Sáng 24.10, Sở LĐ-TB&XH triển khai cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động (LĐ) cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 3577 của UBND tỉnh. Với cơ chế này, việc đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu của DN; DN không phải đào tạo lại sau khi tiếp nhận LĐ; và cơ sở đào tạo chỉ được quyết toán kinh phí đào tạo khi LĐ sau đào tạo được làm việc tại DN.
Theo nhu cầu đăng ký, giai đoạn 2016 - 2017 DN may trên địa bàn tỉnh cần tuyển dụng hơn 21.000 LĐ đã qua đào tạo nghề. Theo đó, các cơ sở đào tạo nghề sẽ ký kết hợp đồng cung ứng LĐ đã qua đào tạo theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh. Theo cơ chế, người trong độ tuổi DN có nhu cầu học nghề may sẽ được hỗ trợ đào tạo khóa dưới 3 tháng tại các DN, cơ sở đào tạo nghề đủ điều kiện theo quy định. Trong đó, LĐ khuyết tật được hỗ trợ mức 6 triệu đồng/tháng; hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn mức 4 triệu đồng/tháng; người dân tộc thiểu số, người thuộc diện chính sách người có công, hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, LĐ nữ bị mất việc làm, ngư dân mức 3 triệu đồng/tháng; LĐ hộ cận nghèo 2,5 triệu đồng/tháng; LĐ khu vực đô thị, nông thôn khác 2 triệu đồng/tháng. Người LĐ tùy các đối tượng còn được hỗ trợ tiền ăn, đi lại, mua đồ dùng cá nhân và lưu trú trong thời gian học nghề. Ngoài ngư dân học các nghề vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, trong giai đoạn 2016 - 2017 cơ chế chỉ hỗ trợ cho LĐ học ngành may. Giai đoạn 2018 - 2020, tùy vào tình hình thực tế, UBND tỉnh sẽ quyết định danh mục nghề được hỗ trợ theo cơ chế.
D.LỆ