Việc phát triển nghiệp đoàn nghề cá cùng làng nghề truyền thống giúp xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) từng bước ổn định, nâng cao đời sống người dân.
Ông Phan Phước Sơn - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương (vừa nghỉ hưu vào tháng 3.2016) nhớ lại, là vành đai lửa đạn của một thời, xuất phát điểm của Bình Dương lúc bấy giờ rất thấp. Hầu hết nhà cửa đều làm bằng tranh tre, vách lá, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Công cuộc xóa đói giảm nghèo không kém phần gian nan. Người người nhà nhà đồng tâm đã bắt tay vào khai hoang, phục hóa, đào cỏ mở rộng diện tích đất để trồng khoai, sắn nhằm cải thiện bữa ăn tiến tới tự chủ lương thực. Hàng trăm hecta ruộng đã được khai sinh, hàng triệu cây dương liễu bạch đàn đã phủ xanh cát trắng đồi trọc.
Khu tái định cư mới ở Bình Dương góp phần ổn định cuộc sống của người dân nơi đây. Ảnh: SƯƠNG NGÂN |
Đến nay, 7/7 thôn của xã đã có đường bê tông nông thôn, 100% hộ dân đều sử dụng điện lưới quốc gia. Xã cũng đã vận động, xây dựng được 124 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở; 8 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được nhận phụng dưỡng đến suốt đời. Với 300ha rừng thông, 145ha rừng phòng hộ che chắn đã làm đổi thay đáng kể bộ mặt nông thôn. Cạnh đó, địa phương cũng tập trung vực dậy và phát triển các làng nghề truyền thống, các cơ sở kinh doanh để giải quyết lực lượng lao động tại chỗ. Làng nghề nước mắm Cửa Khe hiện có trên 210 hộ sản xuất và 65 hộ chế biến nước mắm, trong đó 10 hộ chế biến với quy mô lớn tạo thành thương hiệu riêng cho vùng cát. Hàng năm sản lượng nước mắm bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên 5.000 lít. Ngoài nước mắm, làng nghề còn phát triển nghề chượp mắm hàng năm sản xuất 20- 25 tấn.
Một trong những thế mạnh của Bình Dương là phát triển nghề cá. Việc thành lập Nghiệp đoàn nghề cá không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân mỗi khi vươn khơi bám biển mà còn là nơi để bà con chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong đánh bắt hải sản. Với 28 tàu cá công suất từ dưới 90 đến 400CV, hàng năm Bình Dương khai thác được gần 2.000 tấn hải sản. Ông Cao Đình Phương - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Dương khẳng định: “Từ nghiệp đoàn nghề cá, nhiều ngư dân chúng tôi đã được xã hội quan tâm, hỗ trợ thiết thực hơn; từ xây cất nhà “Mái ấm tình thương” đến “Quỹ tấm lòng vàng”.
Ông Phan Thanh Vân - Phó Chủ tịch HĐND xã Bình Dương cho biết: “Thời gian đến, một trong số những giải pháp được địa phương chú trọng là đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, kinh tế hộ; phát triển một số ngành nghề dịch vụ phù hợp. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi để mời gọi đầu tư xây dựng bãi tắm - quy hoạch làng du lịch cộng đồng ven biển”. Đặc biệt, cầu Cửa Đại và đường cứu hộ, cứu nạn ven biển đã thông tuyến đang mở ra nhiều cơ hội để Bình Dương quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư, giải quyết nguồn lực lao động, nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Dự án cầu Cửa Đại và khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đã giải phóng mặt bằng tại thôn 3, thôn 4 của xã Bình Dương, cũng sẽ giúp địa phương dễ quản lý dân cư tại hai khu tái định cư mới trong dự án này.
THU SƯƠNG - KIM NGÂN