Nhiều làng mạc trên địa bàn tỉnh đã “thay da đổi thịt”, nhà cửa được xây dựng khang trang hơn, đời sống nhiều hộ dân trở nên khấm khá từ xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Thôn Thạch Khê, xã Quế Cường, huyện Quế Sơn là vùng quê bán sơn địa, thu nhập của người dân chủ yếu trông chờ vào 2 vụ lúa và 1 vụ màu. Ông Nguyễn Long, trưởng thôn Thạch Khê cho biết, toàn thôn có 290 hộ dân thì đã có tới 35 hộ có người đi xuất khẩu lao động, điển hình có gia đình 4 người cùng đi xuất khẩu lao động. Và gia đình đó không ai khác chính gia đình của ông.
Cả nhà xuất khẩu
Mới cưới nhau chưa được bao lâu, con trai đầu của ông Long là anh Nguyễn Xuân Vũ cùng vợ tham gia XKLĐ tại Hàn Quốc. Tiếp đó, người con trai kế là Nguyễn Xuân Lực cũng theo bước anh trai tiếp tục sang Hàn Quốc lao động, trong khi vợ của Lực là Nguyễn Thị Nguyệt chọn đi XKLĐ tại Nhật Bản. Chị Nguyệt sau 4 năm lao động tại Nhật đã về nước, còn 3 lao động khác của gia đình ông Long vẫn đang lao động tại Hàn Quốc. Theo chị Nguyệt, thị trường Nhật có mức thu nhập khá cao có thể từ 45 đến 60 triệu đồng/tháng nhưng yêu cầu tuyển dụng khắt khe và khoản chi phí theo hợp đồng đưa đi lao động cũng cao hơn. Kinh nghiệm người lao động trước khi đi cần học để có vốn tiếng Nhật giao tiếp và nên biết một nghề để thuận lợi hơn khi XKLĐ tại thị trường này. Còn thị trường Hàn Quốc như lời kể của các con trai ông Long với lao động bình thường lương học việc 12 - 15 triệu đồng/tháng. Khi tay nghề “cứng cáp” mức lương từ 25 đến 35 triệu đồng/tháng. Từ khoản tiền các con gửi về, ông Long đã sắm sửa được nhiều phương tiện sinh hoạt cho gia đình, mua máy gạo, mở xưởng xay xát phục vụ cho bà con trong vùng… rồi mua được cả đất tại TP.Đà Nẵng để chuẩn bị sẵn khi con về thì làm nhà…
Trang trại nuôi heo của anh Nguyễn Ngọc Anh được đầu tư từ tiền đi xuất khẩu lao động. Ảnh: V.TRƯỜNG |
Cũng theo ông Nguyễn Long, “làm ruộng cả năm trời vất vả không bằng thu nhập một tháng đi XKLĐ”, đó là điều hoàn toàn có thật. Điều ông mong muốn, nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ thuận lợi hơn để người dân có điều kiện tham gia XKLĐ không chỉ để giảm nghèo mà còn vươn lên khá giả.
Đến thôn Thọ Tân, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ hỏi về trang trại vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Anh và chị Lê Thị Nguyệt Thanh không ai không biết. Bởi vợ chồng anh được lập nghiệp, đổi đời nhờ vào XKLĐ. Cùng tham gia XKLĐ tại thị trường Hàn Quốc và giờ vợ chồng họ đã có một tổ ấm hạnh phúc và một trang trại chăn nuôi quy mô lớn được đầu tư từ số tiền kiếm được trong thời gian XKLĐ.
Vừa dẫn chúng tôi thăm cơ ngơi trang trại đang đầu tư mở rộng vừa trò chuyện, anh Anh cho biết, trang trại heo của mình được đầu tư xây dựng cách đây mấy năm. Lúc đó anh đang lao động xuất khẩu cùng vợ ở Hàn Quốc. Sau ba năm đưa vợ về quê tổ chức đám cưới anh mới gửi tiền cho ba mẹ đầu tư làm trang trại chăn nuôi. Anh coi đây như thành quả ban đầu những năm tháng XKLĐ ở nước ngoài. Hiện nay anh Anh về hẳn quê nhà nên có điều kiện tiếp tục đầu tư trang trại quy mô lớn hơn. Thông thường bình quân lúc nào trang trại cũng có 10 heo nái, 30 heo thịt. Điều đặc biệt do học được cách thức chăn nuôi ở nước bạn khi đi XKLĐ nên anh Anh đã đầu tư hệ thống bán tự động khâu cho ăn, thức uống cho heo nên tiết giảm khá nhiều công sức trong chăm sóc đàn heo.
Thời gian đến anh Anh dự tính tiếp tục mở rộng trang trại vì điều kiện đất đai ở đây khá rộng rãi và cách xa khu dân cư. Theo tính toán, nguồn thu nhập cũng sẽ tăng lên đáng kể, ít nhất 2 năm nữa nguồn thu gấp rưỡi bây giờ, tức khoảng 150 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Chấn - ba anh Nguyễn Ngọc Anh cho biết, con trai đầu của ông cũng đã đi XKLĐ tại Hàn Quốc trở về mấy năm nay. Nhờ có lưng vốn kha khá nên con ông đang đầu tư kinh doanh ở tỉnh Quảng Ngãi.
Chưa đủ lan tỏa
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nhìn nhận, công tác XKLĐ Quảng Nam đã có những tấm gương, điển hình tốt cần tuyên truyền nhân rộng, song nhìn chung vẫn còn rất khiêm tốn. Để công tác XKLĐ của tỉnh đạt kết quả rất cần sự vào cuộc quyết liệt mà đầu mối là Sở LĐ-TB&XH. Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức, lợi ích của XKLĐ đồng thời giúp họ nắm rõ thông tin về thị trường lao động, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Các doanh nghiệp đầu mối XKLĐ cần làm tốt công tác giáo dục định hướng, dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động cũng như việc giải quyết kịp thời các vướng mắc, rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Có như vậy mới mong công tác XKLĐ đạt kết quả trong thời gian tới. |
Theo Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có hơn 120 lao động đi xuất khẩu trên chỉ tiêu đề ra 300 lao động. Con số này là rất thấp so với các tỉnh thành khác, trong khi nhu cầu XKLĐ của tỉnh khá lớn, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi. Điều thường thấy tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh tổ chức định kỳ hàng tháng rồi việc phối hợp với các địa phương trong tỉnh để tổ chức các sàn giao dịch việc làm lưu động thì số lao động trẻ đến rất đông và bất cứ sàn giao dịch việc làm nào cũng có nhu cầu tuyển lao động đi làm việc nước ngoài. Thế nhưng trái lại, Quảng Nam vẫn “đỏ mắt” tìm người đi XKLĐ.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đang tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác XKLĐ trực tiếp là từ phía chính quyền các địa phương, đơn vị, cơ quan chức năng và cả người lao động. Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, tới đây chúng tôi sẽ quyết liệt chỉ đạo các địa phương phải đặt vấn đề đúng mức cho công tác XKLĐ, vướng đâu gỡ đó, nhất là quan tâm công tác tuyên truyền, dạy nghề, cũng như các quy định tài chính tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động đi làm việc nước ngoài.
VÕ TRƯỜNG