Đời chợ, chợ đời

TRUNG VIỆT 19/12/2015 08:53

Chợ Phú Thuận (Đại Thắng) nằm sát sông, ngó qua bên kia là Duy Xuyên. Nằm ven sông Thu Bồn, đây là chợ quê thuộc loại lớn nhất. Tất nhiên, đúng đó chú. Ông bảo vệ ở chợ gật gù. Nhà ở đây, ông đi làm khắp nơi rồi về làng làm người canh chợ. Coi bộ rảnh. Dựa ngửa cà phê với tôi, thi thoảng đứng lên đi một vòng rồi quay lại. Ông nói ông già ông ngày trước thuộc mẫu người nhàn hạ,  chỉ biết đá banh, đánh bài rồi nhậu. Ở chợ này, thanh niên sướng hơn ở phố, làm lẹt quẹt chi đó rồi chơi, chứ không hì hục mô.

Chợ Phú Thuận. Ảnh: TRUNG VIỆT
Chợ Phú Thuận. Ảnh: TRUNG VIỆT

Tôi đi vài nơi, thấy ở chợ, đàn ông con trai quanh đó có vẻ dân chơi, hiểu biết hơn đám ở nhà đi cày. Nhớ chợ Trà Kiệu, Bàn Thạch, mấy món ăn chơi áo quần xe pháo, tụi cùng lứa như ông cố nội mình, bao giờ cũng “canh trên”, thứ nhất là nó có tiền, thứ hai là chợ vốn là “trung tâm thông tin”, nó lĩnh hội sớm, biết nhiều hơn mình,  nên coi bộ nó trải đời và ưu nhàn sớm hơn. Phú Thuận có chợ lớn, bởi nơi này, nói như mấy ông làm khu kinh tế, là “nằm ở trung lộ bắc - nam”, thì Phú Thuận như là tâm của giao thương thượng - hạ nguồn Thu Bồn. Một ông đưa vợ đi chợ góp chuyện: Hồi Pháp, thắp đèn đi chợ, nó ở Gò Da, đến chừ là dời ba lần, cũng sát sông; nhớ năm đó Pháp thả bom vợ ông phó Nghị chết”. “Có cháy chợ lần mô không?”. Tôi hỏi vì nhớ hồi ở làng, có chợ cháy, rồi mấy năm mới giải phóng ra, nhà tranh san sát, mà lạ, nó hay cháy buổi chiều và ban đêm, đúng y câu đêm đó là “màn trời chiếu đất”, đang đập lúa ngoài đồng thì nghe la “quớ làng cháy nhà”, cả xóm tuôn chạy đến cứu. “Răng không - ông này nói liền - Mỹ, Pháp thả bom xăng, cháy miết, rồi cũng do mấy bà mua bán, cầm đèn quơ cháy, làm phụt dầu cháy,  mà mấy lần nớ, thiệt hại cũng không lớn, chẳng ai chết, bởi chiến tranh, mua tạm bán tạm, của nả có bao nhiêu đâu, chứ bây chừ chú ngó kìa, chật cứng, đủ thứ đồ giá trị, cháy là “móm” luôn”.

Chợ này là nơi giao thương của dân vùng B Đại Lộc, cả Hội An, Duy Xuyên, vùng Tí Sé Dùi Chiêng. Cái câu “mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” là ứng đúng y chang ở đây. Trên nguồn đưa xuống mít, tranh, củi, lá nón, bắp...; dưới này “phát tán” lên hải sản, rau, đường, muối; ngược lên thời chợ tranh thì bán thêm bông, vải, bởi một thời Đại Lộc, Duy Xuyên rộn ràng tơ lụa.  Trong ký ức người già như mấy ông đang ngồi với tôi, thì thuở đó ghe bầu, ghe buồm tấp nập bến nước, đến gần hết thập niên 90 thế kỷ trước cũng đầy ghe cập bến buổi sáng, còn buổi chiều con nít ra nhảy sông tắm, ầm ĩ một khúc sông,  giờ đường sá phong quang rồi nên ghe ít dần, nên mất đi vẻ hữu tình.  Ngay bến sông, thấy 4 bao tải đậu phụng chờ ghe chở lên Quế Lâm, hỏi thì bà chủ nói chở bán cho dân trên nớ làm giống ra tết trỉa đậu, một ký lời chừng 3 ngàn đồng. Ông bảo vệ nhịp cẳng lại gật gù, rằng ở đây mùa ươi làm ăn được lắm, trên kia chở xuống bán ngập chợ, đại lý gom lại, có đứa một mùa lời  2 tỷ, sướng như tiên. Muốn biết mùa màng ra sao, hãy vào chợ quê sẽ rõ, bán theo mùa mà…

Tôi nhớ chuyện cũ ở quê mấy bà đi chợ về hay kể, nên  bật cười hỏi “có lột quần   cắt tóc đánh ghen không?”. “Không có mô - ông bảo vệ cũng cười - Tôi nhớ hồi nớ cực lắm, có bà ở Đại Chánh gánh một gánh sắn xuống bán, mua đùm mắm cái về ăn, không biết răng mà bị lấy mất, bà đứng khóc như cha chết, bà bán mắm thương quá kêu cho một đùm. Cái thời nớ cực mà tình nghĩa lắm, ai đi xin, cứ vào đây, có đứa bồng con khóc nói bị đau nặng hết tiền, rứa là có bà dắt tay đi quanh chợ xin được mớ bạc…”. Xanh, đỏ, tím, vàng, nhạc nhẽo ầm ĩ, nhưng góc chợ kia còn đó gióng, mủng, trẹt, giường bằng tre. Tôi đứng như chôn chân nơi đó. Tre vàng óng, nhớ một thuở chưa xa. Bạn tôi gọi đó là những di sản đã, đang và sẽ mất. Tôi không dám nghĩ nữa, dẫu tin là không mất, bởi “cốt quê” dễ gì tan, nhưng đừng biến chợ quê thành phiên bản của chợ phố khi cứ lâu lâu là bùng ra chuyện quy hoạch chợ kiểu tư duy trên trời, mà quên một điều rằng, lê la, xúm ba xúm bảy, túm tụm giữa đường, đó là chợ quê, là câu chuyện khóc giữa đêm của những kẻ “đi tìm thời gian đã mất” khi một ngày đưa chân về làng cũ, nuốt nỗi nghẹn cứng ngực khi “chợ xưa bến cũ đâu còn nữa - có nghĩa tình chi hỡi cố nhân”, nên chắp tay lạy mấy nhà quy hoạch đừng bán rẻ tuổi thơ của mình, của bao người. Tôi ra bến sông, ngó qua  bên kia là Duy Xuyên, ước, dẫu chính quyền có tiền đi nữa thì cũng đừng làm cầu ở khúc sông này, cứ để ở bên ni bờ ngó qua bên tê bờ là chợ, xúm xít nhau bằng một tiếng gọi đò, dẫu tranh tre nứa lá dần đi vào dĩ vãng, dẫu có khi tiếng kêu chìm tõm xuống trong tiếng rơi bán âm của mái chèo…

TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đời chợ, chợ đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO