Dốc sức cho vụ đông xuân

NGUYỄN VĂN SỰ 04/12/2013 09:31

Những ngày này, nông dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh hối hả ra đồng cải tạo mặt ruộng bị cát đá bồi lấp, thu gom bèo rác, phát dọn cỏ bờ và tiến hành cày phơi ải đất để chuẩn bị triển khai gieo sạ trà 1 vụ lúa đông xuân 2013-2014 vào ngày 25.12 tới.

Tất tả dọn ruộng, làm đất

Mưa lất phất, cái lạnh như cứa vào da thịt nhưng bà Lưu Thị Nhẫn (thôn Thạnh Mỹ, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) vẫn mang tơi đội nón hì hục lôi những mảng bèo lớn ra khỏi mấy đám ruộng trên cánh đồng Phú Thạnh. Do nằm ở vùng trũng thấp nên trong cơn lũ dữ vừa qua cả 3 sào đất canh tác lúa của bà Nhẫn đều bị bèo phủ kín. Chờ mãi không thấy lụt lại để đẩy bèo đi nên 2 hôm nay bà vác cuốc chĩa ra đồng kéo từng mảng chất lên bờ. Đứng trên đám ruộng của bà Nhẫn nhìn quanh cánh đồng Phú Thạnh và Phù Sa, chúng tôi thấy cả trăm nông dân khác cũng đang lom khom dọn bèo, thu gom rác thải trên hơn 80ha đất sản xuất lúa.

Người dân các vùng lũ khẩn trương thu gom bèo trên mặt ruộng.
Người dân các vùng lũ khẩn trương thu gom bèo trên mặt ruộng.

Mấy đợt lũ lớn liên tiếp xuất hiện khiến gần 2 sào đất canh tác lúa nằm sát sông Quảng Huế của ông Nguyễn Văn Hưng (thôn Thanh Vân, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) bị cát đá bồi lấp nghiêm trọng. Cuối tháng 11 đến nay, ngày nào vợ chồng ông Hưng cũng vác cuốc, xẻng ra đồng cải tạo mặt ruộng. Ông Hưng nói: “Do tôi cải tạo bằng thủ công, trong khi đó mặt ruộng lại bị cát đá bồi lấp với độ dày 0,8 mét nên dù cả tuần nay đã dốc toàn sức nhưng đến giờ này cũng mới chỉ giải phóng được nửa diện tích. Khoảng 20 ngày nữa là bắt tay vào việc gieo sạ, vì thế thời điểm ni phải khẩn trương giải tỏa số diện tích còn lại chứ nếu chậm chạp thì chắc chắn sẽ trễ vụ”. Không riêng ông Hưng, những ngày này về nhiều nơi khác của huyện Đại Lộc chúng tôi thấy hàng trăm nông dân khác cũng đang tất tả cải tạo mặt ruộng bị sa mạc hóa. Ông Hồ Ngọc Mẫn – Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết, trong các cơn lũ vừa qua trên địa bàn huyện có ít nhất 55ha đất canh tác lúa và chuyên canh rau màu bị cát đá bồi lấp 0,4 - 1,5 mét, tập trung nhiều nhất tại xã Đại Cường, Đại Hưng, Đại Nghĩa. Ông Mẫn nói: “Trong số diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp, thời gian qua nông dân đã giải phóng được 30ha, ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương đang tích cực vận động người dân tập trung cải tạo 25ha còn lại, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15.12 để tiến hành cày ải chuẩn bị cho việc gieo trồng vụ đông xuân”.

Ngành nông nghiệp Duy Xuyên gấp rút chuyển giống lúa về hỗ trợ cho dân. Ảnh: VĂN SỰ
Ngành nông nghiệp Duy Xuyên gấp rút chuyển giống lúa về hỗ trợ cho dân. Ảnh: VĂN SỰ

Tuy không bị cát đá bồi lấp, bèo rác phủ mặt ruộng nghiêm trọng như những vùng rốn lũ ở một số địa phương thuộc khu vực phía bắc của tỉnh nhưng thời điểm này nông dân Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức... cũng hối hả ra đồng phát dọn cỏ bờ, cày phơi ải đất. Dù còn 1 tháng nữa ông Lê Văn Phụng (thôn An Mỹ 2, xã Tam An, huyện Phú Ninh) mới tiến hành gieo sạ 4 sào lúa trong trà 2 nhưng bây giờ ông đã đánh trâu ra ruộng cày phơi ải. Ông Phụng chia sẻ: “Do rầy nâu, sâu cuốn lá, bọ trĩ, bệnh đạo ôn bùng phát mạnh nên vụ hè thu 2013 vừa rồi 4 sào lúa của tôi cho năng suất rất thấp. Để không lặp lại chuyện buồn đó, chừ tôi phải khẩn trương cày phơi ải đất và rải vôi bột quanh ruộng nhằm cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ. Đông xuân là vụ sản xuất chính, nếu để các loại sâu bệnh nguy hiểm hoành hành, mất mùa là đồng nghĩa với thiếu đói”.

Tiếp sức cho nhà nông

Theo ông Phạm Đình Thành – Trưởng phòng Kế hoạch & tài chính Sở NN&PTNT, ngành nông nghiệp tỉnh vừa hỗ trợ 18 huyện, thành phố tổng cộng 400 tấn giống lúa, 20 tấn giống bắp, 10 tấn hạt giống rau các loại để khẩn trương cấp phát cho nông dân gieo trồng vụ đông xuân.

Vụ đông xuân 2013-2014 nông dân trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện Duy Xuyên sẽ tổ chức gieo sạ 3.800ha lúa. Theo ông Huỳnh Văn Ánh – Chuyên viên phòng NN&PTNT Duy Xuyên, để sản xuất hết số diện tích lúa vừa nêu, cần khoảng 260 tấn giống lúa thuần và lúa lai. Do bão lũ gây thiệt hại nặng nề nên hiện nay không ít gia đình ở địa phương này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư kinh phí mua giống và các loại vật tư thiết yếu khác. Ông Ánh nói: “Trước tình hình trên, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, chúng tôi đang huy động tối đa lực lượng khẩn trương đưa 42 tấn giống lúa trung ngày và ngắn ngày gồm OM6976, RVT, OM4900 về cơ sở để tiến hành cấp phát cho nông dân. Trong đó, chủ yếu ưu tiên cho những hộ nghèo, cận nghèo và bị thiệt hại do thiên tai gây ra”. Ông Ánh cho biết thêm, ngoài nguồn do tỉnh chi viện, huyện Duy Xuyên chi 200 triệu đồng để trợ giá giống lúa cho nhà nông. Theo đó, vụ này ngành nông nghiệp huyện triển khai xây dựng một số cánh đồng mẫu lớn tại các xã Duy Vinh, Duy Thành, Duy Phước, Duy Trung, Duy Trinh, Duy Hòa, Duy Thu, Duy Tân, Duy Châu, Duy Sơn và thị trấn Nam Phước với tổng diện tích 250ha đất. Toàn bộ số diện tích này chỉ sử dụng duy nhất loại giống lúa lai Xuyên Hương 178. Hiện nay, giống lúa lai Xuyên Hương 178 có giá 92.000 đồng/kg, khi nông dân mua sẽ được ngân sách huyện hỗ trợ 20.000 đồng. Cạnh đó, doanh nghiệp cung ứng loại giống lúa này cũng đã quyết định hỗ trợ người dân với mức 9.200 đồng/kg. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài chuyện hỗ trợ và trợ giá giống lúa, những ngày gần đây các đơn vị liên quan ở Duy Xuyên cũng đã đưa 2 tấn hạt giống bắp nếp HN88 và 800kg hạt rau cải về cơ sở cấp cho dân.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, vụ đông xuân này toàn tỉnh sẽ triển khai xuống giống 42.500ha lúa. Trong đó, 70% diện tích cơ cấu nhóm giống chủ lực như: TBR45, OM4900, BC15, HT1, PC6, Khang dân đột biến hoặc Khang dân 18; còn lại 30% diện tích sẽ sử dụng nhóm giống bổ sung gồm: Xi23, 13/2, Q.Nam1, CH207, TBR36, OM6976, Nhị ưu 838, BTE-1, CNR6206, Xuyên Hương 178, TH3-3, Syn6, TEJ vàng. Theo ông Muộn, việc gieo sạ bắt đầu từ ngày 25.12.2013 và kết thúc vào 10.1.2014.

Theo ông Huỳnh Ngọc Thiệu – Trưởng phòng NN&PTNT Bắc Trà My, vụ đông xuân tới toàn huyện sẽ xuống giống 785ha lúa, 450ha bắp và hàng trăm héc ta rau màu các loại. Những ngày này, bên cạnh việc vận động nhân dân tập trung cải tạo 25ha đất sản xuất bị cát đá bồi lấp nặng (chủ yếu ở xã Trà Dương, Trà Đông, Trà Nú, Trà Kót), ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương cũng thường xuyên khuyến cáo nông dân nhanh chóng ra quân phát dọn cỏ dại, lúa nách, tiến hành cày phơi ải đất để chủ động cắt cầu nối sâu bệnh. Ông Thiệu cho biết, ngoài việc khẩn trương cấp phát 10 tấn giống lúa, 350kg hạt giống rau cho nông dân từ nguồn chi viện của tỉnh, ngân sách huyện Bắc Trà My cũng đã chi 787 triệu đồng mua thêm 34 tấn giống lúa, 3,3 tấn giống bắp, 882kg hạt giống rau về hỗ trợ cho người dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến những hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các gia đình nghèo khó.

Còn tại vùng rốn lũ Đại Lộc, ông Hồ Ngọc Mẫn – Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho hay, cách đây khoảng một  tuần các ngành chức năng của địa phương đã chuyển toàn bộ 60 tấn giống lúa (30 tấn giống OM6976, 20 tấn giống OM4900, 10 tấn giống RVT) và 870kg hạt giống rau do tỉnh hỗ trợ về 18 xã, thị trấn để tiến hành cấp phát cho hàng nghìn hộ dân chuẩn bị gieo trồng vụ đông xuân. Trong khi đó, các đơn vị liên quan ở huyện Điện Bàn cũng đang tích cực phân bổ 54 tấn giống lúa, 2 tấn bắp nếp giống, 1,1 tấn hạt giống rau cho chính quyền cơ sở để kịp thời tiếp sức cho nông dân. Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng NN&PTNT Điện Bàn nói: “Hiện nay, chúng tôi đang gấp rút chuyển lượng giống vừa nêu về 20 xã, thị trấn, chậm nhất là đến ngày 15.12 những hộ dân nằm trong diện hỗ trợ sẽ nhận được giống”.

NGUYỄN VĂN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dốc sức cho vụ đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO