Thấy Miên bưng thau quần áo ra bến, chị gọi với theo:
- Để Hai giặt, tranh thủ ăn cơm rồi tối dắt thằng Mạnh ra coi cải lương.
Sau tiếng “dạ”, Miên vẫn cắm cúi đi thẳng. Chị Hai bám đất, bám ruộng cả ngày rồi, Miên muốn đỡ đần chị vài việc con con mình có thể làm. Khi giặt quần áo, khi xách gạo qua nhà ông Năm Lạc đổi mớ cá về kho, khi quẩy thùng xuống giếng làng gánh nước. Hai cái thùng thiếc, Miên đổ mỗi bên chưa tới một nửa mới gánh nổi. Làng nói Miên còn nhỏ mà hiếu thuận quá chừng. Chị Hai tự hào về Miên lắm. Đi đâu chị cũng khoe. Miên ngoan ngoãn, lại học giỏi nhất làng. Năm nào Miên cũng có giấy khen, học bổng. Mới tuần rồi, Miên còn đại diện toàn trường cấp hai Bình An ra tỉnh giao lưu gương sáng học sinh vùng cao.
Làng Miên có một mảnh sân rộng. Chỗ này, chiều nào cánh thanh niên cũng tụ tập chơi đá banh. Thi thoảng, ông Năm Lạc còn mang ti vi, đầu đĩa ra, dựng rạp cho cả xóm coi cải lương. Những vở như Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Miên nghe hoài, lần nào cũng chảy nước mắt.
Chị Hai chọc:
- Mít ướt kinh rứa.
Miên phụng phịu hai má:
- Chị Hai cũng khóc, bày đặt nói người ta.
Chị Hai hơn Miên bốn tuổi, hơn thằng Mạnh tới chín tuổi. Học hết lớp chín trường Bình An thì chị nghỉ. Độ đó, ba đã theo người làng lên núi đào vàng sau khi mãn tang má. Má Miên mất vì bệnh tim. Miên không biết chị Hai nói gì với má phút lâm chung mà từ đó đời chị chưa có đoạn nào thảnh thơi. Chị Hai cực vì Miên, vì thằng Mạnh và vì ba Miên.
- Trúng mánh cái là đổi đời mấy hồi.
Ba nói sao thì Miên nghe vậy chớ có hiểu gì đâu. Miên chỉ biết ba không về nữa. Làng xì xào dữ lắm, người nói ba trúng mánh, phất lên thành chủ hầm rồi có vợ mới. Người khác kêu ba Miên giờ “xì ke” hết biết đường về nhà. Lại có người quả quyết, ba đã bỏ mình dưới hầm vàng mãi mãi.
- Mai mốt ba về. Miên lo học đi, đừng lung lạc vì lời đồn.
Có bữa, chị Hai đứng giữa sân vận động, vừa nói vừa khóc, ý rằng, mồ côi má đã là thiệt thòi lớn lắm rồi. Sao làng nỡ gieo thêm hoang mang vào lòng những đứa trẻ. Từ đó, không còn một lời cay nghiệt nào nhắm tới ba Miên nữa.
Nhà có mấy sào rộng, thêm một nà bắp ngoài bến. Ba bặt tin, chị Hai thành trụ cột trong nhà. Sức vóc con gái có nhiêu đâu mà chị gánh hết. Cơm, áo hằng ngày, tiền học phí, tập vở, sách cho Miên, cho Mạnh. Hết mùa lúa, mùa bắp, chị lại trồng rau muống, khoai lang chở lên thị trấn bán. Những tối mùa hè, chị nấu chè, bưng cái bàn con con ra sân vận động ngồi. Làng Miên ai cũng thích chè chị Hai nấu. Đậu đen, đậu đỏ, đậu ngự, đậu ván, món nào cũng ngon. Miên vào cấp hai trường Bình An khi chị đúng tuổi trăng tròn. Chị không sắm gì cho mình, nhưng phần Miên, phần thằng Mạnh, từ áo trắng, quần xanh, đến đôi sandal đều được chị chăm chút, chọn mua trên chợ thị trấn.
Có bữa, Miên dặn thằng Mạnh:
- Mi đừng đòi chi hết, nghe chưa. Chị Hai khổ lắm.
Thằng Mạnh đổ quạu:
- Làm như em không biết rứa.
Mười một, mười hai tuổi, Miên đã rủ thằng Mạnh ra bến tắm, sẵn giặt luôn quần áo. Ngày nghỉ, Miên kéo nó vô rừng nhặt củi khô, bó thành bó nhỏ xíu rồi hai chị em gánh về. Nấu cơm, luộc rau, cái gì Miên cũng ngó chị Hai làm rồi bắt chước. Chị Hai la Miên hoài.
- Để đó cho Hai, Miên học bài đi.
Quán xuyến từ việc nhỏ tới việc lớn, chị già đi trông thấy. Miên xót chị, lắm lúc vùng vằng, nói chị làm ít thôi, để phần Miên nữa.
- Ừ, Hai để dành, mai mốt lớn rồi Miên tha hồ làm.
- Mai mốt là hồi mô? Cái chi cũng “mai mốt”.
Mỗi lần Miên giận lẫy như vậy, chị Hai lại xoa đầu Miên, tin cẩn và ấm áp như mẹ, như cha.
Ngày Miên ra thành phố học sư phạm, chị Hai cầm nón lá, xất bất trên đường làng mấp mô, dặn đi dặn lại:
- Chuyện nhà, Miên đừng lo, có Hai rồi.
Hình như đời chị Hai mặc định vậy. Cứ “có Hai rồi” không khác được.
Học xong, Miên về làm cô giáo làng. Lúc này, tới lượt thằng Mạnh ra thành phố theo đuổi ước mơ kỹ sư xây dựng.
Bữa đầu tiên Miên đứng lớp. Chị Hai ủi bộ áo dài cho Miên rồi lật đật chạy lên mộ khoe với má:
- Con Miên giờ là cô giáo nề má. Oách má hỉ.
Làng mừng cho Miên một thì mừng chị mười. Có em gái đỡ đần, chắc chị đỡ khổ.
Chuyện lấy chồng, chị Hai với Miên cứ đùn qua đẩy lại. Lần nào về thằng Mạnh cũng trêu:
- Làm như nhà mình có mỗi một “suất” lấy chồng rứa.
Thương chị Hai, ở thành phố, thằng Mạnh chạy đôn chạy đáo làm thêm nghề này nghề kia kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Miên dành dụm được đồng nào cũng gửi cho em lo học phí. Lấy chồng chưa phải là ưu tiên số một của Miên. Đời chị Hai nhọc nhằn nhiều, Miên chỉ mong có người thương chị thiệt lòng để tính chuyện trăm năm. Làng Miên, con gái ngoài hai mươi mà chưa chồng thì coi như ế. Huống hồ chị Hai đã qua ba mươi.
Bữa đó trăng tròn, anh Quý, con trai ông Năm Lạc qua nhà, nói muốn thưa chuyện làm Miên chưng hửng.
- Chị Hai nói nhứt quyết phải do Miên gật mới chịu.
Anh Quý thú nhận thương chị Hai từ độ mười tám, đôi mươi. Chờ riết, mòn mỏi hơn chục năm trời. Lần nào anh ngỏ lời, chị cũng dùng dằng:
- Chờ mai mốt Miên lớn đã.
Miên ôm chị Hai khóc:
- Hai khờ quá rứa Hai. Hai lấy chồng đi. Miên lo được mà.
Ba Miên về đúng vào lúc không ai ngờ nhất. Chị hớt hải chạy vô trường xin bảo vệ cho gặp Miên. Mồ hôi mồ kê ướt rượt, chị đứng ngoài cửa lớp nhìn vô. Lần đầu tiên Miên thấy ánh mắt chị và cả con người chị như hóa đá.
- Miên ơi, ba!
Thì đâu ai biết, từ đó phía trước là bão dông.
Má chồng chị Hai đi hết đầu trên xóm dưới, khi kể lể, khi chửi đổng:
- Đàn bà mà không biết đẻ thì là cái giống chi.
Cưới nhau ba năm, chị Hai vẫn chưa đậu thai. Hết chịu thấu cảnh bị má đay nghiến, anh Quý bỏ vô miền Nam làm phụ hồ. Anh đi một nước, chị Hai ở lại với trăm ngàn điều tiếng. Đúng lúc đó, ba Miên về. Về với một dáng hình xơ xác, héo úa. Hai mắt ông mờ dần rồi tối hẳn. Hai chân teo lại, cất bước không vững. Miên xuống trạm y tế xã xin được tư vấn, chạy lên huyện photo đủ thứ tài liệu mang về. Miên đâu thể bỏ dạy ở nhà chăm sóc ba. Thành thử chị Hai phải thưa với má chồng cho phép ngày hai bận qua nhà lo cơm nước, giặt giũ cho ba. Má chồng chị được vậy lại càng chửi, càng đay nghiến nhiều hơn. Có những đêm, chị Hai ôm Miên khóc:
- Ba có thế nào cũng là ba mình, nghe Miên!
Miên dạ.
Một sáng mùa hè, đúng độ hoa mua nở, chị Hai ngồi bên Miên ngoài bến.
- Miên ơi, chắc Hai thôi chồng.
Miên không nói gì, chỉ lặng lẽ nhìn về phía chân trời, thầm trách sao phận chị long đong quá.
Cái tin ba Miên chết vì bệnh AIDS lan nhanh như tên bắn. Anh Quý về làng, ban đầu anh ra sức bảo bọc, che chở chị. Rồi dăm ba tháng sau, không biết bằng cách nào đó, anh đâm ra nghi ngại chị. Nghi ngại chị lây bệnh từ những ngày chăm sóc ba. Anh nhìn vợ như nhìn một sinh vật lạ mới từ hành tinh nào đó rớt xuống. Người chị Hai thương và nói thương chị Hai, cuối cùng đã chọn cho mình một hướng đi mới. “Quà” chia tay của anh vỏn vẹn một câu:
- Cô viết đơn đi, coi như không phải bị chồng bỏ.
2 giờ 35 phút sáng, ngày… tháng… năm 2016.
Vị bác sĩ già cúi nhìn đồng hồ. Hai nữ y tá đứng cạnh ông bật khóc ngon lành.
- Sinh khó. Chỉ chọn được một thôi, hoặc mẹ, hoặc con.
Miên khuỵu xuống bên ngoài phòng cấp cứu. Đâu đó vẳng lại giọng chị đứt quãng:
- Cho Hai lên đồi nghe Miên.
Nằm trong lồng kính, thằng bé còn chưa được đặt tên.
Nó là con của chị Hai với anh Quý. Đứa con mà chị phấn khởi muốn làm anh bất ngờ nên đã giấu chờ đậu thai tròn hai tháng mới khoe.
Mai này, Miên biết nói sao, ngày sinh nhật thằng bé cũng là ngày giỗ má nó.
Nghĩa địa làng, xưa vốn là đồi hoa mua sau nhà Miên. Giờ, hoa mọc thành từng vạt dọc theo các lối đi. Hồi còn bé, cứ vào hè, Miên vẫn thường theo chị Hai lên đây. Hoa tím nhẹ nhàng, trái có vị ngọt chua, chiều chiều gió nổi luồn qua mái tóc, mơn man trên gương mặt con gái, chị Hai thích lắm. Chị mua hẳn cuốn sổ, ép hoa mua vào trong đó. Miên không biết để làm gì, chỉ thấy chị trân trọng nó như báu vật.
Chiều nay, Miên lên đồi thăm chị. Thằng nhỏ nằm trong lòng Miên, đôi mắt đen láy lúng liếng cười. Một làn gió nhẹ thổi lùa qua tóc Miên, như những năm xưa còn có chị.
- Hai ngủ đi Hai. Miên nuôi thằng nhỏ. Tên cháu là Phúc, nghe Hai.
Một đêm mùa hè hơn 30 năm trước, ba má Miên lên đồi hoa mua sau nhà. Tiếng khóc trẻ con văng vẳng đâu đó. Càng đi lên, tiếng khóc càng gần. Trong lùm hoa, có đứa bé được quấn quanh người tấm khăn mỏng màu tím, kiến bu đầy trên tay, chân nó. Má Miên thốt lên:
- Quân bất lương. Cha mẹ mô mà bỏ con ri.
Đứa bé ấy là chị Hai. Người chị tảo tần, thương khó một đời của Miên.
THẢO NGUYÊN