Theo các thông tin quy hoạch gần đây, toàn tỉnh Quảng Nam hiện đã có 15 đô thị. Chỉ Tam Kỳ và Hội An là 2 đô thị loại 3, các đô thị là thị trấn huyện lỵ đượp xếp hạng đô thị loại 5. Chương trình phát triển đô thị nêu mục tiêu đến năm 2020 Quảng Nam sẽ có 20 đô thị, trong đó tỉnh lỵ Tam Kỳ lên đô thị loại 2, Hội An và Núi Thành là đô thị loại 3. Các thị trấn huyện lỵ là đô thị loại 4 và 5. Lúc đó dân số khu vực đô thị có khoảng 650 nghìn người trong tổng dân số 1,5 triệu dân, chiếm hơn 40%.
Chúng tôi không đánh giá tốc độ đô thị hóa như vậy là thấp hay cao, nhanh hay chậm, mà chú trọng đến hai khía cạnh liên quan đến xã hội học đô thị: dân số phi nông nghiệp sẽ tăng lên trong lúc đất đai bị thu hẹp để mở rộng các đô thị sẽ tạo ra những vấn đề xã hội gì và đời sống đô thị tuy ở mức thấp nhưng sẽ tác động ra sao trong đời sống cộng đồng. Không gian sống thay đổi, tác động qua lại của cư dân trong ứng xử hàng ngày thay đổi đến đâu và cần được điều chỉnh ở mức nào?
Trước hết, là thay đổi không gian sống. Đô thị như quy hoạch hiện nay không còn vườn tược rộng nữa. Các nhà không cách nhau một bờ hàng rào chè tàu, dâm bụt, hàng cau hay đám ruộng, mà ở sát vách nhau, dùng chung đường dây điện, ống dẫn nước công cộng, đổ chung xe thu gom rác... Những điều này tạo ra một số mối quan hệ liên đới phức tạp và nhạy cảm. Tính liên đới là một trong những đặc thù của xã hội học đô thị, đòi hỏi cư dân phải có trách nhiệm với nhau, chia sẻ với nhau cả về tiện nghi lẫn trách nhiệm một cách tức thì. Anh không thể đổ nước ra đường làng ngõ xóm, đốt rác trước nhà như trước. Nếu dùng điện, dùng nước, dùng ga cẩu thả có thể gây cháy nổ, mất điện cho toàn khu vực; cũng không thể mở ti vi, máy hát với âm lượng lớn vì ảnh hưởng đến đời sống chung quanh. Không gian sống thay đổi, buộc mỗi cá thể phải thay đổi cách ứng xử, cách sống vốn đã quen khi sống trong thôn xóm. Điều này đòi hỏi một chương trình tuyên truyền vận động kiên trì của các cơ quan quản lý, truyền thông và cả các đoàn thể xã hội; nhưng đồng thời phải có những quy tắc ứng xử, biện pháp chế tài theo các quy chuẩn đô thị để tạo ra những thay đổi.
Đô thị hóa đồng thời với việc giảm diện tích canh tác. Dân số phi nông nghiệp tăng lên. Chính sách thu hồi đất và bồi thường thiệt hại hiện nay thấp nên không đủ cho người dân trong các vùng dự án có được nguồn vốn để tự tạo việc làm mới hay học nghề, học các kỹ năng để chuyển sang làm dịch vụ. Vả lại, trình độ văn hóa ở nông thôn cũng là một rào cản cho việc dịch chuyển lao động từ khu vực này sang khu vực khác. Do đó đòi hỏi một chương trình rất cụ thể về dạy nghề, cho vay vốn dài hạn. Trong nhiều trường hợp mà chúng ta đã chứng kiến, đời sống đô thị cuốn hút con người vào dòng xoáy tiêu dùng, cộng với các kênh quảng cáo mua sắm sẵn có, một số người đã lao vào việc kiếm tiền bất cứ giá nào và sinh ra bao tệ nạn xã hội. Cho nên, thu hút đầu tư để chuyển dịch các nhà máy sử dụng nhiều lao động về các vùng đô thị mới cũng là khuynh hướng mà các nhà xã hội học đô thị đã khuyến cáo với hệ thống quản lý xã hội. Ở Quảng Nam, bài học thành công “ly nông mà không ly hương” ở Duy Xuyên cần được nghiên cứu để nhân rộng ra các đô thị khác.
Tuy các xã, thôn bước vào đô thị hóa, nhưng mối quan hệ họ tộc, làng xóm vẫn còn tồn tại. Các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng nông thôn vẫn là một nhu cầu tồn tại lâu dài. Do đó, khi quy hoạch các vùng đô thị mới, một quỹ đất và ngân sách tài trợ cho việc “tái thiết” các thiết chế như nhà thờ tộc, nhà thờ chi phái, đình làng, nhà văn hóa thôn… đã được nhiều nơi áp dụng. Đây chính là giềng mối các quan hệ thân tộc, tín ngưỡng vốn đã ăn sâu trong tâm thức người dân chúng ta. Các mối quan hệ này được duy trì ổn định trong quá trình đô thị hóa là một thành công mang tính bản sắc Việt!
Cuối cùng, các quy hoạch đô thị mới cho thị trấn, nông thôn không nên rập khuôn theo cách của những nơi đi trước: phân lô nhà ống. Quy hoạch cũng cần lưu ý giữ lại cảnh quan tự nhiên của mỗi vùng đất - điều mà mới đây, các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc phương Tây đến Việt Nam đã thừa nhận là sai lầm của họ từ vài thế kỷ trước khi không tính đến điều này.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG