Không quân hàm, không quân hiệu, không quân phục, chỉ bằng ý chí cách mạng, lòng yêu nước, những chiến sĩ Đội Biệt động Hội An năm xưa đã chiến đấu, hy sinh tuổi thanh xuân của mình để rồi hôm nay nhìn lại năm tháng đã qua lòng vẫn ngập tràn tự hào, không hề hối tiếc.
Những chiến công thầm lặng
Tháng 4.1966 dưới sự lãnh đạo của Thị ủy Hội An, trực tiếp là Phó Bí thư Thị ủy Trương Minh Lượng, Đội Biệt động Hội An được thành lập, khởi đầu có 9 người và 3 cơ sở. Đến năm 1967 đội đã có hơn 50 thành viên, hầu hết là người nghèo khổ làm đủ nghề thợ mộc, thợ nề, làm thuê gánh mướn, xe thồ, xích lô, người bán rau hành, quét chợ… Đội Biệt động có nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân; lập hồ sơ các căn cứ quân sự và cơ quan đầu não của Mỹ và chế độ tay sai; xây dựng cơ sở biệt động lớn mạnh, kết nạp thanh niên, học sinh yêu nước vào tổ chức đội; độc lập đánh địch; tổ chức ám sát và tiêu diệt những tên ác ôn có nợ máu; vận động nhân dân nổi dậy đấu tranh chính trị… Đặc biệt, với phương châm tự cung tự cấp, lấy vũ khí địch đánh địch, dùng địch giết địch, đội đã chia quân số thành nhiều tổ, trú nhiều địa điểm, liên tục đặt mìn, ném lựu đạn, diệt xe quân sự, phá cầu, tập kích vào các cơ quan đầu não… gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.
Đội Biệt động Hội An năm xưa hơn 50 thành viên, nay chỉ còn 26 người. |
Qua gần 10 năm hoạt động, Đội Biệt động Hội An đã diệt 37 tên ác ôn; tham gia 21 trận đánh, đặt mìn, ném lựu đạn, tập kích vào cơ quan đầu não của địch diệt 173 tên, phá hủy 11 xe quân sự, trong đó có 2 xe bọc thép, phá hủy 5 cơ quan công sở… Tiêu biểu như trận phục kích ném 10 quả lựu đạn vào Ty Kiến thiết, Ty Điền địa, Đồn quân cảnh tư pháp ngày 5.7.1967 diệt 15 tên địch; hay trận đột nhập vào phòng tên đại tá Mỹ, đặt mìn tự tạo tiêu diệt 2 tình báo Mỹ, làm 5 tên khác bị thương vào ngày 10.5.1967.
Ông Đinh Văn Lời - nguyên Đội trưởng Biệt động Hội An (bên trái) và ông Trang Anh Tuấn xem lại hình ảnh tư liệu của đội năm xưa. |
Ngoài ra, đội còn phối hợp với bộ đội tỉnh Quảng Đà, lực lượng vũ trang Hội An tiến công nhà lao Hội An ngày 14.7.1967 giải thoát hàng trăm tù chính trị… Những trận đánh trên đã gắn liền với tên tuổi các chiến sĩ biệt động Hội An như Đinh Văn Lời, Trang Anh Tuấn, Nguyễn Cho, Nguyễn Dũng, Nguyễn Kim Nhất, Nguyễn Trí, Bùi Sơn Thanh… Những cái tên như “Đặc công ám sát”, “Đặc công Việt cộng”, “Báo đen” là những biệt hiệu của đội và cả cá nhân mà mỗi lần nhắc đến khiến địch kinh hoàng, khiếp sợ. Trong đó, người được địch gọi là “Báo đen” chính là Đội trưởng Biệt động Hội An - Đinh Văn Lời. Từ năm 1964 đến 1968, trước khi bị địch bắt, Đinh Văn Lời đã trực tiếp chỉ huy đánh 15 trận, diệt hơn 100 tên địch, phá hủy 9 xe quân sự, 2 cơ quan đầu não của địch và gây cho địch nhiều tổn thất khác.
Niềm mong mỏi
Chiến tranh đã đi qua, những chiến sĩ biệt động năm xưa trở về cuộc sống đời thường. Với họ, năm tháng chiến đấu đã trở thành ký ức hào hùng của một thời thanh xuân cống hiến. Thỉnh thoảng họ lại gặp mặt nhau để ôn những kỷ niệm của thời trai trẻ rồi tất tả với những mưu sinh. Trong số hơn 50 chiến sĩ biệt động Hội An năm xưa, có 11 người hy sinh, 19 người đã qua đời, nay chỉ còn 26 thành viên, trong đó có đến 21 người là thương binh. Dù không nói ra nhưng trong lòng mỗi chiến sĩ Biệt động Hội An năm xưa nay còn sống vẫn ngổn ngang bao điều trăn trở. Mong mỏi duy nhất của họ là được Nhà nước ghi nhận những đóng góp của đội trong cuộc chiến tranh giải phóng quê hương, đó cũng chính là niềm động viên, an ủi lớn nhất cho những chiến công thầm lặng của họ trong cuộc chiến đã qua. Ông Đinh Văn Lời - nguyên Đội trưởng Biệt động Hội An chia sẻ, không như các chiến sĩ biệt động ở Sài Gòn, Đà Nẵng và các thành phố khác là do quân đội lựa chọn và thành lập đội.
Đội Biệt động Hội An không quân hàm, không quân hiệu, không quân phục, không súng đạn, không phụ cấp, không ba lô mũ võng, không có căn cứ lõm…, mà hoàn toàn tự lực, đi làm thuê làm mướn để kiếm cơm làm biệt động, tự tìm kiếm vũ khí, tự lên kế hoạch để đánh địch. Chính vì vậy, đến nay dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng dường như các chiến sĩ Biệt động Hội An năm xưa vẫn chưa có một “danh phận” hay sự ghi nhận nào bằng hình thức tuyên dương, khen thưởng. Thậm chí, hàng năm các thành viên trong đội muốn gặp mặt cũng phải tự đóng góp kinh phí để tổ chức. “Nhiều đồng chí trước khi qua đời đã nhắn gửi lại cho anh em chúng tôi những lời sau cuối là hãy kiến nghị với Nhà nước về sự cống hiến, hy sinh và những chiến công thầm lặng của anh chị em mình để Đảng, Nhà nước và quân đội biết, nhằm có chế độ chính sách khen thưởng như là sự ghi nhận những đóng góp một phần xương máu vào sự nghiệp giải phóng dân tộc” - ông Lời tâm tư.
Theo ông Trang Anh Tuấn - nguyên Đội phó kiêm Tổ trưởng biệt động cánh bắc Hội An, vì khi xưa đội thuộc Thị ủy quản lý, trực tiếp là các đồng chí Trương Minh Lượng, Nguyễn Phòng, Trần Quang Tính, mà các ông ấy nay đã hy sinh và qua đời hết nên dù nhiều lần anh em cũng có ý kiến nhưng vẫn chưa thấy thành phố trả lời. “Đã hơn 40 năm qua, chúng tôi là những nhân chứng lịch sử, những người trong cuộc đã từng chiến đấu, mặt đối mặt với kẻ thù, vì lý tưởng Cộng sản và lòng yêu nước, ý chí cách mạng. Bây giờ chúng tôi chỉ tha thiết kính đề nghị các cấp lãnh đạo ghi nhận công lao đóng góp của đội và trao tặng danh hiệu xứng đáng” - ông Tuấn nói.
Phải được bù đắp, dù là quá muộn
Ông Nguyễn Văn Trí - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng cho rằng, dù không phải là lực lượng chính quy nhưng những đóng góp thầm lặng của Đội Biệt động Hội An có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp giải phóng quê hương. “Có những lúc không có tổ chức, không có lãnh đạo nhưng họ vẫn hoạt động, lấy súng giặc đánh giặc; ăn cơm nhà đi đánh giặc. Họ cũng bị tù đày, thương tật nên phải được bù đắp dù là đã quá muộn” - ông Trí nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong cuộc hội thảo đề tài nhánh cấp Bộ Quốc phòng về lịch sử lực lượng Biệt động Quân khu 5 trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc diễn ra năm 2015, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã kiến nghị với Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo Cục Tuyên huấn đề xuất Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 5 đội biệt động trong đó có Đội Biệt động Hội An và cá nhân Đội trưởng Đinh Văn Lời. Tuy nhiên, do địa phương chưa làm hồ sơ thủ tục đề nghị nên đến nay vẫn chưa được công nhận.
Ông Trần Ánh - Phó Bí thư Thành ủy Hội An thừa nhận, những đóng góp của Đội Biệt động Hội An trong chiến tranh vẫn chưa được đền đáp xứng đáng, cũng do đội không nằm trong diện gì cả, vì không phải là đơn vị vũ trang chính quy. Hiện tại, ngoài Đội Biệt động, Hội An còn có các Ban Dân y, Đội Hoạt động chính trị nội đô… cũng chưa được khen thưởng, đền đáp xứng đáng. “Sắp tới Thành ủy sẽ giao cho Thành đội phối hợp với các ban ngành liên quan nghiên cứu bổ sung hồ sơ tư liệu cần thiết để đề nghị Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho tập thể và cá nhân Đội Biệt động Hội An” - ông Ánh nói.
VĨNH LỘC