Đìu hiu một làng nghề

HẠNH NGÂN 19/02/2016 10:12

Cả làng chỉ có 2 - 3 hộ còn bám víu với nghề. Thu nhập ít ỏi không đủ chi tiêu, nên nhiều người lần lượt bỏ nghề, chỉ còn những khung dệt bám đầy bụi.

Nằm dọc theo bờ sông Thu Bồn, làng nghề truyền thống An Phước (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) có tuổi đời hơn 500 năm. Trước đây, khi người dân còn mặn mà với nghề, mỗi năm có hàng trăm nghìn chiếc chiếu được ra đời bởi đôi bàn tay tài hoa của bà con nơi đây. Nay làng vẫn còn đó, nhưng nghề “lặn mất tăm”. Bà Võ Thị Thìu, người trong làng chia sẻ: “Cái nghề dệt này theo gia đình tôi từ mấy đời trước, bà con trong làng đều bám lấy nghề này mà sống bởi họ đâu biết làm gì. Nhưng từ khi máy dệt ra đời, thu nhập cao từ các ngành nghề khác, không biết từ bao giờ mà mọi người ai nấy đều lần lượt bỏ nghề, bỏ khung dệt. Chắc ít năm nữa con cháu trong làng chắc cũng chẳng còn ai biết đến cái nghề truyền thống này”.

Nhà trưng bày làng nghề giờ đây không còn trưng bày.Ảnh: H.N
Nhà trưng bày làng nghề giờ đây không còn trưng bày. Ảnh: H.N

Năm 2004, UBND tỉnh ra ban hành Quyết định số 4570/QĐ ngày 26.10.2004 công nhận Làng nghề truyền thống dệt chiếu An Phước. Để duy trì làng nghề, năm 2011, từ nguồn vốn hỗ trợ Nhà nước, xã Duy Phước đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng nhà trưng bày khang trang, với diện tích 500m2, cùng với gần 2km đường bê tông, nhằm giới thiệu sản phẩm truyền thống chiếu An Phước cho khách thập phương và để con cháu trong làng sau này còn biết đến. Nhưng sau một thời gian, nhà trưng bày không còn trưng bày các sản phẩm dệt thủ công mà thay vào đó được những người ở các xã lân cận như Duy Vinh thuê để mở xưởng dệt chiếu bằng máy.

Mất rất nhiều công sức mới làm ra một chiếc chiếu đẹp, nhưng lợi nhuận chẳng đáng là bao. Mỗi chiếc chiếu tùy vào kích thước dao động khoảng 80 - 120 nghìn đồng một đôi, chỉ được mấy mươi nghìn tiền lời, cũng vì như thế mà bà con trong thôn đều dần bỏ nghề, chỉ còn 2 - 3 gia đình còn duy trì để giữ nghề.

Ông Lê Đào, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước tâm sự: “Xã cũng đã cố gắng duy trì làng nghề, nhưng do thu nhập quá thấp, người dân chẳng ai chịu bám lấy cái nghề này cả, làng nghề An Phước cũng từ đó mà chẳng còn dệt những sản phẩm chiếu đẹp như trước kia”. Khi được hỏi về việc xã có những biện pháp gì để thu hút bà con quay lại với nghề, ông nói rằng giờ rất khó để vực dậy.

HẠNH NGÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đìu hiu một làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO