Đó là thực trạng mà chị Nguyễn Thị Sương - Bí thư Đoàn xã Quế Thọ nêu ra tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ của Huyện đoàn Hiệp Đức, vừa được tổ chức. Theo chị Sương, ở một vài cơ sở đoàn vẫn còn nhiều “đoàn viên trên giấy”, “đoàn viên có cũng như không”, không ít đoàn viên tự cho mình “quyền phán xét” chứ không làm, không sinh hoạt. Rồi có những buổi lễ kết nạp đoàn viên đông vui mà chẳng mấy ai cảm nhận ý nghĩa của ngày vào Đoàn, cũng không có chút ấn tượng gì với tổ chức mình vừa đứng vào, cá biệt có học sinh nghiện game vẫn được vào Đoàn. Thừa nhận thực trạng này, Bí thư Huyện đoàn Hiệp Đức - Nguyễn Hồng Sơn cho biết, trong thời gian đến huyện đoàn sẽ không đặt nặng chỉ tiêu phát triển đoàn viên mới, cũng không nhất thiết cứ “15 tuổi + 1 ngày” (độ tuổi bắt đầu được kết nạp Đoàn theo điều lệ) là được vào Đoàn. Điều tổ chức đoàn cần không nằm ở quân số thật đông mà là ở thực chất hoạt động cụ thể của Đoàn.
Trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Nam mới đây, điều đặc biệt lưu tâm của Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn - Nguyễn Đắc Vinh cũng chính là câu chuyện là chất lượng đoàn viên. Sau khi dự lễ kết nạp đoàn viên tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa (huyện Bắc Trà My), anh Nguyễn Đắc Vinh cho rằng việc kết nạp đoàn viên hiện nay ở nhiều nơi còn chạy theo số lượng, làm dàn đều, điều này sẽ không tạo ra động lực phấn đấu cho người muốn gia nhập vào tổ chức Đoàn và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các phong trào hoạt động của Đoàn.
Giải pháp đặt ra cho câu chuyện đoàn viên là gì? Thiết nghĩ, trước hết cần chú trọng và thực hiện bài bản việc hình thành và phát triển đoàn viên mới. Làm rõ, làm nghiêm túc quy trình từng bước, đảm bảo chất lượng, công khai, dân chủ, đúng quy định. Tổ chức và người giới thiệu phải thể hiện một cách cao nhất trách nhiệm với đối tượng đoàn. Đoàn cấp trên giám sát chặt chẽ việc phát triển đoàn viên của Đoàn cấp dưới. Công tác thi đua khen thưởng không nên đặt ra tiêu chí phát triển bao nhiêu đoàn viên mới mà phải chú trọng vào chất lượng đoàn viên, để cơ sở mạnh dạn nhìn nhận lại thực trạng của đơn vị mình. Bởi, chắc chắn nếu còn thi đua theo số lượng, sẽ còn tình trạng đánh giá và báo cáo không trung thực - nguyên nhân của sự tồn tại của những “đoàn viên trên giấy”.
Vẫn biết rằng một tổ chức không thể để tăng hoặc giảm số lượng thành viên một cách tùy hứng, nhưng để nâng cao chất lượng đội ngũ, cần xem việc đưa ra khỏi hàng ngũ những đoàn viên không còn xứng đáng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm đoàn số là việc bình thường trong một khoảng thời gian cụ thể. Vì vậy, để vừa nâng cao chất lượng tổ chức, chất lượng sinh hoạt và nâng cao chất lượng đoàn viên, việc mạnh dạn đào thải những thành viên không còn đủ tư cách, không còn có thể gắn bó với tổ chức là công việc cần làm. Và nếu việc phát triển đoàn viên được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản như đã nói ở trên thì việc đưa ra khỏi hàng ngũ những đoàn viên không còn xứng đáng chắc chắn càng về sau sẽ giảm.
LÊ THIÊN NGÂN