Dự án khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng (Cẩm Kim, Hội An) gắn với phát triển du lịch đã trải qua gần 10 năm. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch Kim Bồng ngày càng lâm vào bế tắc, đang chờ hướng đi mới.
Năm 2004, thông qua chương trình xóa đói giảm nghèo do Liên hiệp quốc tài trợ, Kim Bồng là làng nghề đầu tiên của Hội An được hưởng lợi từ một dự án du lịch cộng đồng. Cùng với chương trình hỗ trợ của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), TP.Hội An cũng đã lập dự án đầu tư khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng gắn với hoạt động du lịch giai đoạn 2004 - 2007. Qua 10 năm thực hiện, hơn 5,2 tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng sản xuất, trung tâm làng nghề, làm nơi đón tiếp và trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề cũng như các chương trình du lịch cho khách tham quan... Cùng với đó, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ du lịch Kim Bồng gồm 23 xã viên cũng được thành lập với ban chủ nhiệm gồm 3 thành viên nhằm điều hành hoạt động du lịch, dịch vụ nơi đây. Thông qua việc bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ và hướng dẫn khách tham quan bằng xe đạp quanh làng, trong 2 năm đầu lượng khách luôn tăng cao, từ 22.843 lượt (2007) lên 33.428 (2008). Tuy nhiên, các năm sau đó lượng khách có dấu hiệu giảm dần, đến năm 2012 chỉ còn khoảng hơn 10 nghìn lượt, doanh thu tụt giảm từ gần 370 triệu đồng (2008) xuống chỉ còn 64 triệu đồng (2012).
Đìu hiu trung tâm làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng.Ảnh: V.LỘC |
Theo ông Huỳnh Sướng - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ du lịch Kim Bồng, nguyên nhân chính khiến các hoạt động du lịch nơi đây trì trệ là do nội bộ Ban chủ nhiệm mất đoàn kết, mạnh ai nấy làm. Bên cạnh đó, các tour du lịch mất khách dần do nhiều công ty tự đưa khách đến… “Lúc đầu các công ty bên Hội An còn đến mua tour, thuê xe đi tham quan làng nghề, nhưng bây giờ họ quen rồi nên không thông qua HTX nữa mà cho ghe chở xe đạp qua cho khách đi luôn” - ông Sướng nói. Năm 2013 chỉ có 1.412 khách thuê xe đạp của HTX , tổng doanh thu chưa đến 100 triệu đồng (chưa trừ chi phí khách ăn uống, khấu hao xe). Doanh thu từ việc bán hàng tại các ki-ốt cũng sụt giảm mạnh, 6/13 ki-ốt đã đóng cửa, số còn lại chuyển sang bán các mặt hàng khác. Đặc biệt, do hơn một năm trở lại đây không có khách nên trung tâm làng nghề đóng cửa im lìm, không người trông coi. “Chúng tôi đã báo với thành phố xin được giải thể HTX để thành lập ban quản lý du lịch làng nghề, UBND thành phố cũng đã đồng ý” - ông Sướng cho biết. Theo đó, ngoài kinh doanh các mặt hàng lưu niệm từ gỗ Ban quản lý du lịch làng nghề sẽ củng cố lại việc trưng bày hiện vật, sản phẩm mộc truyền thống của làng tại các ki-ốt và trung tâm làng nghề, biến những nơi này thành điểm trình diễn nghề kết hợp với thuyết minh để du khách hiểu về lịch sử, sản phẩm mộc Kim Bồng.
Cùng với 2 làng rau Trà Quế và gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng được xem như là mô hình mẫu trong tỉnh về việc bảo tồn phát triển làng nghề gắn với du lịch. Tuy nhiên, việc duy trì phát triển bền vững vẫn luôn là bài toán khó cho các địa phương không chỉ hiện tại mà trong cả những năm đến.
VĨNH LỘC