Thiết lập mối liên kết giữa các doanh nghiệp là xu thế tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập và toàn cầu hóa. Các doanh nghiệp trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang dần quan tâm đến vấn đề này sau một thời gian dài thờ ơ.
Với chủ đề “Liên kết - nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp miền Trung - Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập”, Hội thảo Khoa học và Quản trị kinh doanh lần thứ 5 (COMB 2016) vừa diễn ra tại Đà Nẵng là một diễn đàn hữu ích để hơn 200 học giả, chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp trao đổi về chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tiễn. Trên thực tế, hiệu ứng tích cực từ 4 lần hội thảo trước đã thay đổi nhận thức của nhiều doanh nghiệp trong vấn đề liên kết bởi trước đây không ít doanh nghiệp cho rằng thiết lập liên kết sẽ tạo ra sự cạnh tranh gắt gao hơn.
Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nói riêng, phần đông các doanh nghiệp chỉ ở quy mô nhỏ, chỉ một số ít các doanh nghiệp tạo được hoạch định bài bản về các mối liên kết. Theo TS. Nguyễn Thị Bích Thủy - Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, có hàng chục lý do để các doanh nghiệp cần tạo mối quan hệ chặt chẽ hơn. Thiết lập hợp tác giữa hai hay nhiều doanh nghiệp giúp chia sẻ nguồn lực, cải thiện đầu tư, tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh mới và cả hạn chế những rủi ro vốn luôn rình rập với các doanh nghiệp tiềm lực yếu.
Hội thảo Khoa học và Quản trị kinh doanh lần thứ 5 là cơ hội để các doanh nghiệp trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên gặp gỡ, tăng cường liên kết. |
Theo số liệu thống kê, có khoảng gần 100 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên tuy nhiên số lượng doanh nghiệp tham gia các hiệp hội, câu lạc bộ vẫn còn khiêm tốn chỉ khoảng 1/5 số này. Điều đó bắt nguồn từ việc phần lớn doanh nghiệp mang tính tự phát, quản trị kiểu gia đình, chưa có định hướng chiến lược kinh doanh rõ ràng. Cũng vì điều này, hầu hết doanh nghiệp trên khó thuê được đất ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp bởi quy mô nhỏ. Trong khi đó, ở TP.Đà Nẵng, từ khảo sát hơn 350 doanh nghiệp của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng vào tháng 6.2016 cho thấy, có hơn 90% số doanh nghiệp không biết hoặc khó tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính từ thành phố.
Lâu nay, hoạt động và sức ảnh hưởng của nhiều hiệp hội doanh nghiệp trong khu vực vẫn rất mờ nhạt. Không chỉ tăng cường liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức, hiệp hội doanh nghiệp còn là nơi tìm đầu ra cho thị trường, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh… nếu có một chiến lược hoạt động hiệu quả. Vì thế một số lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất tại hội thảo rằng các hiệp hội doanh nghiệp trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần có sức bật mạnh mẽ hơn để làm đòn bẩy thúc đẩy các doanh nghiệp kết nối hiệu quả hơn. Ông Phan Hải - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng, chỉ có thường xuyên tạo môi trường gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp thì mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập. Hội Doanh nhân trẻ TP.Đà Nẵng sẽ tiếp tục cố gắng mở rộng quan hệ, xây dựng những hướng phát triển mới để giúp cộng đồng doanh nghiệp trẻ có những bước phát triển bền vững.
QUỐC TUẤN