“Đối tác” làng và phố

QUỐC TUẤN 03/01/2020 13:24

Vẻ hào nhoáng của phố thị dễ dàng át đi “sinh khí” của làng và đẩy tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Cân nhắc thiệt hơn trong quá trình chuyển làng lên phố ngày một cần thiết hơn khi mà thị dân ngày càng nhận thức rõ chất lượng cuộc sống không chỉ nằm ở việc nâng cao đời sống vật chất mà còn đòi hỏi nhiều giá trị về tinh thần.

Các làng quê sản xuất nông nghiệp gần đô thị được hưởng lợi do nhu cầu thị trường dồi dào. Ảnh: Q.T
Các làng quê sản xuất nông nghiệp gần đô thị được hưởng lợi do nhu cầu thị trường dồi dào. Ảnh: Q.T

“Cộng sinh” để phát triển

Hai giờ chiều, ngã tư chân cầu Cửa Đại (phía Hội An) nườm nượp xe ô tô khách tìm đường len lỏi đưa khách vào tham quan rừng dừa Bảy Mẫu. Cũng mấy năm rồi, cảnh tượng này dần trở nên quen thuộc với người dân Cẩm Thanh. Một chút trở ngại trong việc đi lại không bõ bèn gì so với niềm vui, sinh kế nhờ hoạt động du lịch mà du khách thập phương mang đến. Chiếc thuyền thúng, cây dừa nước đã được người dân Cẩm Thanh khéo léo tạo thành một sản phẩm du lịch giúp điểm đến này hút khách mấy năm nay.

Nhưng cần nhìn nhận rằng, điểm đến rừng dừa Bảy Mẫu chỉ cách đô thị cổ Hội An - hạt nhân du lịch của tỉnh chừng 5km và trở thành một trong những điểm du lịch ngoại vi hưởng lợi rõ rệt từ việc giãn khách khỏi phố cổ. Những ngày đẹp trời, nếu du khách có dịp rời phố thị đi xa hơn về phía làng và rong chơi qua khu vực xã Bình Dương, Bình Giang (huyện Thăng Bình) hay con nước lãng đãng ở làng Trà Nhiêu (Duy Vinh, Duy Xuyên)… sẽ trầm trồ với bức tranh sông nước trầm mặc xen lẫn khóm dừa đẹp nên thơ. Vẫn chỉ là chữ nếu, còn những ngõ vắng ở đó vẫn chưa hề xôn xao thanh âm của du lịch.  

Ngoài những mặt hàng nông sản từ lâu đã hiện diện, thời gian gần đây nhiều thức quà quê, hương làng thuộc danh mục các sản phẩm OCOP rục rịch lên kệ trong nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng thực phẩm sạch ở Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ… Một mối quan hệ tương hỗ được tạo ra giữa thương hiệu sạch từ nông dân của làng và thị trường dồi dào, chịu chi của thị dân. Khi mùa tết đang dần chạm ngõ, lại thấy ở Đà Nẵng tất bật với những phiên chợ xưa, ngày Tết cổ truyền rộn rã khắp nơi. Làng nương vào phố để khai thác thị trường, nguồn lực tài chính trong khi phố luôn đau đáu về làng để không bị hụt hẫng các giá trị đặc sắc ngàn đời.  

Định vị lại giá trị làng

Mới đây trong một buổi làm việc của tỉnh về dự án đầu tư khu du lịch ở huyện Đại Lộc, chủ đầu tư dự án có trình bày ý tưởng về lâu dài sau khi hình thành quần thể khu du lịch sẽ biến một diện tích lớn ở các xã trung du nằm trong vùng dự án thành một đô thị thu nhỏ. Một đại diện đến từ Sở NN&PT-NT cho rằng chủ đầu tư cần cân nhắc lại mục tiêu này và nếu có triển khai trong thực tế thì cũng nên tính toán giữ lại các làng mạc, vùng dân cư ở xen lẫn, xung quanh khu du lịch chứ không nên đô thị hóa hoàn toàn cả một làng quê rộng lớn như vậy. Theo TS. Vũ Ngọc Tiến - cố vấn Chương trình Định cư con người Liên hiệp quốc (UN - Habitat) tại Việt Nam, thực ra vùng nông thôn có nhiều giá trị vốn ít được nhìn nhận và hay bị đánh giá thấp. Qua thời gian, giá trị của nông thôn ngày càng được thấy rõ khi tốc độ và mức độ đô thị hóa cao.

Những giá trị mà TS.Vũ Ngọc Tiến muốn đề cập chính là đa dạng sinh học, cảnh quan, văn hóa, truyền thống lịch sử và nhiều nguồn lực tự nhiên khác. Do đó, ông Tiến cho rằng cần một nghiên cứu sâu về tác động của việc đô thị hóa đến quan hệ đối tác đô thị và nông thôn, quan hệ vùng Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn trong hoàn cảnh cụ thể, hiện tại và những cải cách cần thiết cho đề án phát triển đô thị địa phương.

Tại hội thảo về xây dựng mạng lưới di sản văn hóa phi vật thể biển diễn ra tại TP.Hội An mới đây, bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa (Văn phòng UNESCO tại Hà Nội) cho rằng, mặt trái của việc phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh mẽ ở khu vực ven biển miền Trung trong những năm gần đây đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực và làm thu hẹp không gian sinh hoạt của các làng chài có từ lâu đời. “Cần ưu tiên giữ gìn, giảm thiểu việc di dời, tái định cư các làng chài bởi nên nhìn các nguồn lực phát triển kinh tế không đơn thuần chỉ là những mảnh đất vàng ven biển mà cần hướng đến sự bền vững bằng việc giữ lại cộng đồng ven biển” - bà Hường khuyến cáo.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Đối tác” làng và phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO