Doanh nhân chính là những người có đủ khả năng đương đầu với số phận, với khó khăn để chèo lái con thuyền doanh nghiệp mình đi đến thành công. Ai xứng đáng được nhận lãnh hai chữ doanh nhân mang nội hàm lớn lao là “kinh bang tế thế, kinh tế thế dân” trong số gần 4.500 doanh nghiệp (DN) có mặt tại Quảng Nam là điều mà nhiều người vẫn đang chờ đợi mỗi dịp gặp mặt thường niên nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10)?
Cuộc gặp mặt được UBND tỉnh tổ chức vào chiều 11.10 nhân ngày Doanh nhân Việt Nam có sự tham dự của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cùng hơn 200 doanh nhân và đại diện DN HTX. Cuộc gặp mặt này nhằm tôn vinh thương giới Quảng Nam, đồng thời kêu gọi cộng đồng DN Quảng Nam vượt qua khó khăn để tạo dựng bản sắc kinh tế Quảng Nam, tạo thêm nhiều việc làm và đóng góp nguồn lực vào ngân sách nhà nước ngày càng nhiều. Chính quyền khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để cộng đồng DN doanh nhân phát triển đúng vai trò và tầm vóc của mình.
Quang cảnh buổi gặp mặt doanh nhân ngày 11.10.2013. |
1. Không khí buổi gặp mặt trầm lắng hơn mọi khi vì Quốc tang và vì cả nỗi buồn cộng đồng doanh nhân vẫn chưa biết phải tiếp tục xoay xở thế nào với cuộc khủng hoảng vẫn chưa biết đâu là “đáy”. Nhưng sự có mặt của nhiều lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND Quảng Nam một lần nữa khẳng định chính quyền vẫn luôn tôn vinh, chia sẻ khó khăn và đồng hành với cộng đồng DN Quảng Nam. Những thông tin về “sức khỏe DN” được Sở KH&ĐT công bố như những giọt nước làm đầy thêm bức tranh khó khăn hiện tại của nền kinh tế, lại giống như những lời kêu gọi thương giới Quảng Nam nâng cao khả năng đương đầu với những nghiệt ngã trên thương trường để đi đến thành công. Con số 1.224 DN “bị” thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng chỉ là một cuộc sàng lọc, giữ lại đội ngũ doanh nhân đủ sức cạnh tranh để vẽ nên bức tranh thương giới Quảng Nam trong hiện tại. Bởi bên cạnh sự “mất đi” vẫn còn đến 4.468 DN hoạt động, tiếp tục đóng góp vào ngân sách nhà nước và nêu cao trách nhiệm xã hội của doanh nhân thông qua hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó...
Doanh nhân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng hình ảnh thương giới Quảng Nam. |
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những gì mà một nền kinh tế bé nhỏ như Quảng Nam mong đợi khi không nhiều ý kiến phát biểu của doanh nhân trong ngày gặp mặt nói về trách nhiệm, về khả năng vượt bão, tạo ra sự khác biệt để chinh phục thị trường và nuôi dưỡng khát vọng Quảng Nam. Khát vọng ấy không thể thiếu doanh nhân bản lĩnh, sáng tạo, đầy đủ “Tâm - Tài - Trí - Dũng” trên sân chơi toàn cầu. Ngay tại cuộc gặp mặt hàng trăm doanh nhân chiều 11.10 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh nói chính quyền sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, môi trường luật pháp và tạo dựng niềm tin. Những lời hứa về chính sách sẽ nhanh chóng được thực thi, áp dụng cụ thể vào đời sống để tạo lực cho nền kinh tế… ấy có thể được xem như một lời hiệu triệu cộng đồng doanh nhân. Còn doanh nhân sẽ làm gì để thực hiện sự “ưu ái” đó của chính quyền và người dân mới là điều quan trọng.
2. Xã hội rất cần những con người mang theo khát vọng mới - khát vọng đua tranh cùng thế giới. Ở đó có những giọt nước mắt đắng cay, mặn chát sau những quyết định sai lầm hay đón trượt thời cơ nhưng doanh nhân phải là những người sẵn sàng biết chấp nhận thất bại để thức nhận lại mình, tiếp tục nuôi dưỡng ý chí làm giàu. Lịch sử kinh thương Quảng Nam cũng đã cho thấy rằng vào những năm đầu của thế kỷ XX, chủ thuyết duy tân của chí sĩ Phan Châu Trinh đã hun đúc tinh thần doanh nhân Quảng Nam, Việt Nam. Tam Kỳ, quê hương chí sĩ đã trở thành đại bản doanh cải cách theo trào lưu mới. Phong trào Chấn dân khí - Khai dân trí - Hậu dân sinh đã kéo các trí thức, nông dân gia nhập đội ngũ doanh nhân, mở đường đi khai hoang, lập dinh điền, trồng dâu, nuôi tằm, lập các thương hội, lo chuyện “hậu dân sinh” cứu dân khỏi vòng nô lệ. Những cái tên như hợp thương Diên Phong, hiệp thương Công ty Hội An và thương học công ty ở Tiên Phước đã sáng danh trên bản đồ thương giới Việt, ra tận nước ngoài. Nghề dệt phát triển đưa Quảng Nam trở thành cái nôi của các hội buôn. Chí sĩ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cùng vài chí sĩ khác mở rộng kinh doanh tới tận Phan Thiết bằng một công ty nước mắm Liên Thành.
Liệu tinh thần doanh nhân Việt Nam hay của Quảng Nam nhỏ bé đầu thế kỷ XX là tinh thần “chấn dân khí” khi đưa ngọn đuốc canh tân vào kinh thương để cứu quốc chứ không đơn thuần chỉ là một sự bươn chải trên thương trường để trục lợi… có mang lại bài học “mới mẻ” gì cho thương giới Quảng Nam hay không? Liệu những ai trong số gần 4.500 người được xã hội khoác lên mình chiếc áo doanh nhân đầy vinh quang nhưng cũng đầy trách nhiệm ấy có thể “xứng danh” với tư tưởng và khát vọng của những nhà kinh thương thuở trước? Tuy nhiên, sự ủng hộ của xã hội và cả hệ thống chính trị, từ thể chế đồng bộ, minh bạch, các chính sách khả thi và hiệu lực… chính là cơ hội để giới DN và doanh nhân định hình vị thế của Quảng Nam trên bản đồ thương giới Việt Nam. Ai sẽ là người góp phần cho thương giới nuôi dưỡng khát vọng xóa bỏ những “phi đội thuyền nan” để xây dựng nên một thương hiệu Quảng Nam, miền Trung đến thương hiệu quốc gia và mơ ước một ngày ghi tên vào danh sách doanh nhân của khu vực và thế giới? Liệu “doanh nhân” Quảng Nam có buồn không khi không có một DN nào tại Quảng Nam lọt vào vòng chung khảo của giải thưởng Sao Vàng Đất Việt năm 2013 hay sản phẩm Quảng Nam vẫn mù tăm trong biển hàng hóa Việt Nam? Những câu hỏi đó có đau đáu trong lòng mỗi ông chủ DN không chỉ một ngày 13.10 hàng năm mà trong tất cả chuỗi ngày lăn lộn trên sóng gió thương trường để thức nhận ra một điều và không thể nhầm lẫn một cách đơn giản là chỉ bỏ tiền ra lập công ty, đăng ký thành lập DN, đóng góp ngân sách hay làm từ thiện “kha khá” là mặc nhiên khoác áo doanh nhân…
NHẬT PHONG