Độc đáo tục klau đơ nhĩ clo cốt

NGUYỄN VĂN SƠN 03/09/2017 07:45

Theo nếp xưa, cô gái Triêng mới cưới, trước khi về ở hẳn bên nhà chồng, cô thường làm bánh đót biếu mẹ chồng và gia đình nhà chồng. Người Triêng gọi tục này là “klau đơ nhĩ clo cốt” hàm ý nói về lòng thành kính, sự hiếu thảo và tỏ rõ phận sự thể hiện của con dâu với mẹ chồng.

Bánh đót khi được cô con dâu mới cưới biếu, đã được người thân và anh em bên nhà chồng đón nhận như một tình cảm chân thành.  Ảnh: N.V.S
Bánh đót khi được cô con dâu mới cưới biếu, đã được người thân và anh em bên nhà chồng đón nhận như một tình cảm chân thành. Ảnh: N.V.S

Người Triêng là tộc người thuộc nhóm địa phương Giẻ Triêng, là cư dân sinh sống lâu đời tại huyện miền núi Nam Giang. Đây là tộc người có bề dày về văn hóa truyền thống, đến nay họ còn giữ được khá nhiều phong tục tập quán hay trong cuộc sống. Theo phong tục cổ truyền, người Triêng sau lễ cưới họ chưa vội có con ngay mà lo làm việc để phụ giúp hai bên gia đình. Trong thời gian 1 - 2 năm, người con gái Triêng có thể tự do về ngủ ở nhà mẹ đẻ hoặc nhà chồng. Thời gian ngủ ở nhà chồng từ tháng 3 đến tháng 8 (âm lịch), cô con dâu thường lên rẫy phụ giúp cho gia đình nhà chồng làm cỏ, gieo trồng, vào rừng bẻ măng, xuống suối bắt cá... Thời gian ở nhà mẹ đẻ khoảng từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 (âm lịch) năm sau. Sau khi thu hoạch xong lúa mùa vào khoảng tháng 10 âm lịch, đây chính là thời gian mà mỗi năm, vào dịp làng ăn mừng lúa mới và Tết Cha-kcha cổ truyền của người Triêng, cô con dâu tự tay mình giã gạo lúa mới, vào rừng hái lá đót về gói bánh.

Tùy thuộc khả năng kinh tế, sự hiếu thảo của cô dâu và cũng tùy theo số thành viên anh em nhà chồng mà số bánh đem biếu có thể nhiều ít khác nhau. Nhìn chung, họ thường giã rất nhiều gạo, thứ gạo rẫy màu đỏ khi ăn có vị ngọt đậm, béo, nhà ít cũng phải giã 1 gùi bánh (chừng 20 - 25kg), nhà nhiều phải giã tới 2 - 3 gùi bánh. Khi mọi việc xong đâu đó, người mẹ xếp từng cặp bánh đót vào gùi để con gái và anh chị chuẩn bị cùng đưa sang biếu thông gia. Theo đó, thường cô con dâu biếu bố mẹ chồng chừng 50 - 100 cặp bánh đót, anh em trai của chồng mỗi người chừng 20 - 30 cặp, chị em gái chồng, cô, cậu, chú, bác của chồng mỗi người chừng 10 - 20 cặp bánh. Chính vì vậy, nếu gia đình khá giả và anh em nhà chồng lại đông, có khi gia đình nhà cô dâu phải giã, gói tới vài trăm cặp bánh.

Con dâu Triêng chuẩn bị thịt và bánh trước khi về nhà mẹ chồng.
Con dâu Triêng chuẩn bị thịt và bánh trước khi về nhà mẹ chồng.

Theo phong tục cổ truyền, ngoài bánh đót ra họ còn phải mang thêm một gùi gạo chừng 40kg đến biếu gia đình nhà chồng. Khi cô con dâu và gia đình nhà gái đến, thường được nhà chồng đón tiếp thịnh soạn, được mời cơm, rượu, thịt và khi ra về thường được nhà chồng biếu lại các loại thịt khô: chim, nai, mang, chuột, sóc, thịt heo, gà và đôi khi có quần áo cho bố mẹ và các em nhỏ của cô con dâu. Tục giã gạo làm bánh và biếu bánh đót cho nhà chồng của các cô dâu mới cưới người Triêng đã làm cho hai gia đình thông gia thêm gắn bó, tình cảm thêm thân mật, gần gũi. Việc giã gạo làm bánh cho nhà chồng của cô dâu mới cưới thường kéo dài từ 2 đến 3 năm. Tới khi đứa con đầu lòng được sinh ra, đôi vợ chồng sẽ chuyển đến ở hẳn bên nhà chồng tùy theo quyết định của họ. Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng người Triêng làm nhà và xin phép cha mẹ ra ở theo hộ riêng, thì việc gói bánh đót này mới thôi.

Vào dịp lễ ăn mừng lúa mới, lễ hội Choóc đăil, hay Tết Nguyên đán, đến các bản làng người Triêng huyện Nam Giang, từ Đắk Tàvâng, Kông Tơrơng (xã Đắk Tôi) qua Đắk Rế, Đắk Ro, Đắk Ốc, Đắk Chờđây (xã La Dêê), rồi ngược lên một số làng lân cận Pa Lang, Pa OOi, Đắk Ngol (xã La Êê), và Côn Zốt 1, Côn Zốt 2 và A Sò (xã Chơ Chun), giáp biên giới với nước bạn Lào, ta thường nghe thậm thịch rộn rã đâu đó trong làng tiếng chày giã gạo làm bánh đót của các gia đình có con gái mới bắt chồng. Vào thăm các gia đình trong làng, ta thấy rất nhiều nhà có bánh đặt trên bàn, trên giàn bếp. Đó có thể là những gia đình có con trai mới lấy vợ, hoặc là anh em, bà con bên chồng của cô dâu mới cưới, hoặc là bánh của người được biếu đem cho, biếu lại bà con, bạn bè, anh em, người thân ăn lấy thảo, lấy tình.

Tục làm bánh đót biếu mẹ chồng là nét đẹp trong phong tục cưới hỏi, là vốn văn hóa khá độc đáo trong nếp sống gia đình của người Triêng huyện vùng cao Nam Giang, cần được bảo tồn, gìn giữ.

NGUYỄN VĂN SƠN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Độc đáo tục klau đơ nhĩ clo cốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO