Đô thị sống trong con người

Thực hiện chuyên đề: SONG ANH 21/03/2017 08:57

Mục tiêu cuối cùng trong chuỗi câu chuyện phát triển đô thị, vẫn là làm sao để mang lại chất lượng sống tốt nhất cho cả thị dân lẫn cư dân vùng ven. Hai mươi năm cho quá trình phát triển đô thị mới, cũng như làm giàu có thêm những đô thị đã sẵn, liệu Quảng Nam đã đi bằng hết tiềm lực và khả năng của mình?

DỊCH CHUYỂN TỪ VÙNG VEN

Trong vài năm trở lại đây, người ta bắt đầu để tâm đến câu chuyện các vùng đệm đô thị - những không gian sẽ bổ trợ phát triển vùng lõi đô thị. Ở Quảng Nam, những vùng ven đô thị đã và đang trở mình ngoạn mục…

  • QUẢNG NAM - 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Không gian đô thị Tam Kỳ. Ảnh: HẢI HOÀNG
Không gian đô thị Tam Kỳ. Ảnh: HẢI HOÀNG

“Để dành” vùng ngoại vi

Ông Nguyễn Quang - Giám đốc Trung tâm UN-Habitat Việt Nam nhìn nhận rằng, đô thị đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là đô thị ven biển, đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh và có tiềm năng lớn trong việc thu hút đầu tư. Sự phát triển các đô thị ở trung du và vùng núi phía tây, một mặt có thể tạo ra việc làm và cung ứng dịch vụ cho khu vực nông thôn lân cận, mặt khác có thể thúc đẩy sự hình thành những tuyến du lịch mới. Tam Kỳ - Hội An - Điện Bàn, 3 cụm đô thị động lực trong phát triển Quảng Nam đã cho thấy có những sự dịch chuyển đáng kể.

Những ngày đầu năm 2017. Nhiều đoàn khách bắt đầu rẽ hướng cho chuyến đi của mình. Từ phía nam, đến địa phận Quảng Nam, thay vì thẳng quốc lộ 1 để tiến ra Đà Nẵng, không ít du khách đã chọn cho mình điểm dừng mới tại đây, những chốn không quá xôn xao. Và xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ là lựa chọn cho sự mở đầu một xu hướng du lịch mới. Du lịch từ những tác phẩm nghệ thuật. Và đây, hẳn không phải là câu chuyện xa lạ. Ngay từ những ngày mùa hè năm 2016, Tam Thanh - gần như vượt ra khỏi giới hạn là một làng biển vùng ven Tam Kỳ, để trở thành một ngôi làng được giới ưa đi rỉ tai nhau bằng tên gọi: vùng đất không resort. Một đường bờ biển vẫn còn quá nguyên sơ và thoáng rộng. Cảnh quan dọc đường ven biển không phải được kiến tạo bằng bê tông cốt thép mà từ chính sự sống của những cư dân vùng biển. Điều này đã được bà Lê Diệu Ánh - chuyên gia phát triển đô thị và cộng đồng chia sẻ tại cuộc họp báo công bố nội dung dự án thí điểm “Phát triển du lịch với sự tham gia của cộng đồng” tại xã Tam Thanh, do UBND TP.Tam Kỳ tổ chức vào ngày 8.3 vừa qua. “Phát triển đô thị không loại trừ, nghĩa là mọi người đều có cơ hội như nhau trong tiến trình đô thị hóa. Với dòng chảy của đô thị hóa và những đầu tư ồ ạt về du lịch xa xỉ, thì giữ lại những làng quê Việt Nam ở các khu vực ven đô là mong muốn của mọi người. Giữ lại thì phải tạo ra sinh kế cho chính người dân ở đó. Có nhiều con đường và chúng tôi đã chọn Tam Thanh với mong muốn từ cái nền phát triển du lịch văn hóa của thành phố sẽ tạo đà cho nơi này” - bà Ánh nói. Và đó cũng là những lý do cho xuất phát điểm về một làng du lịch cộng đồng tại Tam Thanh như hiện tại, từ sự khởi đầu của những hỗ trợ cho việc ra đời một ngôi làng bích họa năm 2016.

Từ Tam Kỳ, với những “hiện tượng” cho sự phát triển vùng ven, có thể lùi mốc thời gian để nhìn lại câu chuyện quan tâm đến các khu vực lân cận đô thị cho những địa phương khác trong tỉnh. Nếu như vùng ven Hội An, được chọn để giữ - không phải chỉ cho câu chuyện phát triển du lịch cộng đồng, mà vì một chiến lược phát triển đô thị bền vững hơn - đó là giữ lại những không gian sống xanh làm “lá phổi” cho vùng trung tâm. Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nói, nếu không giữ các giá trị tự nhiên thì phải trả bài học lớn. “Hàng loạt vấn đề sẽ xảy ra. Lấp hết ruộng, lấp hết sông, xây hết trên các cồn bãi, lấn chiếm bằng nhà cao tầng thì anh góp phần phá vỡ không gian sống. Cứ nghĩ bán đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, dồn dân vào khu dân cư nhưng anh làm thế là phá vỡ các giá trị của làng, của xóm, người dân cũng bị lưu vong trên mảnh đất mình. Và đó là lý do vì sao từ xưa đến nay Hội An luôn “để dành” các vùng ven của mình” - ông Sự nói. Hội An vẫn bền bỉ theo đuổi phát triển thành phố theo hướng một đô thị văn hóa - sinh thái. Và bắt đầu cho những câu chuyện mới trên sự phát triển tự nhiên của vùng ngoại ô phố thị, đảm nhiệm chia sẻ áp lực cho khu vực đô thị lõi.

Đã đủ để phát triển?

Lá phổi cho đô thị

Cùng với hai thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã Điện Bàn dù mới khoác chiếc áo thành thị nhưng đã kịp để tìm cho mình một hướng phát triển không hòa lẫn, không phá vỡ cảnh quan chung và càng không thể nào làm xáo trộn cuộc sống của người dân vùng ven. Một vệt những đô thị dựa vào điều kiện tự nhiên và bản chất cuộc sống hình thành từ nhiều năm, đang manh nha. Theo đó, tương lai Điện Bàn sẽ có một vệt đô thị ven sông, vệt đô thị trung tâm, đô thị công nghiệp và giữ lại vùng tây theo đúng hình thái làng quê, trong đó có vựa hoa màu Gò Nổi… Tương lai không xa, chính các vùng ngoại vi đô thị sẽ là những “lá phổi” sàng lọc nhịp thở tốt cho các đô thị chính.

Mỗi biến đổi của không gian đô thị đều kèm theo sự biến đổi xã hội, nghề nghiệp, dân cư. Và vùng ven đô chính là “đối tượng” dễ nhận những thương tổn nhất. “Tròn 20 năm qua, có thể chưa một làng xã đô thị hóa nào được quy hoạch và thực hiện quy hoạch tốt”. Nhìn nhận đó được đưa ra trong câu chuyện về sự phát triển chóng vánh, thiếu quản lý và định hướng của chính các địa phương đang trong quá trình đô thị hóa nhiều vùng. Ông Đỗ Hiệp Lực - Trưởng phòng Quản lý đô thị Điện Bàn cho biết, những khu vực vùng ven đang trong quá trình đô thị hóa gặp rất nhiều những vấn đề về an ninh, an toàn xã hội cũng như các biến đổi lớn về dân số, dẫn theo nhiều hệ lụy không tốt về môi trường sống. Tại Điện Bàn, 5 phường vùng đông - vệt đô thị công nghiệp theo quy hoạch của thị xã từ nhiều năm trước - đang đối mặt với nhiều áp lực hậu phát triển. Trong số đó, theo ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn, có cái nhìn thấy ở hiện tại và có cái sẽ phải đối diện trong tương lai không xa, và câu chuyện giáo dục chính là cái đang nhìn thấy, khi việc thiếu trường học đã vượt tầm kiểm soát của địa phương. Sau này còn phải gặp nhiều nữa, nếu chỉ tính tới phát triển mà không tính dân sinh.

Tính biến động của các khu vực vùng ven rất lớn, số lượng dân cư các làng xã tăng 2 - 3 lần chỉ trong vòng 3 - 5 năm. Nghề nghiệp thay đổi theo xu hướng dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp thay vì chỉ làm nông nghiệp như trước đây. Thu nhập bình quân đầu người cũng khác đi. Ngay tại khu vực ngoại ô của TP.Hội An, việc nở rộ các dịch vụ lưu trú cũng là vấn đề khiến ngành du lịch “đau đầu”. Ông Nguyễn Hai - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh cho biết, việc tăng mạnh số lượng các homestay ở vùng ven không tỷ lệ thuận với chất lượng và hướng phát triển lại không đúng bản chất của homestay đã ít nhiều đánh mất ấn tượng về du lịch Hội An. Hội An tạm dừng cấp phép cho dịch vụ lưu trú này để rà soát công tác quản lý và chấn chỉnh hoạt động theo đúng bản chất homestay, mà theo lời ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An, đó cũng là một biện pháp để tiến tới xây dựng sinh kế bền vững cho người dân vùng ven.

Thế nhưng những chính sách quản lý, phát triển, xem ra vẫn còn quá ít đề cập khu vực ven đô. Sự phân bổ nguồn lực đầu tư cho các làng xã vùng ven không tương xứng với vai trò và sự đóng góp của nó trong quá trình phát triển chung của cả đô thị. Đây là câu chuyện không chỉ của riêng một địa phương nào đang trong hành trình hoàn thiện mình. Tuy nhiên, nếu đã có quỹ thời gian 20 năm để xây dựng nên bộ khung đô thị hoàn chỉnh, thì quãng thời gian tới, có lẽ, nên nghĩ tới vùng đệm ven đô - những vành đai cải thiện chất lượng sống cho đô thị.

VẪN CHỜ KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG

Dẫu quỹ đất của đô thị vẫn còn khá lớn, nhưng không gian công cộng - thước đo chất lượng sống của thị dân, xem ra vẫn còn quá ít ỏi. Chưa kể, chính không gian công cộng còn đóng vai trò làm nên bản sắc của đô thị.

Môi trường sạch đẹp, vỉa hè thông thoáng trong lòng phố cổ Hội An. Ảnh: V.T.C
Môi trường sạch đẹp, vỉa hè thông thoáng trong lòng phố cổ Hội An. Ảnh: V.T.C

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào - người nhận giải thưởng Kiến trúc sư châu Á, cho rằng, đi đôi với công bằng xã hội còn có công bằng về không gian và công bằng về môi trường. Việc chỉnh trang và phát triển các đô thị làm sao cho có thể làm tăng hạnh phúc của cư dân đô thị, là điều nên chăng.

Không gian công bằng

Người dân TP.Tam Kỳ, đúng 40 năm sau ngày giải phóng - năm 2015, Quảng trường 24.3 mới thực sự mặc chiếc áo của một không gian công cộng văn minh, sạch đẹp. “Ở Tam Kỳ nếu không có quảng trường thì chiều chiều tối tối thiệt không biết đi dạo nơi đâu” - bà Nguyễn Thị Thúy, nhà ở đường Trần Quý Cáp (phường Hòa Hương) nói. Chính thiết chế công cộng này đã tạo nên sự kết dính những người ở phố với nhau. Các hoạt động cộng đồng vì thế dễ dàng thu hút người dân tham gia hơn. Buổi chiều. Từng tốp người ở đủ mọi lứa tuổi, chọn không gian quảng trường để làm điểm vui chơi, xả “stress”. Nhiều người dân tỏ vẻ hồ hởi khi được hỏi về những cảm nhận của họ từ khi quảng trường này được nâng cấp và có những sắp xếp, bài trí hợp lý. Họ vui mừng vì từ nay, ít ra thành phố của họ cũng có một chỗ để tự hào giới thiệu với người đến khu vực trung tâm tỉnh lỵ. Và ở không gian công cộng, mọi người đều công bằng. Trên thế giới đang hình thành xu hướng đô thị hậu hiện đại, nghĩa là mang đến những không gian công bằng, ở đó mọi đối tượng đều được ứng xử như nhau.

Trong suốt 20 năm dựng nên dáng vóc đô thị, có lẽ bây giờ đã là thời điểm để chọn phát triển những không gian công cộng theo từng tính chất riêng biệt. Từ không gian lịch sử, không gian trí tuệ, không gian tinh thần, không gian nghệ thuật, không gian văn hóa, đến không gian tự nhiên và không gian vật chất thực sự. Nếu nhìn vào bản đồ tổng thể của nhiều đô thị lớn nhỏ trong cả tỉnh sẽ thấy những con hẻm dày đặc và chi chít. Trong số đó có nhiều “hẻm nghèo”. Phần lớn các hẻm này là nơi sinh sống của người dân lao động. Đặc biệt, tại Tam Kỳ còn có rất nhiều những “hẻm treo” - nghĩa là nằm trong diện quy hoạch sắp xếp lại đô thị từ những năm đầu tách tỉnh, đến nay vẫn chưa có động thái xây dựng của chính quyền. Những con hẻm còn tồn tại rất nhiều ngay ở các con đường trung tâm đô thị. Và chúng hầu hết rất lộn xộn. Nhiều hẻm còn nhếch nhác và mất vệ sinh. Nhà cửa trong hẻm được xây bằng vật liệu tôn, gỗ, gạch… Đây là những “điểm nợ” suốt hành trình 20 năm của một vùng đất. Nâng cấp từng bước điều kiện sống của cộng đồng người lao động, khó có thể buộc họ tái định cư hay đập này xây mới. Nhưng câu chuyện cải tạo cảnh quan gồm nâng cấp cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công ích lại nằm trong tầm tay của địa phương. Và sự công bằng về không gian có nghĩa là tiếp tục nâng cấp môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo đô thị, bao gồm việc cải thiện chỗ ở, hệ thống giao thông công cộng, công viên công cộng, không gian cây xanh chỗ nghỉ ngơi giải trí, các phương tiện y tế giáo dục.

Vỉa hè và câu chuyện  đường phố

Đời sống đường phố của đô thị Quảng Nam dẫu chưa hình thành rõ rệt, nhưng cũng đã bắt đầu có điểm nhấn riêng, đặc biệt tại Đô thị cổ Hội An. Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nói, ngay từ những năm 1995, Hội An đã “quyết tâm” dọn dẹp vỉa hè, nhường không gian cho người đi bộ. Theo ông Sự, việc lập lại trật tự vỉa hè là điều đáng làm, nhất là muốn có một bộ mặt phố thị khang trang, không nhếch nhác. Nhưng cũng phải tính đến câu chuyện của những người nghèo đô thị chọn vỉa hè làm sinh kế. Trả lại vỉa hè cho cộng đồng thì đồng thời cũng phải hình thành một khu vực buôn bán tập trung, thuận tiện và lợi nhuận ngang bằng với khi họ mưu sinh ở vỉa hè.

Ông Sự cho rằng, với mật độ dân cư và nhà cửa san sát như vùng trung tâm đô thị Hội An, vỉa hè cũng đồng thời là một không gian công cộng. “Đã là không gian công cộng thì phải có sự công bằng. Sự công bằng khi người ta biết phải trả lại không gian này cho cộng đồng chung, thì bản thân người quản lý cộng đồng, phải biết giúp lại họ một chỗ làm ăn tương tự” - ông Sự nói. Và Hội An đã có một đời sống hẻm phố, hè phố thú vị bên cạnh những không gian của kiến trúc nghệ thuật, lịch sử… Khi biết tận dụng lợi thế của vỉa hè và biết cách quản lý hè phố một cách thông minh, không chỉ mang lại bộ mặt đô thị khác biệt nhưng vẫn văn minh mà còn có thể đem lại lợi ích cho cư dân địa phương.

Từ đầu tháng 3.2017, một nhóm những người chuyên buôn bán tại khu vực hè phố đường Trần Đại Nghĩa (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) đã tự nguyện bỏ tiền túi để “hùn” nhau thuê một khu vực đất trống làm chỗ buôn bán chung. Bà Trần Thị Nhung, một tiểu thương tại đây, cho biết họ không còn phải nơm nớp sợ đội quản lý đô thị nữa, cũng không nhất thiết phải “chường” ra đường lớn mới buôn bán được. Về lâu dần, bà Nhung nói, người mua sẽ quen với cái chỗ “mới chuyển tới” của những người bán “chợ di động” này. Cũng như vậy, khá đông người mưu sinh dọc vỉa hè đã “xoay” cho mình nhiều hướng đi, dù cái sau chưa hẳn bao giờ cũng tốt hơn cái trước.

Hình thành nên đô thị, đặc biệt, một đô thị nhân ái và bền vững, cần lắm những sự công bằng - từ chính các không gian công cộng, trong đó, có vỉa hè.

MỞ TỪ CHIỀU SÂU

Trong những ý kiến chúng tôi thu thập về câu chuyện phát triển một đô thị với chất lượng sống tốt, thì đa số, từ nhà quản lý, người hoạt động cộng đồng đến những người quản lý các dự án phi chính phủ, đều cho rằng, mở rộng đô thị không phải hẳn chỉ là cơi nới…

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, mới đây, tại chuyến sáng tác miễn phí cho Làng du lịch cộng đồng Tam Thanh (Tam Kỳ) nói không phải cứ ở đô thị là biết thưởng thức nghệ thuật và có không gian để sáng tạo nghệ thuật. Càng về sau này, khi cái ăn hay sự tồn tại không còn là nhu cầu bức thiết nữa, buộc nhà quản lý đô thị phải biết hướng tới những tiêu chí về mặt tinh thần của cư dân sống tại đó. Và nghệ thuật cho cộng đồng được lựa chọn như một trong cách thức để phát triển một đô thị bền vững. Những dự án nghệ thuật cộng đồng tạo nên sự năng động trong đời sống tinh thần của đô thị. “Tác phẩm đẹp nơi công cộng cũng mang lại niềm tự hào cho người dân và khuyến khích sự sáng tạo của nghệ sĩ. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình nghệ thuật cộng đồng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ chính quyền địa phương, sự sáng tạo, nguồn kinh phí...” - ông Thượng nói. Đô thị hiện nay vẫn còn nghèo nàn. Các hoạt động nghệ thuật công cộng ở đô thị Việt Nam vẫn còn yếu. Và tất nhiên, nghệ thuật cộng đồng luôn cần thiết trong một đời sống đô thị phát triển.

“Đưa nghệ thuật vào không gian sống” là một dự án đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng các đô thị Việt Nam. Đây là nỗ lực chung của Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation), Chương trình Định cư con người Liên hiệp quốc (UN-Habitat) và Diễn đàn Đô thị Việt Nam (VUF) phối hợp thực hiện. Trong khuôn khổ dự án năm 2016 đã triển khai các hoạt động giao lưu mỹ thuật cộng đồng và hướng đến hình thành một xu thế đưa nghệ thuật cộng đồng vào cuộc sống, nhằm xây dựng môi trường sống xanh, tốt đẹp hơn. Tam Thanh là một vùng ven đô thị được thừa hưởng trong dự án. Giám đốc UN-Habitat tại Việt Nam - Nguyễn Quang cho biết, hiện nay thế giới trải qua quá trình quan trọng của toàn cầu hóa và các đô thị trở thành động lực cho sự phát triển của mỗi nước. Để phát triển vững mạnh, các đô thị không ngừng cạnh tranh thu hút nguồn lực đầu tư và con người, trong khi đó nghệ thuật cộng đồng chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sức hấp dẫn của một không gian đô thị.

Phát triển đô thị từ chính nền văn hóa sẵn có của đô thị đó. Và mở rộng đô thị khởi đi từ việc dựng nên những không gian nghệ thuật cộng đồng đúng nghĩa, để kích thích người dân biết cách hưởng thụ nghệ thuật… Xu hướng này đang ngày càng trở nên phổ biến với các đô thị phát triển.

Thực hiện chuyên đề: SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đô thị sống trong con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO