Đọc “Phác họa chân dung một thế hệ”

VĂN SANH 29/04/2013 09:22

Đà Nẵng, Huế... những ngày ấy có những người trẻ tuổi sống thác loạn, nhưng cũng có những thanh niên, sinh viên - học sinh (SVHS), văn nghệ sĩ, trí thức yêu nước, không cam chịu cuộc sống nô lệ đã “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975. Đó là nội dung cuốn “Phác họa chân dung một thế hệ” của Tần Hoài Dạ Vũ và Nguyễn Đông Nhật, do Nhà xuất bản Trẻ TP.Hồ Chí Minh phối hợp với trường Đại học Duy Tân vừa xuất bản.

ĐẦU tiên, phải công nhận đây là một trong những nỗ lực ghi chép lịch sử  của chính những “người trong cuộc”: Tần Hoài Dạ Vũ (Nguyễn Văn Bổn) và Nguyễn Đông Nhật, là anh em ruột (quê Giao Thủy, Đại Lộc) cũng như lớp thanh niên, SVHS trưởng thành sau thập niên 1960. Họ là những người tham gia phong trào tranh đấu công khai của tuổi trẻ miền Trung trong lòng đô thị miền Nam từ năm 1954 đến 1975. Có thể nói, đây là một trong những giai đoạn bi tráng và hào hùng nhất trong lịch sử giành độc lập của dân tộc.

Với tư cách là những “chứng nhân của lịch sử”, Tần Hoài Dạ Vũ và Nguyễn Đông Nhật đã chọn lựa cẩn thận, sắp xếp, hệ thống, xâu chuỗi các diễn biến của tình thế bằng những tư liệu hoàn toàn trung thực, ngồn ngộn. Những tư liệu ấy được tích hợp từ các nhật báo, tạp chí xuất bản ở Sài Gòn, cả Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Hà Nội và các tin tức thời sự của các hãng thông tấn nước ngoài trong khoảng thời gian đẵng đẵng 20 năm ấy. “Để cho sự kiện có thật nói lên sự thật, tránh được càng nhiều càng tốt những nhận định riêng hoặc thái độ lấy hiện tại đánh giá quá khứ” là cách thể hiện lịch sử khách quan như các tác giả tâm niệm, điều này đã làm nên giá trị nổi bật của tập sách.

Theo các tác giả, chọn lựa sự kiện như vậy “vì mong muốn duy nhất là trong một chừng mực nào đó, cố gắng phản ánh chân dung của một thế hệ thanh niên, SVHS tham gia phong trào chống Mỹ xâm lược tại các đô thị miền Nam trước năm 1975”. Không chỉ  Sài Gòn mà cả Cần Thơ, Huế - Đà Nẵng, những ngày tháng ấy tràn ngập lối sống Mỹ, văn hóa Mỹ của một bộ phận tuổi trẻ “con ông cháu cha” sống buông thả. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh niên, SVHS đã chọn con đường dấn thân tranh đấu, chấp nhận mọi gian khổ hy sinh để góp phần vào các mục tiêu “Thống nhất - Độc lập - Hòa bình”. Họ đến với lý tưởng cao đẹp để rồi đấu tranh hết mình, không hề so đo tính toán. Họ “đã tìm thấy dân tộc qua làn hơi cay” dù lúc đó họ “đã nhòa nước mắt”. Họ “đã thấm thía thế nào là yêu nước qua những vết bầm từ dùi cui”. Thơ văn tranh đấu sáng tác trong máu lửa, trong vòng thép gai, trí thức khuynh tả bị giam giữ, tù đày tra tấn hết sức dã man. Càng bị tra tấn, giam cầm càng khiến họ thấy rõ bộ mặt dã man của chế độ, càng thúc đẩy họ đứng về phía lực lượng nhân dân và cách mạng. Nói như Lê Công Cơ - một thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào thanh niên, SVHS miền Trung bấy giờ là “họ đã hiến dâng những gì đẹp đẽ, quý báu nhất của tuổi thanh xuân, đặt lên bàn thờ Tổ quốc” (Năm tháng dâng người).

Đáng nói, ở lời giới thiệu cuốn sách xuất bản lần đầu (năm 2007) GS-TS. Trần Hữu Tá đã “không kìm được nước mắt” khi đọc lại “Bản tường trình của 16 sinh viên” công bố ngày 10.7.1970 tố cáo những hành động tra tấn sinh viên dã man theo kiểu thời trung cổ nhưng vô cùng hiện đại của chính quyền Sài Gòn. Còn khi đọc đi đọc lại cuốn sách “Phác họa chân dung một thế hệ” trong 3 đêm không dứt , tôi  “ngộ” được những ẩn chứa ưu tư của lớp trí thức trước thời cuộc bấy giờ và cả những trăn trở hiện nay nữa nhưng vượt lên tất cả là sự lạc quan, trong sáng , tin tưởng vào cách mạng, tin vào tiền đồ xán lạn của dân tộc Việt Nam. Trong sách có những chi tiết đời thường rất “đắt”: “Sau khi bị giam 7 ngày mà thức ăn duy nhất là mắm “bồ hóc” (mắm của Campuchia), lúc được thả ra, được bỏ hạt muối vào miệng, anh thấy cổ họng như tan ra vì... vị ngọt. Mặn hóa thành ngọt, ngọt thành đắng. Điều đó là thực, rất thực”. Hay “Ngày nay, có lẽ không ít người nghi ngờ khi nghe chuyện hai người nam - nữ trẻ tuổi ở chung một căn hầm chật chội (ở rừng) trong nhiều ngày mà “không có gì xảy ra”, đặc biệt là khi họ có cảm tình với nhau”. Các tác giả lý giải: “Không có gì mới mẻ nhưng dễ dàng xác quyết: chính ánh sáng tinh thần với tất cả những gì tốt đẹp của nó đã dẫn chúng tôi vượt thắng được bao nhỏ nhoi đớn hèn để đi trọn con đường mà lịch sử đã đặt trước bàn chân lớp người trẻ tuổi. Chính quyền Mỹ và Sài Gòn đã thua trong cuộc chiến tranh vừa qua vì không hiểu được điều đó”.

Cho dù các tác giả gọi là “Phác họa chân dung một thế hệ”  như “chuyện kể”, nhưng cũng vừa bao quát bối cảnh lịch sử rộng lớn, vừa có cái nhìn đa diện, phân tích chiều sâu, khắc họa  đậm nét tính cách nhiều nhân vật có tên tuổi (Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Phương Thảo, Trần Quang Long, Ngô Kha...). Trong đó còn có cả quần chúng cảm tình cách mạng, cả chân dung nhiều tướng tá Mỹ ngụy... đầy cảm hứng sáng tạo. Tần Hoài Dạ Vũ và Nguyễn Đông Nhật đã chọn bút pháp không giống ai, ngẫu hứng không theo một thể loại thuần nhất nào (có thể tìm thấy trong cuốn sách này đủ các loại hồi ký, ký sự báo chí, bút ký chính luận, xen cả truyện ngắn và  ảnh tư liệu quý hiếm), nhưng đã tái hiện sinh động và chân thực hình ảnh thanh niên, HSSV một thời máu lửa hào hùng, hấp dẫn bạn đọc từ đầu đến cuối, cho dù độ dày 600 trang in dễ làm người ta ngại đọc.

 VĂN SANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đọc “Phác họa chân dung một thế hệ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO