Doanh nghiệp chưa tiếp cận được thông tin

HOÀNG LINH 14/03/2018 13:10

Những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi tham gia giáo dục nghề nghiệp hoặc tiếp nhận lao động vào làm việc được ban hành như Thông tư 58 của Bộ Tài chính hoặc Công văn số 786 của Bộ LĐ-TB&XH đều chưa được doanh nghiệp tiếp cận.

Khi lao động là người dân tộc thiểu số làm việc tại doanh nghiệp sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm thay doanh nghiệp tối đa 5 năm. Ảnh: D.L
Khi lao động là người dân tộc thiểu số làm việc tại doanh nghiệp sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm thay doanh nghiệp tối đa 5 năm. Ảnh: D.L

Khảo sát nhanh ở một số doanh nghiệp có tham gia giáo dục nghề nghiệp hoặc tiếp nhận lao động là người dân tộc thiểu số vào làm việc, họ đều không rõ về các văn bản trên. Cụ thể, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Minh Sơn thuộc Công ty CP Minh Sơn Quảng Nam là đơn vị tham gia đào tạo nghề lái xe. Khi tham gia giáo dục nghề nghiệp, theo ông Phạm Hồng Sơn - Giám đốc Công ty CP Minh Sơn Quảng Nam, công ty đã được miễn tiền thuê đất, các chính sách hỗ trợ cho học viên đều được thực hiện đầy đủ. Nhưng với Công văn số 786 ngày 2.3.2018 của Bộ LĐ-TB&XH, ông Sơn cho biết vẫn chưa tiếp cận được. Theo ông Sơn, nếu nhà nước có những chính sách ưu ái cho doanh nghiệp trong việc tham gia giáo dục nghề nghiệp sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều. Điều này tạo sự công bằng cho người học nghề, dù học ở doanh nghiệp hay học ở các cơ sở đào tạo công lập đều được hưởng cơ chế ưu đãi như nhau.

Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia đào tạo nghề hoặc tiếp nhận lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sau học nghề vào làm việc vẫn chưa nắm được chính sách hỗ trợ đóng các khoản bảo hiểm cho lao động được tiếp nhận vào làm việc tại doanh nghiệp. Chính sách này được quy định tại Thông tư số 58 của Bộ Tài chính, ban hành vào ngày 13.6.2017. Theo quy định tại Thông tư 58, lao động là người dân tộc thiểu số sau học nghề khi được tiếp nhận vào làm việc tại doanh nghiệp sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ nộp thay cho đơn vị sử dụng lao động tối đa 5 năm đối với một lao động. Theo đó, việc tiếp nhận lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số của doanh nghiệp sẽ giúp tỉnh giải quyết đầu ra cho lao động theo học nghề từ các chính sách của tỉnh và trung ương ; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp giảm khoản chi phí về bảo hiểm cho lao động.

Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Chính sách này vẫn chưa được áp dụng ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nên thời gian tới sẽ được lồng ghép tuyên truyền cho doanh nghiệp và lao động. Khi chính sách của trung ương được thực hiện đồng thời với chính sách hỗ trợ học nghề theo Nghị quyết 12 của tỉnh, việc đào tạo nghề cho lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có nhiều thuận lợi hơn từ khâu đào tạo đến giải quyết việc làm tại doanh nghiệp”.

HOÀNG LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp chưa tiếp cận được thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO