Hướng đến chất lượng đầu tư hơn là số lượng dự án, đồng thời đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh là lựa chọn có tính chiến lược của Quảng Nam.
Thành viên “gia đình nghìn tỷ”
Theo các chuyên gia kinh tế, nhìn vào sự duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 11,6%, cao hơn mức trung bình cả nước (7,25%) liên tục trong vòng 14 năm qua (2006 - 2013), đủ để Quảng Nam lạc quan tìm kiếm một con đường phát triển bền vững, chất lượng hơn là số lượng dự án đầu tư. Ba nút thắt của nền kinh tế về nhân lực, cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư được nhận diện. Quảng Nam hiện có thế mạnh đặc biệt trong việc khai thác nguồn lực con người, tài chính và khả năng đẩy mạnh thu hút đầu tư cho các kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa phong phú, quỹ đất dồi dào… được khai thác đúng hướng và chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu nên đã tạo nhiều cơ hội phát triển hợp lý, “tránh” được những “sai lầm” của các địa phương đi trước. Ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, tất cả mục tiêu tăng trưởng của Quảng Nam đặt ra cho từng năm hoặc dài hạn đều hợp lý. Kế hoạch tổng rà soát quy hoạch, khớp nối hai vùng đông, tây đã hoàn thiện. Môi trường đầu tư, kinh doanh đã được cải thiện, góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, hạ tầng dần hoàn thiện để thúc đẩy những dự án trọng điểm…
Cơ sở hạ tầng công nghiệp và đô thị đã được đầu tư nhiều. |
Theo vài cuộc điều tra của tổ chức Định cư con người Liên hiệp quốc tại châu Á (UN – Habitat), trong vòng 13 năm qua, tỷ lệ huy động vốn xã hội trong GDP toàn Quảng Nam đã tăng từ 20,42%/năm (1997) lên gần 47%/năm. Tốc độ thu hút FDI thuộc nhóm khá của miền Trung và đầu tư nội địa chiếm hơn 90% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Điều này cho thấy vai trò của nguồn vốn nội địa, nhất là vốn từ khu vực tư nhân đã giúp Quảng Nam dễ dàng gia nhập vào “gia đình nghìn tỷ” tổng thu ngân sách. Sự hấp dẫn của đầu tư Quảng Nam thể hiện từ việc nhà đầu tư được quyền lựa chọn và quyết định thực hiện dự án theo hình thức đầu tư phù hợp, đơn giá thuê đất có kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp bằng 1/3 so với các khu vực khác. Tùy lĩnh vực đầu tư dự án có thể được miễn tiền thuê đất chưa có kết cấu trong thời gian 11 - 15 năm hoặc suốt thời hạn triển khai dự án… Ngoài những quy định chung, những dự án quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng được chính quyền Quảng Nam phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ cho áp dụng các chính sách đặc thù. “Tất cả thủ tục đầu tư được giải quyết theo cơ chế “một cửa liên thông” tại một cơ quan đầu mối duy nhất. Thời gian rút ngắn tối đa so với quy định chung. Nhà đầu tư không phải nộp bất kỳ chi phí dịch vụ nào trừ những khoản lệ phí theo quy định của Chính phủ” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói
Thực chất hơn số lượng
Quảng Nam đã mạnh dạn cầu thị khi lên kế hoạch cụ thể, xem xét lại các quyết định đầu tư đã đưa ra trong những năm qua. Theo đó, sẵn sàng loại bỏ hay dừng lại những dự án thiếu khả năng. Tại nhiều cuộc họp xúc tiến đầu tư, chính quyền Quảng Nam đã cam kết sẽ nhanh chóng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đưa ra các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao… để mời gọi. Điều đó đã thể hiện rõ quan điểm của Quảng Nam là hướng về chất lượng đầu tư hơn là số lượng dự án như trước đây. Động thái mới nhất là tại các cuộc xúc tiến đầu tư miền Trung hay tại Quảng Nam, chính quyền và các cơ quan quản lý chỉ đưa ra 10 dự án đầu tư cơ hội trọng điểm, có đủ khả năng tạo giá trị gia tăng để giới thiệu và kêu gọi đầu tư. Kèm theo việc cam kết tất cả thủ tục đầu tư sẽ được giải quyết theo cơ chế “một cửa liên thông”, hoặc chính quyền luôn khẳng định không để bất cứ người dân nào bị thiệt thòi quyền lợi khi dành đất cho đầu tư phát triển…
Chiến lược phát triển Quảng Nam dựa trên kế hoạch phát triển đa ngành và các nguyên tắc tăng trưởng xanh để hình thành các chương trình và dự án trọng điểm đã được nhìn nhận là một sáng kiến lớn. Điều này được xem là lựa chọn có tính quyết định của Quảng Nam để tiến đến phát triển bền vững. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, các chiến lược phát triển chính của Quảng Nam là phát triển cụm ngành và cụm đô thị động lực, phát triển du lịch bền vững, quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên, liên kết đô thị nông thôn và hợp tác cấp vùng. “Kế hoạch hoạch định cho tương lai Quảng Nam đang được đặt ra theo lộ trình nghiêm ngặt là hình thành các cơ hội đầu tư cụ thể và huy động nguồn lực hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện chiến lược phát triển bền vững, cải thiện chất lượng sống người dân” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói.
Chiến lược phát triển Quảng Nam được định hình, được xem như bản cam kết giữa chính quyền để hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững. Chất lượng cuộc sống người dân Quảng Nam sẽ thay đổi, không chỉ trong 10 năm tới là điều đã được dự báo!
TRỊNH DŨNG