Đoàn kết đi lên trong gian khó

TRẦN HỮU (thực hiện) 11/05/2018 08:54

Qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện Phước Sơn đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết, vượt qua mọi gian khó trong thời chiến, từng bước phát triển ổn định kinh tế - xã hội trong thời bình. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam về chặng đường đã qua, Bí thư Huyện ủy Phước Sơn - Phạm Thế Quyền chia sẻ:

Đường Hồ Chí Minh vào huyện Phước Sơn.
Đường Hồ Chí Minh vào huyện Phước Sơn.

Để tiến hành cuộc vận động cách mạng ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng miền núi thành hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1946 Tỉnh ủy chủ trương thành lập Phòng quốc dân thiểu số Quảng Nam để chỉ đạo phong trào cách mạng miền núi, tiến tới thành lập châu Trà My ngày 17.3.1947. Đến ngày 12.10.1948, huyện Phước Sơn được thành lập từ việc chia tách châu Trà My thành hai huyện Trà My và Phước Sơn. Gần 2 tháng sau, Huyện ủy lâm thời huyện Phước Sơn cũng được thành lập.

- Đảng bộ địa phương ra đời thời điểm đó phải chăng phù hợp với bối cảnh lịch sử và đặc thù khu vực miền núi, tạo thế và lực mới nhằm chuẩn bị cho 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, thưa ông?

- Ông Phạm Thế Quyền: Quả đúng như vậy. Kể từ sau ngày thành lập Đảng bộ huyện Phước Sơn, địa phương luôn chăm lo công tác xây dựng Đảng, bồi dưỡng phát triển đảng viên mới, nhất là đối tượng cán bộ, quần chúng nòng cốt người dân tộc thiểu số. Tập trung cho nhiệm vụ trước mắt là nâng cao trình độ giác ngộ, năng lực lãnh đạo, vận động quần chúng; duy trì chặt chẽ chế độ sinh hoạt đảng. Giữa năm 1949 Phước Sơn đã thành lập chi bộ cơ sở ở các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Mỹ (cũ). Tháng 10.1949, Đại hội Đảng bộ huyện Phước Sơn lần thứ nhất khai mạc tại xã Phước Mỹ. Đồng chí Nguyễn Văn Sinh được bầu làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Cao Đăng làm Phó Bí thư. Thời gian này, Huyện ủy lãnh đạo địa phương xây dựng lực lượng du kích, vận động nhân dân đi dân công tải đạn, lương thực phục vụ cho chiến trường Tây Nguyên. Đồng thời phát động các phong trào đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm; thi đua học văn hóa; tích cực phòng bệnh, chữa bệnh. Sự kiện thành lập đảng bộ, các chi bộ trực thuộc trong bối cảnh lịch sử đó là tất yếu khách quan, phù hợp với thực tiễn. Các chi bộ đã quán triệt tư tưởng, lãnh đạo nhân dân đoàn kết các dân tộc, xóa bỏ mâu thuẫn, bài trừ hủ tục lạc hậu. Nhờ đó, nhân dân tin Đảng, tin Bác Hồ, tin Mặt trận Việt Minh.

Phấn đấu xây dựng huyện Phước Sơn trở thành cửa ngõ phát triển năng động ở vùng tây của tỉnh”
(Bí thư Huyện ủy Phước Sơn - Phạm Thế Quyền.)

- Theo ông, những sự kiện nào ghi dấu ấn đặc biệt của Đảng bộ huyện Phước Sơn trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ?

- Ông Phạm Thế Quyền: Những năm đầu mới thành lập, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo bộ đội Phước Sơn phục kích đánh bại hai cuộc càn quét của giặc Pháp ở Vồng Cầu và bờ sông Đăk My. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Đảng bộ huyện Phước Sơn mặc dù mới thành lập được 6 năm với mấy chục đảng viên, nhưng đã lãnh đạo nhân dân tăng gia sản xuất, đánh giặc, xây dựng nếp sống mới, mở trường dạy học; góp phần cùng cả nước đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bước vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ huyện có 15 chi bộ với gần 200 đảng viên. Đặc biệt, ngày 13.3.1960, nhân dân làng Ông Tía tiến hành khởi nghĩa vũ trang diệt gọn tiểu đội quân ngụy, mở đầu cho phong trào đồng khởi kháng chiến của các huyện miền núi Quảng Nam, chuyển phong trào từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang. Tiêu biểu có các trận đánh do đồng chí Đinh Văn Xọp chỉ huy trên đường 14 vào tháng 7.1962, cuộc tổng tiến công và giải phóng Khâm Đức - Ngok Tavat ngày 12.5.1968. Cán bộ và bộ đội huyện Phước Sơn chi viện các huyện đồng bằng như Thăng Bình, Quế Sơn để giải phóng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, góp phần vào thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, dấu ấn lớn của Đảng bộ địa phương là lãnh đạo nhân dân các dân tộc thiểu số của huyện xây dựng bộ phận căn cứ địa vững chắc, đóng góp vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

- Trong thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu giảm nghèo của địa phương đã được đảng bộ chỉ đạo hiện thực hóa như thế nào, thưa ông?

- Ông Phạm Thế Quyền: Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và UBND huyện, kinh tế - xã hội của huyện Phước Sơn đang trên đà phát triển, đồng bào các dân tộc đã ổn định cuộc sống theo hướng định canh định cư, thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Hiện nay hộ nghèo trên địa bàn huyện còn hơn 38%. Đường ô tô đã đến được 66/66 thôn, khối phố; 100% xã có điện với 96% số hộ dùng điện. Về giáo dục, đến nay có 8/28 trường đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.

Các nhiệm kỳ đại hội đảng gần đây, địa phương xác định đẩy mạnh chủ trương giao đất gắn với giao rừng, xem trọng kinh tế rừng. Phát triển nông nghiệp toàn diện cả trồng trọt và chăn nuôi, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa; tập trung khai hoang phục hóa ruộng nước, nà thổ. Khuyến khích phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng, hình thành các vùng chuyên canh, chăn nuôi tập trung, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; tổ chức quản lý và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng, khoáng sản. Các chương trình 30a, 135… được triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Huyện ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, đề ra các chủ trương để thực hiện có hiệu quả chính sách định canh - định cư, quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư phù hợp, giảm nghèo bền vững, phấn đấu xây dựng huyện Phước Sơn trở thành cửa ngõ phát triển năng động ở vùng tây của tỉnh.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

TRẦN HỮU (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đoàn kết đi lên trong gian khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO