Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt công cộng đã cầu cứu lãnh đạo tỉnh “cứu sống” đường kinh doanh, bằng cách tạo điều kiện ngừng bán đấu giá hàng chục phương tiện, kéo dài thời gian trả nợ…
Rao bán 27 xe buýt
Đầu tháng 8, Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam có đơn cứu xét gửi lãnh đạo tỉnh về việc hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt công cộng không trợ giá. Nhiều năm nay, trên các tuyến liên vận quốc tế Việt - Lào, quốc lộ, tỉnh lộ, đường lên các huyện miền núi, người dân không còn xa lạ với hình ảnh xe buýt. Dịch vụ xe buýt công cộng đáp ứng được chủ trương của tỉnh và nguyện vọng đi lại của người dân, từng bước hạn chế thói quen sử dụng phương tiện xe máy. Năm 2009, tuyến xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng đưa vào khai thác, sau đó Công ty CP Giao thông vận tải tỉnh tiên phong thực hiện chủ trương phát triển vận tải buýt công cộng trên địa bàn tỉnh, theo chiến lược quy hoạch mở rộng mạng lưới xe buýt công cộng giai đoạn 2010 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt. Từ đó đến nay, công ty tiếp tục mua sắm thêm 40 phương tiện đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt công cộng đang lâm nợ vì làm ăn thua lỗ (Ảnh minh họa). Ảnh: H.P |
Trên tuyến xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng hiện có 13 phương tiện hoạt động, tuyến xe buýt Phú Đa - Đà Nẵng có 3 xe, Tam Kỳ - Hiệp Đức 11 xe, Tam Kỳ - Đại Lộc 5 xe, 5 phương tiện được phân bổ hoạt động trên tuyến xe buýt Đại Chánh - Đà Nẵng nay chuyển sang hoạt động tuyến Quế Sơn - Đà Nẵng… Trong số 40 xe buýt của công ty thì có 27 phương tiện được đầu tư từ nguồn vốn vay của Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam. Ông Huỳnh Anh Dũng - Giám đốc Công ty CP Giao thông vận tải tỉnh khẳng định, sự có mặt của xe buýt công cộng rất có ý nghĩa về mặt xã hội, dần hình thành văn hóa giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, nhất là các tuyến đường miền núi xa xôi. Cứ một người đi xe buýt là giảm một xe máy trên đường. Từ năm 2006 đến nay, đơn vị đã vận chuyển hàng chục triệu lượt hành khách, đồng nghĩa là giảm hàng chục triệu lượt xe máy lưu thông.
Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ, nợ nần, chủ nợ đã rao bán đấu giá 27 phương tiện xe buýt của công ty. Không ít lần Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh và công ty bàn tính phương án trả nợ, nhưng cuối cùng vẫn chưa tìm ra lối thoát. Căn cứ vào số nợ quá hạn, chủ nợ buộc Công ty CP Giao thông vận tải tỉnh phải bán 27 chiếc xe buýt đang hoạt động để trả hết số nợ hơn 13 tỷ đồng. Ngày 15.7, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh thông báo bán đấu giá 27 xe buýt để thu hồi vốn vay nhưng bất thành do không có đơn vị nào đăng ký mua. Tiếp đó, ngày 27.7, đơn vị tiếp tục nhận thông báo bán đấu giá lần 2 đối với 27 xe buýt trên với giá hơn 17,4 tỷ đồng.
Thua lỗ do phí chồng phí?
Theo Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam, những năm gần đây tình hình kinh doanh vận tải luôn gặp rủi ro, bất lợi. Điều đáng nói, trong 5 tuyến xe buýt mà đơn vị đang khai thác ở các huyện miền núi thì có 4 tuyến đơn vị phải bù lỗ với số tiền hơn 9 tỷ đồng từ ngày bắt đầu đưa vào khai thác đến nay. Nguyên nhân là lượng khách trên tuyến thiếu ổn định hoặc quá ít khiến tuyến xe buýt không thể tiếp tục hoạt động. Ông Dũng phân trần: “Kinh doanh èo uột, trong khi đó các chi phí ban đầu quá lớn như phí trước bạ, phí lắp thiết bị giám sát hành trình, phí bảo trì đường bộ, phí bảo hiểm ô tô, chi phí mở tuyến… lên đến gần 4 tỷ đồng. Đi vào hoạt động thì tốn thêm chi phí nhiên liệu, chi phí nhân công, lệ phí cầu đường, bến bãi. Thu không đủ bù chi, doanh nghiệp tiếp tục bù lỗ. Bên cạnh đó, thời gian vay ngắn, phải hoàn vốn quá nhanh, lãi suất tương đương với ngân hàng thương mại. Đơn vị không được hỗ trợ lãi suất. Do vậy mà tình trạng nợ quá hạn xảy ra”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam đã không thể trả được nợ vay cho Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam theo kế hoạch, số nợ quá hạn lên đến hơn 3 tỷ đồng. Thua lỗ nhưng đơn vị phải để xe buýt hoạt động bình thường. “Để cứu công ty trên bờ phá sản, chúng tôi có nguyện vọng là ngừng bán đấu giá tài sản 27 xe buýt và có kế hoạch khoanh vùng số nợ, giãn thời gian trả nợ để hỗ trợ đơn vị tiếp tục điều hành hoạt động kinh doanh vận tải phục vụ nhân dân, đồng thời giữ vững mạng lưới xe buýt trên địa bàn tỉnh” - ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, kinh doanh vận tải xe buýt công cộng tiềm ẩn rủi ro thua lỗ rất cao, nên rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của Nhà nước. Nếu cá nhân, đơn vị ngoài tỉnh mua và đưa xe ra khỏi địa bàn thì hệ thống xe buýt đi các huyện miền núi, vùng xa sẽ bị tê liệt. Gần 100 người lao động làm việc trực tiếp và gián tiếp của công ty sẽ bị trắng tay, mất việc, dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Sau khi nhận đơn cứu xét của Công ty CP Giao thông vận tải tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết: “Đây là việc rất khó xử lý, vì chủ vay không có phương án trả nợ, tài sản nếu đem bán cũng không trả đủ vốn vay. Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh không thu hồi được vốn thì cũng bị mất vốn ngân sách cấp. Cho nên, tôi đã đề nghị Sở Giao thông vận tải và Quỹ Đầu tư phát triển đề xuất hướng giải quyết”.
HỮU PHÚC