Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri (TXCT) theo quy định, Thường trực HĐND tỉnh chủ trương tổ chức nhiều hơn nữa hoạt động tiếp xúc theo chuyên đề nhằm lấy ý kiến rộng rãi của người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành.
Vai trò người đại biểu
Theo Thường trực HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2011 - 2016, đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc tổ chức TXCT để thông báo đến cử tri kết quả kỳ họp của HĐND tỉnh và thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri, sau đó phản ánh tại diễn đàn kỳ họp HĐND tỉnh. Đồng thời báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban ngành có liên quan giải quyết, trả lời kết quả cho cử tri. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng nhìn nhận, hoạt động TXCT của đại biểu HĐND tỉnh từng bước được đổi mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ ý kiến, kiến nghị được cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, giải quyết ngày càng cao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cũng như tạo ra được bầu không khí công khai, dân chủ và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Sẽ có nhiều hơn hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề để lấy ý kiến rộng rãi của người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành. Ảnh: NG.ĐOAN |
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cho rằng, vì nhiều nguyên nhân, nhất là trước đây chưa có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nên việc quy định về trách nhiệm, thẩm quyền và chế tài giám sát chưa được rạch ròi. Từ đó đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động TXCT của đại biểu HĐND tỉnh. Rồi việc giải đáp, giải thích của người đại biểu, cũng như kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa được các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện quyết liệt, dứt điểm khiến một số vụ việc tồn đọng kéo dài, gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến vai trò của người đại biểu dân cử. Cũng theo ông Võ Hồng, kinh nghiệm ở nhiệm kỳ qua cho thấy, nơi nào người đại biểu HĐND tâm huyết, dành nhiều sự quan tâm, theo dõi sát sao tình hình thực tiễn của địa phương, kịp thời lắng nghe, trao đổi, giải đáp, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri để chuyển và yêu cầu chính quyền, các cơ quan, ngành liên quan giải quyết, có trả lời thỏa đáng cho cử tri thì ít xảy ra căng thẳng ở cơ sở. Điều này còn thúc đẩy các công việc của cơ quan hành chính được tốt hơn; công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ của UBND cũng hiệu quả hơn. Từ đó cử tri càng có sự tín nhiệm đối với đại biểu, đồng thuận với chủ trương được triển khai trên địa bàn.
Tổ chức tiếp xúc theo chuyên đề
“Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong nhiệm kỳ này, Ban Pháp chế HĐND tỉnh có trách nhiệm thẩm tra việc trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để cho ý kiến đôn đốc cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri một cách thỏa đáng. Đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài, HĐND tỉnh xem xét ra nghị quyết về việc giải quyết, hạn định thời gian giải quyết xong vụ việc đó. Nói như vậy để thấy, với quy định cụ thể của luật, cùng quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh, nhất định chất lượng hoạt động TXCT của đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục được nâng lên; thật sự là hoạt động chính trị sôi nổi tại cơ sở, diễn ra trong không khí công khai, dân chủ, đạt hiệu quả thiết thực” . (Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng) |
Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong hoạt động TXCT, người đại biểu có trách nhiệm báo cáo những nội dung của các kỳ họp HĐND để cử tri được biết, giám sát việc thực hiện các chủ trương của HĐND. Sự khác biệt rất lớn của luật hiện hành là đại biểu HĐND phải báo cáo kết quả hoạt động của mình trước cử tri để cử tri có cơ sở đánh giá, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, nhất là đối với thực hiện chương trình hành động khi vận động ứng cử. Theo đó, trách nhiệm của đại biểu sẽ được nâng lên, thể hiện được chức trách của mình khi tham gia các hoạt động của HĐND, góp phần khẳng định vai trò và chất lượng hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cho hay, ở nhiệm kỳ 2016 - 2021, theo quy định của luật và chủ trương của HĐND tỉnh là phải tổ chức lấy ý kiến trực tiếp, rộng rãi của cử tri đối với các cơ chế, chính sách được HĐND tỉnh ban hành. Để làm tốt việc này, Thường trực HĐND tỉnh có chủ trương ngoài TXCT theo định kỳ trước và sau mỗi kỳ họp thì nay tổ chức hoạt động này theo chuyên đề nhằm lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của chính người bị ảnh hưởng trực tiếp như trên lĩnh vực y tế, giáo dục, chính sách người có công, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo...
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng nói, yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động TXCT hiện nay đặt ra cho người đại biểu HĐND tỉnh là phải chủ động, dành nhiều thời gian xem xét tâm tư, nguyện vọng, xác định nơi nào đang nổi lên vấn đề bức xúc, đang được cử tri quan tâm. Trong trường hợp đại biểu xét thấy nơi mình cư trú đang nổi lên vấn đề đáng quan tâm thì báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để sắp xếp tổ chức hội nghị TXCT tại địa phương. Có như vậy không khí của các cuộc TXCT mới thật sự sôi nổi, chất lượng. “Người đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm TXCT theo luật định, và cần có sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho buổi tiếp xúc đạt kết quả như mong muốn. Trong không khí dân chủ, cởi mở ấy, người đại biểu HĐND tỉnh phải luôn tập trung lắng nghe, thu thập thông tin, thực hiện giải đáp, giải thích đối với các nội dung thông tin tiếp nhận từ cử tri. Từ đó tổng hợp, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Thường trực HĐND tỉnh để xem xét, tổ chức các cuộc giám sát; trình HĐND tỉnh để ra nghị quyết thực hiện, nếu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết chậm hoặc chưa thỏa đáng” - ông Võ Hồng chia sẻ.
HÀN GIANG