Việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo chuyển biến tích cực trong đời sống người dân xã Trà Sơn (Bắc Trà My), nhất là hạ tầng được đầu tư, giao thông thuận lợi giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần.
Miền sơn cước Cao Sơn đang đổi thay từng ngày. Ảnh: T.B |
Những năm trước, nhắc đến Cao Sơn, chắc chắn nhiều người dân ở Bắc Trà My đều nhớ về những khó khăn, bởi đó là vùng thung lũng, đường sá cách trở, việc đi lại vô cùng khó khăn. Con em trong làng muốn đến thị trấn Trà My học chữ phải mất mấy giờ đi bộ, chuyện học hành vì thế cũng dở dang. Năm nay, tuyến đường dẫn vào thôn sắp sửa hoàn thành, đó là nỗ lực lớn của địa phương. Nhờ vậy, các em học sinh của thôn được đến trường thuận lợi, cô trò Trường Tiểu học và Mẫu giáo Cao Sơn cũng hết sức vui mừng. Cô giáo Trương Hoàn Thy Thảo, giáo viên Trường Mẫu giáo Cao Sơn, nói: “So với mấy năm trước, bây giờ tốt hơn nhiều rồi, điều kiện thuận lợi vì có đường giao thông đến nơi, học sinh đi học đầy đủ, phụ huynh cũng quan tâm đến con em mình hơn”.
Có đường giao thông, việc giao thương hàng hóa của bà con trở nên thuận tiện hơn. Diện mạo vùng quê sơn cước thay đổi từng ngày. Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông kiên cố vừa mới hoàn thành, bà con Ca Dong nơi đây không thể tả hết niềm vui khi đường mới đã mở về tận thôn. Chính quyền địa phương vận động, người dân Cao Sơn đồng thuận hiến đất, cây cối để mở đường. Gia đình ông Trịnh Minh Trí không ngần ngại hiến gần 1.000m2 đất đang trồng keo để xây dựng tuyến đường quan trọng này. Ông Trí chia sẻ: “Tôi thấy rằng con đường trước đây đi lại khó khăn, không thuận tiện cho bà con đưa hàng hóa ra bán ở thị trấn và con em đi học quá bất tiện. Giờ Nhà nước đã quan tâm đến thôn Cao Sơn nên tôi sẵn sàng hiến đất, hiến cây để làm đường, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, con cháu đi học”.
Nhờ được các ngành chức năng của huyện mở các khóa tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nên bà con Ca Dong trong thôn đã nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Đơn cử như mô hình vườn cây ăn quả, sa nhân tím, keo lai tại các sườn núi quanh thôn. Chị Đinh Thị Hương - Trưởng thôn Cao Sơn, là người đi đầu, áp dụng kiến thức để trồng cam và dược liệu. Mỗi năm nguồn thu từ kinh tế vườn, rừng cũng đủ để gia đình chị trang trải cuộc sống. Cạnh đó nhiều hộ dân của thôn cũng mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, vì sản phẩm dễ dàng tiêu thụ, thương lái đến tận nơi để thu mua. Chị Đinh Thị Hương cho hay: “Trước đây nông sản của bà con phải khiêng vác ra chợ thị trấn bán, giờ có xe của các thương lái đến trực tiếp nhà mua sản phẩm cho bà con. Nhờ vậy, đời sống của bà con khấm khá hơn, nhà nào cũng sắm được các vật dụng cần thiết trong gia đình, thật mừng”.
Ông Nguyễn Thanh Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Sơn, cho biết thêm, hai năm nay, được sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, đời sống của bà con Cao Sơn đã thay đổi nhiều. Bởi có đường là có tất cả... Thôn cũng mong muốn huyện quan tâm xây dựng các điểm trường để các em học sinh học tập được tốt hơn, đồng thời lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác để giúp cuộc sống người dân Cao Sơn được cải thiện nâng lên”.
THÁI BÌNH