Đòi hỏi của dân

C.B.L 06/12/2018 02:07

Ngày 3.12, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời câu hỏi của phóng viên báo VnExpress về sự khó khăn của thanh niên khởi nghiệp. Ông đã dùng một từ, và ngay lập tức lại gây bão trên mạng xã hội. Đó là từ “đói khát”. Ông nói, “đói khát không phải là một bất lợi mà là một lợi thế…”.

Trong văn cảnh, người ta có thể hiểu ý ông muốn nói là “sự thiếu thốn” về vốn – một vấn đề hầu như dự án khởi nghiệp nào cũng phải đối diện đầu tiên. Khoan hãy bàn rằng sự thiếu thốn ấy có nên gọi là lợi thế khởi nghiệp hay không, hay phải gọi đúng tên nó là trở ngại giết chết không ít dự án khởi nghiệp. Cứ tạm chấp nhận quan điểm của bộ trưởng là chính sự thiếu thốn làm kẻ khởi nghiệp trở nên quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn, và dễ thành công hơn. Sau đó còn lại hai điều nên nhìn nhận trong tình huống này.

Thứ nhất, là phản ứng của công chúng nhìn thấy qua mạng xã hội. Một chi tiết có thể nói là nhỏ nhặt, “chỉ một lỗi dùng sai từ thôi mà!” – vẫn gây nên một làn sóng đàm tiếu. Công chúng đã trở nên “quá nhạy cảm” đối với những phát ngôn của quan chức, có cảm giác như họ luôn soi mói và không bỏ qua một chi tiết hớ hênh nào. Đừng vội bỏ qua hiện tượng đó với một cái khoát tay đậm tính quy chụp thường thấy, ối dào, những phần tử rỗi hơi quá khích đó mà, lúc nào cũng đầy rẫy trên mạng. Lối tiếp thu dư luận đó chỉ làm nặng nề thêm sự so le giữa “phía quan” và “phía dân”.

Thứ hai, cái duyên do tích tụ khiến cho công chúng trở nên nhạy cảm như vậy, phải nói ngay xuất phát từ chính các phát ngôn của quan chức lãnh đạo. Quá nhiều trường hợp phát ngôn hớ hênh, ngây ngô, thiếu tầm (cả tầm tri thức lẫn tầm trách nhiệm)… của các vị trên các diễn đàn. Sự “thiếu uốn lưỡi” phổ biến đến mức người ta phải nghĩ rằng các vị ấy hoặc là thiếu năng lực tư duy, hoặc thiếu tôn trọng thậm chí coi thường quần chúng cử tri – những người ủy quyền cho họ làm việc và… phát biểu. Và tình trạng đó không phải cá biệt, nó tạo nên sự đánh giá dành cho cả “giới lãnh đạo”.

Vì vậy, như một thói quen có điều kiện, khi người dân lắng nghe một vị quan chức nói trên diễn đàn, người ta sẽ nghe nửa tai xem “họ nói gì”. Nửa còn lại dành cho sự xét nét, “họ nói như thế nào?”. Có bao nhiêu quan chức hiểu được điều đó để sắp sẵn một thái độ cẩn trọng trước khi nói? Có bao nhiêu quan chức trước khi lên tiếng, đã xác định được cái “tư cách phát ngôn” của mình trong từng bối cảnh cụ thể? Và cân nhắc để lời nói được phù hợp với tình huống, đi đúng vào trọng tâm, và thể hiện sự hiểu biết cùng trách nhiệm của mình trên cương vị mình nắm giữ?

Những điều đó hoàn toàn không phải là đòi hỏi rầy rà vô lý. Đó chính là bản lĩnh của người lãnh đạo, là sự lịch lãm của những “quý ông, quý bà” thực sự trên chính trường, cũng có thể xem là sự tri ân kín đáo dành cho những người dân đang lắng nghe - những người đã nuôi sống và hoàn toàn có quyền xét nét lãnh đạo một cách nghiêm khắc nhất.

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đòi hỏi của dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO