đông Yên xưa, nhất là những kết nối với Hội An và những con người ở đó lên đây sinh sống, làm nghề mộc. Bây giờ những người hiểu biết lịch sử của làng ngày càng ít đi, nếu mình biết mà không nói sau này sẽ không ai biết nữa, mai này mất rồi tiếc lắm” - ông Tiếp nói. Năm 2014, Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam đã đến kiểm tra, ghi nhận hiện trạng ngôi đình trong kế hoạch khảo sát những di tích nhà cổ trên địa bàn nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở đó.
Theo bà Lương Thị Mỹ Linh, Phó Trưởng phòng VH-TT thị xã Điện Bàn, trước đây phòng cũng đã khảo sát một số văn bia trong đình, phát hiện nội dung rất lạ, ý nghĩ thâm sâu bí ẩn chưa thể dịch thoát ý được, dù hiện tại chức năng chính của đình tựa như một nhà thờ chung của các tộc họ trong làng nhưng nhìn chung đây vẫn là một di tích có giá trị. “Việc làm hồ sơ di tích bây giờ đã giao cho bảo tàng, phòng chỉ thẩm định. Riêng với việc lập hồ sơ công nhận di tích hoặc những vấn đề chuyên môn liên quan đến đình Đông Khương phòng vẫn chưa hay biết hoặc nhận được đề nghị hỗ trợ. Theo quy trình, xã phải đề xuất lên và thị xã sẽ đề xuất vô tỉnh. Cần thiết nếu địa phương đề nghị, thị xã cũng sẽ cử cán bộ chuyên môn xuống giúp xã làm hồ sơ nhưng hiện tại chưa nghe nói gì” - bà Linh cho biết.
Trong quy hoạch phát triển du lịch của thị xã Điện Bàn, cụm làng nghề Đông Khương, rộng hơn là Điện Phương với các di tích lịch sử, làng nghề tiêu biểu được kỳ vọng sẽ là điểm dừng chân tham quan của du khách trên con đường di sản kết nối Hội An, Mỹ Sơn. Việc định danh đình làng Đông Khương không chỉ giúp thỏa mãn những giá trị văn hóa tâm linh của người dân nơi đây mà còn hướng đến xây dựng thêm một sản phẩm du lịch tiêu biểu nhằm minh họa rõ nét hơn bề dày văn hóa, lịch sử của vùng đất dinh trấn xưa trong tiến trình mở cõi của dân tộc, gần hơn là tôn vinh công đức tiền nhân, những người góp công trong việc hình thành nên mảnh đất xứ Quảng.
VĨNH LỘC