Độc đáo nghệ nhân phố Hội tạc tượng từ gốc tre

DIỆP SA 03/09/2014 21:55

(QNO) - Nhìn những gốc tre nổi lềnh bềnh trên sông Hoài trong mùa lũ, một nghệ nhân ở Hội An nảy ra ý định thử tạc tượng từ những gốc cây này và đổi đời từ đây.Cửa hàng bán tượng gỗ nghệ thuật của vợ chồng anh Huỳnh Phương Đỏ (42 tuổi), chị Trần Thị Nhung rộng chừng hơn chục mét vuông, nằm trên góc phố Bạch Đằng, bên sườn chợ Hội An. Mỗi ngày, cửa hàng đón hàng trăm lượt khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan và mua tượng. Các loại tượng gỗ vừa và nhỏ ở đây được làm từ nhiều chất liệu như dổi, pơ mu, trắc, lim, mít, và cả gốc tre.Gốc tre nghệ thuật dù xuất hiện sau cùng nhưng lại là mặt hàng hút khách và cho doanh thu chính. Chị Nhung, vợ anh Đỏ cho biết, trung bình mỗi ngày, ngoài việc xuất cho các mối buôn khắp các tỉnh miền Trung, miền Nam và Hà Nội, cửa hàng còn bán lẻ khoảng gần chục tượng tạc từ gốc tre với nhiều mức giá khác nhau, khoảng 150.000 - 400.000 đồng/tượng và hơn chục tượng các loại khác.
Gốc tre nghệ thuật là mặt hàng điêu khắc độc đáo hút khách trong và ngoài nước từ nhiều năm nay. Ảnh: Diệp Sa.
Gốc tre nghệ thuật là mặt hàng điêu khắc độc đáo hút khách trong và ngoài nước từ nhiều năm nay. Ảnh: Diệp Sa.
Cứ khoảng 3 tháng, anh Huỳnh Phương Đỏ lại nhập về 1 xe tải chở hàng ngàn gốc tre đủ loại với giá khoảng 15.000 đồng/gốc. Sau đó, những gốc tre vô tri được phun xì sạch sẽ, để khô và chờ qua tay người nghệ nhân sẽ trở thành những tác phẩm tượng gỗ nghệ thuật có một không hai, đầy sức hút. Để làm nên một gốc tre nghệ thuật, anh Đỏ phải bỏ ra 1 - 2 tiếng suy ngẫm rồi dựa vào thế gốc, thế rễ sẽ tạc thành những hình thù phù hợp. Đắt khách mua buôn nhất là các loại tượng phúc, lộc, thọ. Những tượng cầu kỳ, phức tạp hơn, anh Đỏ để lại cửa hàng cho khách tới tham quan và bán lẻ.Chị Nhung cho biết, với gốc tre nghệ thuật chủ yếu anh chị lấy công làm lãi. Các gốc tre nghệ thuật hình ông Tam Đa Phúc, Lộc, Thọ dễ bán, được khách hàng cả hai miền đều ưa chuộng, có giá bán buôn khá mềm, bán lẻ trên thị trường từ 200.000 đến 400.000 đồng/ tượng, cho thu nhập tốt nên được nhiều mối buôn chọn lấy. Đặc biệt, có những gốc tre, bộ rễ phức tạp, anh Đỏ phải bỏ ra tới 2 - 3 ngày mới hoàn thành nhưng giá bán cao nhất cũng chỉ 500.000 – 600.000 đồng/tượng. Các tác phẩm tạc khắc cầu kỳ này mất nhiều công, giá nhập cao sẽ kén khách nên vợ chồng anh chị để lại bán lẻ, cũng là cách để cửa hàng trưng ra những sản phẩm đẹp và độc đáo nhất tới du khách gần xa.
Anh Huỳnh Phương Đỏ (SN 1972) học nghề điêu khắc từ năm 16 tuổi, làm giàu nhờ nghề chế tác gốc tre nghệ thuật và tượng gỗ. Ảnh: Diệp Sa.
Anh Huỳnh Phương Đỏ (SN 1972) học nghề điêu khắc từ năm 16 tuổi, làm giàu nhờ nghề chế tác gốc tre nghệ thuật và tượng gỗ. Ảnh: Diệp Sa.
Từ những ngày bàn tay nghệ nhân buộc phải xa nghề tượng để đi bán bánh chưng, vất vả mưu sinh nuôi sống gia đình, gần chục năm nay, nhờ việc chế tác gốc tre nghệ thuật, xuất hàng đi khắp cả nước đã giúp vợ chồng  anh Huỳnh Phương Đỏ thực sự đổi đời. Kỷ niệm hơn 10 năm trước vào ngày lũ về, hình ảnh những gốc tre từ đầu nguồn chìm nổi theo dòng lũ về trên mặt nước sông Hoài vẫn luôn khiến anh Đỏ xúc động mỗi khi nhớ lại. Anh chia sẻ: “Tôi sinh ra trong gian khó, chuyên tâm học nghề điêu khắc từ năm 16 tuổi chỉ mong sau này theo nghề sẽ có cuộc sống ổn định. Không ngờ cũng vì cái nghèo cái khó mà không mở nổi xưởng, tiền làm thuê không đủ nuôi sống bản thân và gia đình nên phải chuyển nghề. Nhưng may sao cái duyên với nghề vẫn còn, đã giúp tôi mở ra một hướng đi riêng để đứng vững và cho cả nhà một cuộc sống tốt”.Vừa làm nghề, vừa kinh doanh nên vợ chồng anh Đỏ luôn biết cách nương theo thị hiếu khách hàng để duy trì nguồn khách mua buôn, mua lẻ ổn định. Anh Đỏ chia sẻ, muốn nhập được gốc tre tốt, giá rẻ, thì phải chọn đúng mùa để nhập. Nên nhập hàng vào các tháng 2 - 3 - 4 là mùa khô, gốc tre sẽ chắc, đẹp, không bị lên mốc. Khách hàng tìm tới sản phẩm gốc tre nghệ thuật thường là những người thích phong cách tự nhiên, độc đáo, không đụng hàng nên nghệ nhân khi chế tác cũng phải cố gắng giữ lại những nét đẹp nhất, có hồn nhất của bản gốc. “Một số nơi giờ cũng làm gốc tre nghệ thuật nhưng lại bào nhẵn nhụi hết phần mặt trong khi đôi lông mày được sửa sang từ bộ rễ giữ lại trên mặt tượng mới là chi tiết làm nên cái hồn của tác phẩm”, anh Đỏ cho hay.Anh cũng nói thêm, vào dịp tháng 7 - 8 - 9, khách quốc tế tìm tới Hội An mua tượng Phật đa phần là khách Pháp. Nếu như du khách các nước rất thích tượng gốc tre thì khách Pháp lại khác, chỉ thích các loại tượng nhỏ, chạm trổ đơn giản nhưng chỉn chu như những tượng Di Lặc, Kim Quy, Tam Đa… Do vậy, những ngày tháng 8, anh Đỏ tập trung nhiều hơn cho những sản phẩm tượng này để tranh thủ nguồn khách hàng đông đảo hơn.
Tùy thời điểm, vợ chồng anh Đỏ đầu tư làm mặt hàng phù hợp. Tháng 8, 9 khách du lịch Pháp tới Hội An nhiều và chỉ thích các loại tượng vừa và nhỏ làm chủ yếu từ gỗ pơ mu. Ảnh: Diệp Sa.
Tùy thời điểm, vợ chồng anh Đỏ đầu tư làm mặt hàng phù hợp. Tháng 8, 9 khách du lịch Pháp tới Hội An nhiều và chỉ thích các loại tượng vừa và nhỏ làm chủ yếu từ gỗ pơ mu. Ảnh: Diệp Sa.

Vào những tháng cuối năm, vợ chồng anh chị huy động thêm 3 thợ, làm việc cật lực để chuẩn bị cho dịp Tết cổ truyền. Chị Nhung hồ hởi: “Đến giáp Tết thì mấy xe tải gốc tre cũng không có đủ mà bán. Các gốc phức tạp được nhà tôi làm dần trước, gần Tết bán cho khách lẻ sẵn sàng trả giá cao, còn các mối mua buôn sẽ dồn trả hàng vào 1 - 2 tháng trước Tết. Tết thì chủ yếu là khách trong nước nhưng sức mua lớn lắm, năm nào cũng cháy hàng”.

Là nghệ nhân chế tác gốc tre nghệ thuật đầu tiên và duy nhất của Hội An, hiện anh Đỏ đã truyền dạy nghề cho 3 học trò. Nhiều địa phương khác trên cả nước cũng học tập làm sản phẩm nghệ thuật ăn khách này. Với anh Đỏ, chứng kiến ý tưởng của mình, tác phẩm nghệ thuật của mình được khách hàng yêu thích, thị trường ghi nhận là niềm vui không gì sánh nổi. “Còn gì hạnh phúc hơn một nghệ nhân sống được và sống tốt bởi chính cái nghề mình đã mất bao năm khổ luyện", anh tâm sự.DIỆP SA
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Độc đáo nghệ nhân phố Hội tạc tượng từ gốc tre
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO