Các giá trị văn hóa Việt ngày càng được khẳng định ở Tụy Tiên đường Minh Hương – một kiến trúc độc đáo do người Hoa xây dựng ở Hội An. Đặc sắc hơn, các giá trị truyền thống ngày càng đồng hành trong nhịp sống đương đại.
Ông Trương Dư Tuấn, Ban Trị sự Tụy Tiên đường Minh Hương cho biết, dù trải qua nhiều lần trùng tu, phục hồi nhưng Tụy Tiên đường vẫn giữ nguyên được vẻ thanh thoát tao nhã mà uy dũng trang nghiêm. Không phải ngẫu nhiên mà Tụy Tiên đường được xem là một di tích biểu trưng cho quá trình tiếp biến văn hóa sâu sắc ở vùng đất là đô thị cổ - thương cảng Hội An.
Lễ tế xuân ở Tụy Tiên đường Minh Hương. Ảnh: QUANG VIỆT |
Giữa thế kỷ XVII ở Trung Quốc, nhà Thanh (1616 - 1911) thay nhà Minh (1368 - 1644) cai quản đất nước. Các cựu thần không chịu khuất phục đã di tản ra nước ngoài. Họ đã dong buồm vượt biển đến Việt Nam xin thần phục chúa Nguyễn. Chúa đón nhận và cho họ lập làng, đặt tên là Minh Hương, ở thương cảng Hội An. Theo văn bia lập từ thời vua Duy Tân năm thứ hai (1908) tại đình tiền hiền Minh Hương có thể nhận biết, Tụy Tiên đường Minh Hương được xây dựng vào năm 1820 ở khu đất của miếu Văn thánh Minh Hương nhằm tôn vinh, thờ tự các bậc khai sáng, mở mang làng Minh Hương. Tụy Tiên đường được trùng tu lần đầu vào năm 1848. Đến năm 1906, xã Minh Hương cho di dời miếu Minh Văn thờ Đế Quân được lập từ năm 1853 tại đất Trà Nhiêu về dựng ở góc phía trước đình tiền hiền Minh Hương. Năm 1940, xã Minh Hương tiếp tục trùng tu lần thứ 3, di chuyển miếu Minh Văn sang nhà tây phía sau, gắn hai văn bia của miếu Minh Văn vào nhà đông phía trước đồng thời xây thêm 2 nhà làm việc, tu sửa mái hiên chính điện. Vào các năm 2004 và 2008, có thêm 2 đợt đại trùng tu ở Tụy Tiên đường.
Hiện tại, Tụy Tiên đường Minh Hương ở số 14 Trần Phú, TP.Hội An, thờ bài vị Minh Hương, thờ lục tánh Minh Hương, thờ tam gia, sư Huệ Hồng… Về kiến trúc, có tiền đình, gian giữa, hậu tẩm, nhà đông, nhà tây, tam quan và bình phong. Tụy Tiên đường được xây dựng với tường gạch dày, hệ khung chịu lực bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương; Cột là cột tròn, hệ vì kèo kiểu trính chồng trụ đội; Hệ cửa trước tiền đình cấu tạo theo kiểu “thượng song hạ bản”.
Tặng quà cho người nghèo. |
Sau khi sang Việt Nam, các cựu thần nhà Minh là Ngụy, Trang, Ngô, Thiệu, Hứa, Ngũ… đã trồng dâu, lập địa bộ, khai khẩn đất hoang, lấy đất bồi làm khu dân cư¬, mở cửa hàng để tập họp buôn bán, xây các đền, chùa để trang nghiêm thờ cúng. Theo tiến trình lịch sử Việt Nam, người Hoa ngày càng gắn bó sâu sắc và thấm nhuần các tập tục của người Việt. Theo ông Trương Dư Tuấn, các văn bia còn được giữ tại Tụy Tiên đường đã chứng minh rằng tục cúng tế xuân, thu nhị kỳ vẫn còn được lưu giữ đến nay. Đơn khởi như tục tế xuân được tổ chức long trọng mỗi năm vào ngày 12.2 âm lịch hằng năm. Trước đó, lễ cúng âm linh được tổ chức vào ngày 11.2, gồm có thỉnh tro, đàn rước, lễ túc với sự tham gia nghi lễ của các hình thức nhạc bả trạo, chiêng, trống, thanh la… hết sức rình rang. Tối ngày 11.2, ở phần lễ có náo nức các trò chơi dân gian thuần Việt như hát bộ, hô hát bài chòi. Sang ngày 12.2, phần tế xuân được bắt đầu vào khoảng 10h. Tiếp đến là phần giỗ tổ tiền hiền có sự tham gia của nhiều hình thức tế văn, học trò gia lễ. Sau đó là lễ dâng hương và kết thúc phần lễ chính. Buổi chiều ngày 12.2, phần hội được diễn ra hết sức ấm cúng và trang trọng, bắt đầu bằng lời chúc mừng năm mới của Ban Trị sự. Sau đó là mừng thọ các bậc cao niên, xổ số may mắn đầu năm, hát hò khoan, múa lân rộn ràng. Lễ tế xuân ở Tụy Tiên đường Minh Hương kết thúc bằng việc phát quà cho người nghèo, cơ nhỡ...
Tụy Tiên đường Minh Hương được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa vào ngày 29.3.1993. Là một trong những điểm đến lý tưởng của du khách khi tham quan đô thị cổ Hội An đã minh chứng cho các giá trị truyền thống ngày càng được phát huy ở thành phố là di sản của thế giới.
NGUYỄN QUANG VIỆT