(Xuân Đinh Dậu) - Những chuyến xe chở đầy hàng hóa nối đuôi nhau chạy về phía núi. Làng vùng cao yên bình. Con đường bê tông phẳng lỳ, xẻ dọc theo những căn nhà mới khang trang giữa khu dân cư đông đúc. Mái gươl làng sừng sững, vang điệu lý truyền thống trong ngày vui mừng công trình nông thôn mới (NTM)…
1. Dưới màn sương, làng Ganil (xã A Xan, huyện Tây Giang) trở nên huyền ảo, thấp thoáng những mái nhà mới. Bước chân của dân làng tìm về trong ngày hội mừng công rộn rã theo nhịp chiêng vui, với điệu múa truyền thống. Những nét mặt tươi vui, dập dìu theo tiếng khèn, cùng say sưa bên chén rượu nồng. Làng Ganil vào hội mừng gươl mới. Già làng Hôih Nhức cho biết, ngoài gươl mới, dân làng Ganil còn mừng công cho con đường bê tông nông thôn vừa được hoàn thành. Theo tập tục của người Cơ Tu, mỗi khi hoàn thành công trình lớn nào đó, đồng bào đều tổ chức ngày hội mừng công để báo cáo với Giàng, với trời đất. Tùy theo công trình lớn hay nhỏ mà quy mô ngày hội được tổ chức tương xứng. “Nhưng điều đặc biệt lần này, hội làng mừng công được tổ chức tại không gian làng mới Ganil, một khu dân cư tập trung theo quy hoạch NTM của địa phương. Do vậy, ngày hội rất có ý nghĩa về mặt tinh thần, vừa tạo động lực giúp đồng bào bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống, vừa quyết tâm xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, hướng đến việc hoàn thành các tiêu chí NTM” - già Hôih Nhức chia sẻ.
Diện mạo miền núi đang dần khởi sắc nhờ biết lồng ghép từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới. TRONG ẢNH: Trung tâm huyện Đông Giang.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Ở Tây Giang, mỗi năm có đến vài hội làng mừng công như thế. Với 73 mặt bằng tái định cư được hoàn thành, đã ghi thêm dấu ấn về diện mạo mới của địa phương trong những năm gần đây. Theo ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, thành công của địa phương trong xây dựng NTM phải kể đến việc quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư tập trung cho đồng bào gắn với hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế vùng. Chính việc lồng ghép “3 trong 1” này đã tạo nên sức bật mới phát triển kinh tế - xã hội vùng cao Tây Giang theo hướng bền vững. Vì thế, chủ trương quy hoạch, sắp xếp dân cư tập trung luôn được nhiều người ví von như một “cuộc cách mạng” làm cho hàng nghìn hộ dân Tây Giang ổn định cuộc sống. A Nông, Lăng, A Tiêng, A Vương… là những địa phương đi đầu trong phong trào hiến đất, góp công sức cho công cuộc đổi mới vì mục tiêu xây dựng NTM. “Sau những nỗ lực của chính quyền địa phương cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hàng loạt khu tái định cư tập trung được hoàn thành gắn với đất sản xuất và đồng bộ hóa đầu tư các công trình điện - đường - trường - trạm, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi Tây Giang thêm khởi sắc” - ông Blúi nói.
Những công trình hạ tầng nông thôn điện - đường - trường - trạm được đầu tư mạnh mẽ giúp người dân miền núi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
2.Con đường bê tông xuyên núi chạy dài về tận làng Ka Đắp (xã Arooih, Đông Giang). Sau hàng chục năm “ẩn mình” phía bên kia dòng A Vương, có đường mới, Ka Đắp bây giờ thật khác. Câu chuyện của làng, nay gắn thêm những chuyến đi về phía thị trấn, về phía trung tâm huyện lỵ để mua bán, trao đổi từng nải chuối, quả bắp, bó rau rừng… tại phiên chợ sớm P’rao. Như mùa lũ năm ngoái, dù nước sông A Vương lên rất cao nhưng người làng Ka Đắp không phải lo bị cô lập như các năm trước, khi con đường mới được đầu tư xây dựng đã kết nối Ka Đắp với “thế giới bên ngoài”. Chủ tịch UBND xã Arooih - ông Hôih Bảy chia sẻ rằng, nhờ chương trình đầu tư của Chính phủ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cộng với nguồn vốn cho NTM đã xóa dần những trở lực ở địa phương, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn miền núi. Ka Đắp là một ví dụ điển hình. “Có đường, cuộc sống của người dân miền núi dần thay đổi. Nông sản có đầu ra, việc đi lại được thuận lợi, đặc biệt là giải quyết được mối lo về tình trạng cô lập trong mùa mưa lũ hàng năm” - ông Bảy cho biết thêm.
Hơn 3 năm trước, những cư dân của làng K8 (xã Sông Kôn, Đông Giang) cũng “chịu chết” mỗi khi mùa mưa lũ về. Làng bị chia cắt bởi con suối hung dữ, khi cầu treo cũng đang chờ sập. Hiểm họa rình rập, đã có không ít trường hợp người dân rơi xuống vực khi đi qua cầu... “Nhưng bây giờ thì hết rồi. Cầu bê tông cốt thép mới được xây dựng, cũng từ nguồn vốn NTM. Người dân đã bớt khổ rồi!” - già làng Bh’ling Bêếc bộc bạch. Khi những tuyến đường lên các bản làng vùng cao Đông Giang được mở rộng xây dựng, đời sống người dân cũng dần được nâng lên. Nói như ông Nguyễn Tấn Tuân, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Đông Giang, người vùng cao bây giờ đã tự biết làm giàu bằng chính nội lực sẵn có của mình. Kể từ khi đường sá được thuận lợi, ngoài phát triển vườn chuối tập trung, mô hình trồng keo lai đang được xem là “cây bản dịa” giúp đồng bào thoát nghèo bền vững…
3.Dưới ráng chiều, những thanh niên của làng Vinh (xã Tà Pơơ, Nam Giang) cùng nhau chơi bóng chuyền sau buổi lao động vất vả. Ai cũng hào hứng, tiếng cười đùa vang cả cánh rừng. Từ khi công trình sân vận động được đầu tư xây dựng, đồng bào ít tụ tập uống rượu như trước. Cứ chiều chiều, sau buổi lao động họ lại cùng nhau xuống sân chơi thể thao. Giờ đây đồng bào Cơ Tu ở làng Vinh đã biết chăm lo sức khỏe, ra sức làm kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Minh chứng cho sự đổi thay đó, ngoài diện mạo nông thôn khởi sắc, danh sách những hộ gia đình đăng ký thoát nghèo bền vững ngày càng nhiều, tiêu biểu như Coor Dênh - một thanh niên ưu tú của làng với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đang được nhân rộng, cùng giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo.
Được gì từ việc triển khai chương trình NTM ở miền núi? Câu trả lời bây giờ có lẽ không chỉ là những công trình hạ tầng nông thôn điện - đường - trường - trạm, những dự án, mô hình phát triển kinh tế - xã hội, mà còn có thêm sự “đổi thay” về nhận thức của những chủ thể ở vùng cao.
ALĂNG NGƯỚC