Ngày 23.9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức buổi tiếp xúc chuyên đề với cử tri là cán bộ, đoàn viên thanh niên, với mong muốn được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của thanh niên hiện nay.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: VINH ANH |
Chủ trì buổi tiếp xúc cử tri có các ĐBQH Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Ngọc Hải - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đây cũng là hoạt động mở đầu cho chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh (diễn ra từ ngày 23.9 đến 4.10.2017) trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Khó tiếp cận vốn vay
“Vốn vay phát triển kinh tế” là câu chuyện không mới nhưng luôn là chủ đề được thanh niên quan tâm đề cập tại các diễn đàn. Tại buổi tiếp xúc cử tri vừa qua cũng không ngoại lệ. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay có 2 kênh tín dụng dành cho thanh niên phát triển kinh tế, là nguồn vốn từ Chương trình vay vốn quốc gia giải quyết việc làm (Chương trình 120) của Trung ương Đoàn và vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, cả 2 nguồn vốn vay này đều khó tiếp cận vì những quy định bắt buộc mà không phải ai cũng đáp ứng được. Anh Nguyễn Thành Tuấn - Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên (Tỉnh đoàn) cho biết, có rất ít thanh niên của tỉnh tiếp cận được nguồn vốn Chương trình 120 của Trung ương Đoàn, dẫn đến thực trạng tiền tồn đọng hàng trăm triệu đồng nhưng thanh niên thì vẫn không được vay vốn.
Theo anh Tuấn, nguồn vốn từ Chương trình 120 khó tiếp cận là bởi thanh niên khó có thể đáp ứng quy định bắt buộc “khi vay thanh niên phải xây dựng đề án, phương án sản xuất kinh doanh đối với từng dự án cụ thể; với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ kinh doanh cá thể phải có tài sản đảm bảo tiền vay đối với các dự án hơn 50 triệu đồng…”. Trong khi đó, với vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, quy định thanh niên vay vốn phải là hộ gia đình, trong khi nhiều thanh niên chưa lập gia đình nên không thể vay vốn. Anh Tuấn cho rằng cần phải sửa đổi, điều chỉnh các quy định về vay vốn để thanh niên dễ tiếp cận hơn với các nguồn vốn phát triển kinh tế. Cùng ý kiến trên, anh Võ Thanh Cung - Phó Bí thư Thành đoàn Tam Kỳ đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức buổi tiếp xúc với thanh niên để gặp gỡ, lắng nghe thanh niên đề đạt nguyện vọng, qua đó kịp thời giải quyết những nhu cầu, thắc mắc của thanh niên.
Cũng liên quan đến vấn đề vốn vay, anh Hồ Quang Lĩnh - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Tỉnh đoàn dành sự quan tâm đến thanh niên hoàn lương. “Thanh niên vi phạm pháp luật sau khi chấp hành xong án phạt tù, về lại địa phương rất khó để tiếp cận nguồn vốn vay. Nhiều thanh niên hoàn lương cho biết họ chỉ muốn được vay khoảng 20 - 30 triệu đồng để mua con bò, đàn gà hay đào ao thả cá nhưng không được. Chúng tôi cũng đã đem nguyện vọng này đi “gõ cửa” từ ngành này sang ngành khác nhưng đều nhận được những cái “lắc đầu”” - anh Lĩnh chia sẻ trăn trở. Được biết hiện nay trong toàn tỉnh chỉ có TP.Tam Kỳ và thị xã Điện Bàn là 2 địa phương bố trí nguồn quỹ từ ngân sách địa phương để cho thanh niên hoàn lương vay vốn.
Lo với mạng xã hội
Thanh niên cũng cần nắm bắt, tự tạo cơ hội Tại buổi tiếp xúc cử tri, thanh niên còn quan tâm, bày tỏ những băn khoăn về giải quyết việc làm, định hướng nghề nghiệp; các chính sách giáo dục, đào tạo hiện nay; chế độ, chính sách, công tác luân chuyển, bố trí việc làm cho cán bộ đoàn… Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Việt Cường đánh giá cao sự xác đáng của những vấn đề mà thanh niên sôi nổi nêu ý kiến. Đồng chí đề nghị Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh và lãnh đạo, đại diện các sở, ban ngành tiếp thu đầy đủ ý kiến của thanh niên, sớm trả lời bằng văn bản đối với các nội dung kiến nghị liên quan. Đồng thời đề nghị thanh niên cần thường xuyên theo dõi, nắm vững các chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc phát triển vùng đông, vùng tây với hàng loạt dự án đã và đang được triển khai, bởi đó cũng là cơ hội mà thanh niên cần nắm bắt để tìm việc làm và định hướng nghề nghiệp. Riêng những kiến nghị về quy định vay vốn, đồng chí Phan Việt Cường cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp và kiến nghị để Quốc hội, các bộ, ngành liên quan xem xét sửa đổi cho phù hợp. Đồng chí cũng khuyến khích thanh niên tự tạo cơ hội để lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp kinh doanh... |
Không phủ nhận những mặt tích cực, ưu điểm của mạng xã hội với cuộc sống hiện nay, nhất là với thế hệ trẻ. Tuy nhiên nhiều ý kiến của thanh niên bày tỏ băn khoăn, lo lắng trước sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội, trong khi việc quản lý, giám sát và xử lý của Nhà nước chưa đến nơi đến chốn. Anh Lê Văn Thắng - Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh cho biết, vấn đề tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên thanh niên hiện nay gặp nhiều khó khăn một phần nguyên nhân cũng vì mạng xã hội. Thông tin khi được chia sẻ lên mạng xã hội sẽ nhanh chóng lan truyền, trong đó có nhiều thông tin bịa đặt, sai trái về vấn đề chính trị, về cán bộ lãnh đạo… làm ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng của thanh niên. Anh Thắng nói: “Vấn đề quản lý mạng xã hội cần phải được quan tâm nếu không sẽ gây ra những nguy cơ xấu. Dù chúng tôi cố gắng tổ chức, phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục thanh niên, nhất là ở cơ sở, nhưng việc tràn lan nhiều luồng thông tin trên mạng xã hội khiến cho công việc này nhiều khi không hiệu quả”. Nhìn nhận về công tác phòng chống tham nhũng hiện nay tác động lớn đến tư tưởng thanh niên, anh Thắng kiến nghị: “Nếu công tác phòng chống tham nhũng mà làm nửa vời sẽ ảnh lớn đến tư tưởng thanh niên, nhất là thanh niên trí thức. Tôi nghĩ, không có hình thức tuyên truyền, giáo dục nào tốt hơn việc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Làm tốt được việc này sẽ lấy được niềm tin, tạo tâm lý, tư tưởng ổn định, yên tâm cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ”.
Tương đồng ý kiến, chị Bùi Thị Kim Hoàng - Bí thư Huyện đoàn Phú Ninh cho rằng, về mặt tích cực, mạng xã hội rất có ích đối với công tác tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên nhờ tính lan truyền, kết nối rộng rãi. Tuy nhiên, nếu cứ để mạng xã hội phát triển không kiểm soát như hiện nay sẽ ảnh hưởng xấu đến tư tưởng của thanh niên, khiến cho công tác tuyên truyền gặp khó, phản tác dụng. Do đó Nhà nước cần có chế tài kiểm soát, xử lý những người đưa thông tin sai trái, xuyên tạc lịch sử lên mạng xã hội. “Không chỉ kiểm soát mạng xã hội, Nhà nước cũng cần quản lý hoạt động báo chí tốt hơn, không để tình trạng là những thông tin giật gân, nhảm nhí, câu khách đầy rẫy trên các tờ báo mạng, rồi từ đó được chia sẻ trên mạng xã hội dẫn đến lan truyền với tốc độ cực nhanh” - chị Hoàng nói.
VINH ANH