Tận mắt chứng kiến và nghe những âm thanh trong trẻo phát ra từ nhạc cụ có tên là “trống trời”, hẳn ai cũng sẽ ngưỡng mộ đôi bàn tay tài hoa của người tạo ra nó.
Ông Phạm Như Khoa - một người Pháp gốc Việt đang sinh sống tại TP.Hội An - chủ nhân của những chiếc trống trời say sưa với điệu nhạc của trống. Đây là một loại nhạc cụ có từ 7 - 21 nốt nhạc. Điều đặc biệt, những bộ trống trời này có thể mô phỏng đầy đủ các nốt nhạc của các loại nhạc cụ khác nhau như ghi ta, bộ nhạc cụ của người Trung Quốc, Nhật Bản... một cách tài tình.
Ông Khoa đang chơi nhạc cụ “trống trời” của mình tại quán cà phê An Niệm, Hội An. Ảnh: PV |
Thứ nhạc cụ mà ông Phạm Như Khoa tạo ra có một điều đặc biệt là bất kỳ ai cũng có thể chơi nó. Gần 2 năm nay, người dân phố cổ đã quen thuộc với hình ảnh người đàn ông với đôi chân không bình thường đi chập chững dạo quanh các tuyến đường trong khu phố cổ, giới thiệu những sản phẩm âm nhạc do chính mình sáng tạo. Lúc chúng tôi đến nhà, ông Như Khoa đang miệt mài sáng tạo bộ nốt nhạc để làm một chiếc trống trời mới. Cơ duyên đến với Hội An của ông thật bất ngờ, trong một lần về Việt Nam thăm quê, ông được người bạn dẫn đến Hội An du lịch, thấy cảnh sắc và con người nơi đây, ông yêu Hội An say đắm từ đó, và quyết định trở lại Hội An để sinh sống và làm việc. Bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông chính là quyết định bán công ty phần mềm máy tính ở Pháp của mình để về với Hội An. “Cuộc đời thật trớ trêu, lúc tôi có nhiều tiền nhưng sức khỏe của tôi lại yếu dần do lúc chín tuổi đã hít phải chất độc da cam chiến tranh Việt Nam, vì quá sợ hãi mẹ tôi phải đưa tôi sang Pháp để chữa trị nhưng không thể hết, giờ tôi chỉ uống thuốc để kiềm lại căn bệnh. Hiện tại, do ảnh hưởng của chất độc, đôi chân của tôi rất yếu, đi lại rất khó khăn nhưng ông trời lại phú cho tôi đôi tai tuyệt vời để cảm thụ âm nhạc, tôi dùng nó để sáng tạo ra nhạc cụ và đặt tên cho nó là “trống trời”- ông Khoa nói. Lý giải vì sao đặt tên là trống trời, ông Khoa hóm hỉnh, bởi vì tất cả nguyên liệu được lấy từ vỏ bom, thép chiến tranh... được thả từ trên trời xuống. Giờ thì những sản phẩm này của ông đem lại niềm vui âm nhạc cho cuộc sống của mọi người. “Giờ chỉ mong trời cho mình sức khỏe để thỏa sức sáng tạo những sản phẩm đem niềm vui vào cuộc sống cho mọi người”- ông nói.
Say sưa cùng với du khách bằng nhạc cụ “trống trời”. |
Ông cho biết: “Những cái “trống trời” đầu tiên ra đời từ ý tưởng khi trong nhà ông có những chiếc thùng, ông dùng nó để đánh nhạc chơi cho vui, lúc này ông nảy ý tưởng làm nhạc cụ bằng thép, gỗ, ông tiến hành làm ngay và đứa con tinh thần đầu tiên của ông ra đời vào đầu năm 2013. Để làm một chiếc trống trời đòi hỏi nhiều kỳ công, ban đầu phải sáng tạo từng bộ nốt cho nhạc cụ, mỗi trống trời có một bộ nốt nhạc riêng. Sau đó ông đến làng đúc đồng Phước Kiều đặt hàng cho đúng chất liệu. Ban đầu rất nhiều sản phẩm bị hỏng do phải thử nghiệm âm thanh sao cho đúng với các nốt nhạc của nhạc cụ... Việc làm đàn đối với ông Khoa trở thành cái thú say mê mà nhiều lúc ông không dứt ra được. Tuy nhiên, làm “trống trời” không giống như các công việc bình thường khác, ngoài việc có thời gian, có công thức thì còn phải có “cảm hứng” và theo ông Khoa thì cảm hứng chính là thứ quan trọng nhất. “Làm trống cũng giống như làm nghệ thuật vậy, những nơi ồn ào, hỗn tạp thì không thể làm được; tôi thường nhốt mình trong không gian thật sự yên tĩnh hoặc ngồi một quán cà phê nào đó có nhạc du dương mới có cảm hứng để sáng tạo bộ nốt nhạc để có thể tạo nên một chiếc trống trời. Việc tạo nốt nhạc cho “trống trời” sao cho đúng rất khó nên có lúc tôi phải cùng làm việc với nghệ nhân làng đúc đồng Phước Kiều tới tận khuya, ra sản phẩm mà âm thanh không ưng ý, phải bỏ và làm lại hết, vất vả lắm”- ông cười hiền cho biết.
Hiện tại ông đã làm được khoảng hơn 100 trống trời, bán cho những người yêu nhạc ở Sài Gòn, Hà Nội và cả nước ngoài. Ông Jean Cabane, người Đan Mạch, một khách hàng quen thuộc của ông Như Khoa nói: “Vì yêu quý những loại nhạc cụ của ông Khoa mà tôi đã đặt mua để trưng bày ở quán cà phê của tôi ở Đan Mạch. Những sản phẩm âm nhạc này có một sức hút kỳ lạ đối với không chỉ tôi mà cả khách hàng ở quán cà phê của tôi. Bởi họ không cần phải biết chơi nhạc nhưng vẫn có thể ngẫu hứng đánh ra được những âm thanh trong ngần độc đáo, đem lại sự thích thú cho người chơi. Tôi phải đợi 6 tháng mới có thể có được sản phẩm này”.
Ngoài “trống trời”, ông Khoa đang cho ra đời các sản phẩm có thể đánh tất cả bài hát và những sản phẩm của ông không chỉ có trống trời bằng thép, gỗ mà còn có cả đàn t’rưng cách điệu bằng tre, kèn bằng cây gỗ... “Sau này sản phẩm “trống trời” có đi khắp đất nước, hoặc thế giới thì các sản phẩm này đều mang trên mình “made in Hội An”. Tôi muốn mình có thể để lại một chút gì đó của bản thân góp thêm nét đẹp cho Hội An”- ông Khoa mong muốn.
PHONG VÂN