Con chữ đến với Hà Thị Sơn (25 tuổi, thôn 6, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) như một phép màu, giúp Sơn tìm thấy niềm vui sống!
Sơn sinh ra trong một gia đình đông con, là con thứ sáu trong số mười anh chị em, gia đình lại khó khăn. Sơn không may mắc phải căn bệnh bại não, lại bị bại liệt bẩm sinh nên chân tay Sơn co quắp, không thể đi lại được. Hằng ngày, mọi sinh hoạt của Sơn đều trông cậy vào sự chăm sóc của ba mẹ từ bế bồng tắm rửa đến ăn uống… Thế nên, dù đã đến tuổi đi học nhưng Sơn cũng chỉ biết ngậm ngùi nhìn anh chị, bạn bè từng ngày cắp sách đến trường.
Sơn từng nghĩ đời mình rồi cũng chẳng bao giờ biết đến cái chữ bởi tuổi ngày một nhiều, trong khi sức khỏe lại yếu đi từng ngày. Thế nhưng, năm 2010, khát khao của Sơn một lần nữa được nhen nhóm bởi dự án “Hỗ trợ chăm sóc trẻ khuyết tật hòa nhập” do Tổ chức Cứu trợ phát triển (CRS) tài trợ. Với Sơn và gia đình, đây thật sự là món quà đầy ý nghĩa. Ông Hà Phương Bình (ba của Sơn) nói: “Khi biết tin sẽ có cô giáo đến tận nhà dạy chữ cho con, cả nhà ai cũng vui, nhất là bé Sơn. Là cha mẹ, không có gì vui sướng bằng khi thấy nụ cười của con. Dù bị bại liệt nằm một chỗ, sức khỏe yếu nhưng con vẫn rất thích học”.
Dự án bắt đầu lúc Sơn vừa tròn 20 tuổi. Dù đã qua tuổi đi học nhưng Sơn vẫn khao khát được học, được đọc chữ, tính toán như một người bình thường. Chính vì vậy mà tuổi tác, sức khỏe đã không ngăn cản nổi cô gái tật nguyền nhưng đầy nghị lực này. Đều đặn ba buổi mỗi tuần, cô giáo Nguyễn Thị Mai (giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám) đến tận nhà để dạy chữ cho Sơn. Không được ngồi học trong tư thế đàng hoàng, cũng chẳng cầm được bút viết, sách vở do chân tay co quắp, những buổi học của Sơn là những buổi học nằm, cô Mai ngồi bên cạnh cầm sách thay Sơn, dạy Sơn đánh vần, đọc chữ, đếm số. Lớp học là căn nhà nhỏ bé. Bàn ghế là giường, là nền nhà… Thế nhưng, mọi khó khăn thiếu thốn ấy càng khiến cho Sơn quyết tâm học lấy con chữ. Tiếng bi bô đánh vần phát ra từ chất giọng yếu ớt, từ cơ thể gầy gò nhưng đầy quyết tâm của Sơn vang lên mỗi ngày trong căn nhà nhỏ. Những lúc cô Mai đến giảng bài, Sơn đều chăm chỉ chú ý lắng nghe, ghi nhớ rồi tập đọc theo. Bên cạnh đó, Sơn còn nhờ ba mẹ, anh chị em trong nhà hướng dẫn thêm. Nhờ nỗ lực của bản thân nên sau nửa năm, Sơn đã tự mình đọc được chữ, thực hiện được phép tính cộng trừ nhân chia.
Khi biết được mặt chữ, biết đọc, biết tính toán, Sơn lại càng thích thú với việc học, lấy đó làm niềm vui sống mỗi ngày. “Học để thỏa niềm đam mê đến trường, để thấy mình đang sống”, Sơn nói khi được hỏi về hành trình đến với con chữ của mình. Những điều tưởng chừng như bình thường, là lẽ đương nhiên, nhưng đôi khi, với một số người, đó lại là cả một niềm ước ao. Và Sơn là một minh chứng cho những phận người kém may mắn nhưng đầy nghị lực đó. Thế mới thấy, niềm khao khát được học của cô gái bị bại liệt này đáng trân quý biết bao.
ĐỨC NHI