"Đói" sách!

MINH ĐỨC 19/04/2014 07:38

Năm 2014 là năm đầu tiên nước ta lấy ngày 21.4 là Ngày sách Việt Nam. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ khuyến khích phong trào đọc sách, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách…, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Đây có lẽ cũng là dịp để nhận ra thực trạng “đói” sách, “loạn” sách đang tồn tại và gây không ít trì trệ cho quá trình tiếp nhận tri thức, phát triển văn hóa đọc.

“Đói” sách, nghe có vẻ vô lý với thời buổi hiện nay, bởi người đọc giờ đây rất dễ dàng tiếp cận với những cuốn sách mà mình muốn do việc xuất bản, phân phối đã hiện đại, năng động hơn, đặc biệt là giá cả các loại sách đang rất “ưu đãi”. Giá sách phổ biến hiện nay chưa đến 100 nghìn đồng/cuốn, nhiều cuốn giá còn rẻ hơn tấm vé xem chiếu phim nên nhiều đối tượng người đọc sẽ dễ dàng mua được. Không như thời chiến tranh triền miên “đói” sách mà nhà thơ Phạm Quốc Ca “tâm sự” với chúng tôi khi lần đầu tiên được ngồi trên ghế giảng đường: “… Bằng tuổi các em tôi đang ở chiến trường/Trang sách hiếm chuyền tay nhau dưới hầm chốt chặt/Rừng hậu cứ chung tán cây mắc võng/Bạn kể giấc mơ áo trắng giảng đường/Chẳng tính được đâu những trận giặc càn/Súng đói đạn và người đói gạo/Trong lứa tuổi học sinh lên đường chiến đấu/Bạn bè tôi còn đói sách đến ngẩn ngơ…”.
Nhưng “đói” sách ở thời buổi này là thực trạng có thật mà nhiều nhà nghiên cứu, cơ quan có trách nhiệm lo lắng đang gây nguy cơ làm nghèo giá trị cuộc sống và tâm hồn của nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Không ít sự việc “bất thường” xảy ra với giới trẻ được xem là “chệch hướng” so với nhịp độ phát triển của họ cũng được nhiều người phân tích có một phần nguyên nhân là do thiếu những “hiểu biết nền tảng”, mà sách là phương tiện có thể bù đắp được. Thị trường sách đang rất đa dạng nhưng đối tượng người đọc dường như ngày càng bó hẹp lại. Người đọc sách có vẻ ngày càng ít đi. Tại Quảng Nam, không ít siêu thị sách nằm ở vị trí trung tâm nhưng vắng bóng khách hàng, thư viện cũng không nhiều người đến đọc; tại Tam Kỳ không dễ dàng tìm thấy điểm bán sách cũ, còn trong nhiều ngôi nhà sang trọng, khó tìm thấy giá sách thay vì giá rượu đặt ở vị trí bắt mắt… Thực trạng này được nhìn nhận do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu là do sách đang bị các phương tiện khác cạnh tranh, thị trường sách đang bị nhũng nhiễu, có quá nhiều cuốn sách không đáng đọc; văn hóa đọc đang mất dần vị trí độc tôn trong vai trò chuyển tải thông tin, tri thức; những rào cản vô hình… Mặt khác, “đói” sách cũng có thể được nhìn nhận là do nhiều người không có thói quen mua sách, không đọc sách, chưa nhận thấy tầm quan trọng của sách… Chính vì vậy, “vực dậy” phong trào đọc sách là sự kiện mang nhiều ý nghĩa và mang tính cấp thiết, và tất nhiên trách nhiệm không chỉ dành riêng cho người đọc sách.

MINH ĐỨC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Đói" sách!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO