Giảm thời gian thông quan, nộp thuế 24/7, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và đẩy mạnh thủ tục kiểm tra chuyên ngành… là những hoạt động cho thấy nỗ lực của ngành hải quan trong cải cách thủ tục hành chính, xác định doanh nghiệp là đối tác.
Lực lượng hải quan Quảng Nam thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: T.DŨNG |
Hiện đại hóa hải quan
Không cần phải tốn nhiều thời gian, tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp đã có thể làm thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa nhanh hơn dự kiến. Sự thuận tiện này nhờ vào mô hình thủ tục hải quan điện tử, giảm tỷ lệ can thiệp, giảm thủ tục, giấy tờ, thời gian xử lý, thực hiện “mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện” của ngành hải quan đã dần hoàn thiện. Cục Hải quan Quảng Nam cho hay, thời gian trung bình từ khi doanh nghiệp đăng ký tờ khai trên hệ thống thông quan điện tử cho đến khi đủ điều kiện thông quan, giải phóng hàng trung bình khoảng 1 giờ 59 phút 24 giây đối với hàng xuất khẩu, và 24 giờ 17 phút 42 giây đối với hàng nhập khẩu. Hiện 100% số thuế phát sinh được thực hiện bằng phương thức điện tử. Khi chứng từ nộp thuế điện tử từ ngân hàng chuyển đến hệ thống hải quan thì hàng hóa xuất, nhập khẩu sẽ nhanh chóng được thông quan, giảm thiểu tối đa thời gian thông quan cho doanh nghiệp.
Một trong những giải pháp cụ thể là triển khai đo thời gian giải phóng hàng để đánh giá hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, trên cơ sở thực hiện thông quan điện tử (hệ thống VNACCS/VCIS), nộp thuế điện tử 24/7. Ngoài thông quan điện tử hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ quan này còn thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 & 4 với 73 thủ tục, hơn 1.620 hồ sơ và không còn phát sinh hồ sơ giấy với các thủ tục triển khai trên dịch vụ công trực tuyến. Theo thống kê, năm 2018 Hải quan Quảng Nam đã giải quyết thủ tục hải quan cho 437 doanh nghiệp (tăng 12,6%), thông qua hàng hóa cho 61.107 tờ khai (tăng 23,9%) với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 2,249 tỷ USD (tăng 15,52%). Tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 4.600 tỷ đồng, đạt 109,15% chỉ tiêu.
Những thống kê trên cho thấy chuyện chẳng hề lạ khi kết quả công bố năm 2017, Cục Hải quan Quảng Nam đứng số 1/5 cơ quan trung ương đóng tại Quảng Nam về chỉ số cải cách hành chính và mới đây, Hải quan Quảng Nam đã dẫn đầu bảng thứ hạng ICT Index 2018 đánh giá xếp hạng mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin ngành tài chính năm 2018. Ông Lê Thành Khang – Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam cho hay công nghệ thông tin quyết định sự thành bại của cải cách thủ tục hành chính. Hiện đại hóa hải quan là công việc thường xuyên. Thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính. Họ chỉ cần thực hiện một lần trên cổng thông tin điện tử. Cơ chế này đã tạo sự thuận lợi hơn rất nhiều cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tất cả thủ tục hành chính hải quan cũng đều được công khai, niêm yết đầy đủ tại nơi giải quyết thủ tục, mạng nội bộ và trang thông tin điện tử của Cục Hải quan. Doanh nghiệp dễ dàng tìm thấy những gì cần cho việc xử lý hồ sơ xuất, nhập khẩu...
Nâng cao năng lực thừa hành công vụ
Kế hoạch cải cách, hiện đại hóa hải quan đã làm lợi cho cả hải quan và doanh nghiệp. Cơ quan này đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại doanh nghiệp, chuyển doanh nghiệp từ đối tượng quản lý sang đối tác hợp tác. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối cấp đội thuộc chi cục, bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển cán bộ phù hợp với việc làm, đáp ứng yêu cầu quản lý đã hoàn tất. Theo ông Lê Thành Khang, cơ quan này đang đánh giá năng lực công chức thừa hành, quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm nhằm đáp ứng đòi hỏi của xã hội. Hải quan Quảng Nam đã dựa trên cơ sở công việc, nhiệm vụ để bố trí con người chứ không phải từ con người để bố trí công việc. Hiện đã giảm 3 đội trực thuộc chi cục, chỉ giữ lại 1 đội nghiệp vụ cảng Chu Lai thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà. Điều đáng ngạc nhiên, trong khi các cơ quan khác vẫn loay hoay xử lý tinh giảm biên chế thì hiện tại Cục Hải quan Quảng Nam không có biên chế dôi dư. Số lượng biên chế thực tế có mặt luôn thấp hơn số lượng biên chế được giao định biên, nhưng vẫn bảo đảm được việc thực thi đầy đủ các nhiệm vụ trước khối lượng công việc ngày càng gia tăng.
Có thể nhận định, mô hình thủ tục hải quan điện tử, giảm tỷ lệ can thiệp, giảm thủ tục, giấy tờ và thời gian xử lý, “mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện” đã giúp doanh nghiệp làm thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa nhanh, tiết kiệm thêm nhiều chi phí, thời gian. Cải cách hành chính là một trong những cam kết của hải quan. Tuy nhiên, không phải lúc nào cam kết này cũng nhận sự hài lòng từ doanh nghiệp. Không ít hàng hóa của doanh nghiệp đã bị lưu giữ tại cảng không thể giải phóng và không thiếu những vụ kiện tụng của doanh nghiệp đã khiến Hải quan Quảng Nam thua kiện... về khả năng thực thi công vụ. Doanh nghiệp chờ đợi việc lần đầu tiên công bố quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong quản lý xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa của Tổng cục Hải quan thì việc “phân luồng” doanh nghiệp sẽ trở nên minh bạch hơn. Không còn chuyện hải quan “chấm” cảm tính doanh nghiệp bởi mọi tiêu chí đánh giá đều thể hiện trên bảng tính. Doanh nghiệp có quyền đề nghị hải quan trả lời về lý do phân loại hoặc điều chỉnh mức độ, tiêu chí tuân thủ, sẽ giúp quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa trở nên thuận lợi hơn.
TRỊNH DŨNG