Vẫn đề đổi mới tư duy kinh tế đã có từ Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị (khóa III), nhưng mãi đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI mới được khẳng định với 3 nội dung và 3 chương trình kinh tế lớn. Đại hội đề ra đổi mới nhưng cơ chế chính sách chưa thay đổi kịp vì vậy đại bộ phận từ trung ương xuống địa phương vẫn hoạt động như cũ và lúng túng trong vận hành, một số cơ quan cán bộ “ngồi chơi xơi nước” không có lương để trả, tình hình kinh tế - xã hội vô cùng khó khăn. Đối với Đại Lộc, những năm 1987 - 1988 nằm trong tình trạng hết sức khó khăn, dân làm đơn trả ruộng, học sinh bỏ lớp, hạ tầng cơ sở xuống cấp trầm trọng. Trước tình trạng đó Ban Thường vụ Huyện ủy lúc bấy giờ tập trung tìm cách tháo gỡ.
Huyện ủy chủ trương giao đất cho dân 20 năm, để lại 30% đấu thầu nhằm đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tách trường học cấp 1 - 2, tầng hóa trường tiểu học, THCS, mở trường trung học bán công. Huyện xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới, tổ chức tranh cử chủ nhiệm, thực hiện khoán vốn; cơ sở vật chất của HTX được quy ra giá trị để bảo toàn và kinh doanh có hiệu quả. Quy mô HTX toàn xã, từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần chuyển sang kinh doanh tổng hợp, giải thể HTX mua bán. HTX dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp với chức năng mới làm dịch vụ trong các khâu từ sản xuất cho đến tiêu thụ và phân phối sản phẩm. Đồng thời cho ra đời công ty trách nhiệm hữu hạn, phát triển chợ nông thôn, tổ chức các làng nghề, thay đổi cách quản lý trong kinh tế. Bên cạnh đó, chủ trương phát động chấn hưng văn hóa nông thôn…
Cùng với việc “mở trói” sản xuất, chấn hưng văn hóa để phát huy nội lực, Đại Lộc tích cực tranh thủ thu hút ngoại lực để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Đặc biệt, tranh thủ sự hỗ trợ của Viện Quy hoạch để lập bản đồ quy hoạch thổ nhưỡng toàn huyện, giúp quy hoạch chi tiết về xây dựng và phát triển sản xuất nông thôn; giúp huyện liên hệ với tổ chức Chương trình phát triển Liên hiệp quốc từ năm 1988 đến 1990 thực hiện dự án phát triển giao thông và thủy lợi với tổng mức đầu tư không hoàn lại 17 nghìn USD.
Làm thử thành thiệt Năm 1979, Đại Minh là HTX phát triển khá trong số 27 HTX nông nghiệp của huyện Đại Lộc, thế nhưng cũng bộc lộ nhiều tiêu cực trong công tác quản lý, nếu không sớm khắc phục sẽ dẫn đến sa sút. Lúc bấy giờ, Chủ nhiệm HTX - Ngô Đức Đệ đề nghị với Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp huyện nên chủ trương cho khoán hộ. Đồng chí trưởng ban thấy đây là vấn đề lớn huyện không quyết được, nhưng đề nghị lên tỉnh càng khó nên ngầm đồng ý với chủ nhiệm làm thử. Thế là các đồng chí đặt ngay nội dung 3 khoán: khoán năng suất sản lượng theo diện tích; khoán vật tư phân bón; khoán công, điểm. Vừa vào vụ được 2 tháng, Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp huyện Đại Lộc và Chủ nhiệm HTX Ngô Đức Đệ được gọi về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng để nghe Thường vụ Tỉnh ủy phê bình việc làm sai đường lối nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực nông nghiệp. Hai đồng chí được phân tích, phê phán về quan điểm, lập trường, về ý thức tổ chức, việc chấp hành nghị quyết…, cuối cùng yêu cầu phải làm bản tự kiểm điểm và tự nhận kỷ luật Đảng. Chủ nhiệm HTX nhận tất cả nhưng Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp huyện xin tự kiểm điểm và nhận kỷ luật, tuy nhiên đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy cho thời gian 2 vụ mùa sẽ đưa HTX trở lại như cũ, nếu không đề nghị Thường vụ cho quyết định kỷ luật ngay bấy giờ không cần xem xét. Và rồi Chỉ thị 100 ra đời, không những đồng chí trưởng ban và đồng chí chủ nhiệm không bị kỷ luật mà HTX Đại Minh còn đi báo cáo điển hình và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. |
Thực hiện những nội dung đổi mới suốt 2 nhiệm kỳ XIV và XV của Đảng bộ huyện, đến cuối năm 1995, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVI đã tổng kết nêu rõ: Dưới đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân huyện Đại Lộc đã tăng cường đoàn kết, biết nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đến nay, cơ sở hạ tầng toàn huyện đã nâng cấp, cầu Hòa Đông, Quảng Huế, Ba Khe, Hà Tân, Đàn Huỳnh, Khe Gai được xây mới, giao thông nông thôn được đầu tư, hồ chứa Khe Tân hoàn thành, cơ bản thực hiện thủy lợi hóa trong nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ, phát triển HTX… có nhiều tiến bộ. Khu văn hóa các thôn được hình thành, đền tưởng niệm Trường An, đài Chiến thắng Thượng Đức, bia chứng tích, chiến tích được xây dựng, khôi phục các di tích văn hóa lịch sử; trường học được tầng hóa, bệnh viện, trạm y tế, mạng lưới điện được đầu tư, chợ nông thôn phát triển; an ninh chính trị được giữ vững, lực lượng vũ trang được tuyên dương anh hùng trong đổi mới…, đời sống nhân dân toàn huyện được cải thiện và nâng cao.
Những kết quả nêu trên là nhờ có đường lối đổi mới của Đảng, sự đoàn kết nhất trí của toàn đảng bộ và sự đồng tình của nhân dân. Tuy nhiên, đây là quá trình đầy cam go và thách thức. Ngay trong quá trình thực hiện, Đại Lộc cũng từng được kiểm tra, kiểm điểm và cấp trên kết luận một số nội dung tưởng chừng không tránh khỏi sai lầm đường lối nghị quyết như: chia ruộng đất, đấu thầu đất là tư hữu hóa; thương mại hóa ruộng đất, cải tiến khoán, đổi mới quy mô HTX là phá vỡ quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; xây dựng đền tưởng niệm và các khu văn hóa thôn là phục hồi chế độ phong kiến; tách trường cấp 1 và 2, tầng hóa trường học, mở trường trung học bán công là lũng đoạn hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa; tìm đối tác xây dựng dự án đầu tư là ảo tưởng…
Khi Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị được triển khai xuống tận huyện, xã; tiếp đến là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, thứ VIII, đường lối đổi mới thực sự đi vào đời sống và ổn định, những nội dung đổi mới của Đại Lộc dần được chứng minh là đúng. Điều đó cũng là lẽ thường trong cuộc đấu tranh tư tưởng giữa cái mới và cái cũ theo quy luật “từ tư tưởng lý luận đến thực tiễn bao giờ cũng có khoảng cách nhất định”. Như Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị (khóa III) đã nói xây dựng nền kinh tế 5 thành phần, nhưng mãi đến Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI mới khẳng định và thực hiện từng bước. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ra đời năm 1988 đến năm 1990 mới xuống tới cơ sở. Ngay cả một cụm từ trong câu khẩu hiệu chiến lược “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”, một số nhà chiến lược muốn đưa cụm từ dân chủ lên đứng trước, nhưng tranh luận mãi từ Đại hội VII đến Đại hội XI mới sắp xếp được. Vì vậy, việc phê bình kiểm điểm trong quá trình đổi mới là lẽ thường tình, cuộc đấu tranh giữa cái đúng - cái sai, cái cũ - cái mới phải là quá trình cam go, quyết liệt, đòi hỏi ở những người đổi mới phải có bản lĩnh và quyết tâm thực hiện để lấy kết quả thực tế chứng minh.
NGUYỄN HỮU MAI