Hội nhập đang gõ cửa, tạo ra áp lực cạnh tranh mới trên thị trường nhưng phần lớn doanh nghiệp ở Quảng Nam “bình chân như vại”? hay họ chưa có điều kiện để nắm bắt thông tin, chuẩn bị những phương án tối ưu để sẵn sàng “bơi trong lũ” ngày mai?
Ít thông tin
Bốn sự kiện (khánh thành nhà máy xe chuyên dụng hạng nặng và sơmi rơmooc, tiếp đón 46 nhà cung cấp linh kiện, vật tư cho Tập đoàn Mazda (Nhật Bản). Khởi công Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải mở rộng và 2 tuyến đường nối từ cảng Tam Hiệp đến đường cao tốc và khu công nghiệp. Khai trương tuyến hàng hải container Hàn Quốc - Chu Lai. Khởi công mở rộng cảng Chu Lai - Trường Hải bến số 1, Tam Hiệp - Kỳ Hà) diễn ra trong vòng mấy tháng qua cho thấy Thaco đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng hội nhập. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco nói sự kiện trọng đại này chính thức khẳng định sau 14 năm đầu tư phát triển tại Chu Lai, Thaco đã đạt được sản lượng đủ lớn để kiến tạo những giá trị cơ bản, thiết yếu cho hội nhập. Kinh tế Việt Nam chỉ có thể hội nhập thành công khi có cộng đồng doanh nghiệp mạnh. Doanh nghiệp phải cạnh tranh nhưng đồng thời cũng phải phối hợp để cùng mạnh.
Thaco là doanh nghiệp hiếm hoi tại Quảng Nam tự thân chuẩn bị, sẵn sàng hội nhập. |
Tuy nhiên, Thaco là một trong những điểm sáng hiếm hoi của doanh nghiệp Quảng Nam tự thân chuẩn bị hội nhập. Làm gì để cải thiện vị trí của Việt Nam, Quảng Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu? Liên kết phát triển xem như mấu chốt để phát triển lại là điều hiếm thấy của doanh nghiệp Quảng Nam trong hiện tại. Ông Nguyễn Quang Việt - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam nói doanh nghiệp Quảng Nam đang gặp nhiều khó khăn khi hàm lượng công nghệ hàng hóa xuất khẩu thấp, xuất khẩu nguyên liệu thô, quy mô doanh nghiệp nhỏ, chưa có hoặc chưa đủ sức vượt qua rào cản kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả, chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu gia tăng... Có phải chính điều đó đã khiến doanh nghiệp không mặn mà với hội nhập hay không? Doanh nghiệp đã chật vật xoay xở để tồn tại đã khó thì nói gì đến chuyện hội nhập toàn cầu?
Cuộc khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Quảng Nam về các hiệp định thương mại tự do (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và liên minh hải quan, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc và Cộng đồng kinh tế ASEAN) không nhiều. Thậm chí có đến 40% doanh nghiệp cho biết họ chỉ mới lần đầu tiên nghe thấy và số doanh nghiệp biết nhiều thông tin về các hiệp định này chỉ chiếm từ 4 - 8%. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế VCCI nói có khá nhiều lý do để lo lắng khi doanh nghiệp Quảng Nam chỉ nghe mà chưa biết nhiều về các hiệp định thương mại tự do và mức độ hiểu biết cũng rất chung chung.
Doanh nghiệp không thể đi một mình
Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam hưởng lợi khá nhiều từ các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, những đánh giá định lượng được đưa ra cần nhìn nhận một cách thận trọng vì các đàm phán thường là những đàm phán kín. Không ai biết rõ kịch bản của bản thỏa thuận cuối cùng là gì. Những lợi ích mang lại cũng chỉ là dự đoán, chỉ là suy đoán trên lý thuyết, còn “thiệt hại” luôn hiện hữu. Sức ép toàn cầu buộc phải thích nghi. Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ không bình chân như vại thì cũng chẳng làm được gì, bởi trong việc đám phán, ký kết các hiệp định thương mại cho đến nay, doanh nghiệp vẫn là… “người ngoài cuộc”. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI được tiếp cận thông tin sớm hơn và có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước sở tại nên đã chủ động “tiến quân” vào thị trường Việt Nam, Quảng Nam để làm “bàn đạp” tạo ra các thị trường lân cận. Sự gia tăng chuỗi sản xuất, cung ứng ngành dệt may của Panko Hàn Quốc vào Khu công nghiệp Tam Thăng là một ví dụ.
Hiện những cuộc đối thoại với doanh nghiệp về những cơ hội hay thách thức hội nhập vẫn quá thiếu vắng. Gần 5.600 doanh nghiệp Quảng Nam tiếp cận thông tin hội nhập còn quá ít. Chỉ có khoảng 400 người tham dự hội nghị tập huấn hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng ý kiến chung là các thông tin cung cấp vẫn chung chung, chưa mang tính toàn diện, chỉ cung cấp ở mức độ những gì nóng nhất mà chưa đề cập những thách thức sẽ gặp phải, hoặc doanh nghiệp cần làm gì. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho hay, báo chí đưa tin, phân tích nhưng chuyện phổ biến sâu rộng hiệp định còn quá hạn chế. Thông tin ngắn gọn, hệ thống chưa có. Quanh đi, ngoảnh lại chỉ là cơ hội và thách thức. Những thông tin ngắn gọn, khúc chiết, dễ hiểu, hệ thống cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân nắm bắt nội dung để ứng xử rất hạn chế mà lẽ ra trách nhiệm này thuộc về Nhà nước. Điều đó là bất ổn, khi tham gia một cuộc chơi lớn mà mình không biết luật chơi. Chính quyền, cơ quan quản lý phải đặt vị thế của mình là doanh nghiệp hay người dân để tháo gỡ những vướng mắc trên nền tảng của một nền hành chính phục vụ. UBND tỉnh sẽ phải đứng ra, mời chuyên gia về nói chuyện để phổ biến những nội dung ký kết, phân tích rõ những cơ hội, thách thức và hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích các hiệp định này.
Suy cho cùng, ký hiệp định thương mại tự do chính là để bán được hàng. Thông tin, kết nối và huấn luyện tại chỗ là ba điều cần thiết (không cần đầu tư nhiều tiền bạc) nhưng vẫn là khoảng trống của doanh nghiệp. Thay vì mở hội thảo chung chung, các nhà quản lý, hiệp hội nên cung cấp thông tin về luật pháp kinh doanh, nội dung cần biết trong các hiệp ước thương mại tự do mới, thông tin thị trường. Kết nối họ thành mạng lưới để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kể cả để cùng khai thác các cơ hội… thì liệu doanh nghiệp có còn “thờ ơ” với hội nhập nữa hay không?
TRỊNH DŨNG