Mặc dù không phải là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Đại Lộc, nhưng xã Đại Hòa đã đạt nhiều tiêu chí trong phong trào này. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn xã Đại Hòa có nhiều khởi sắc, đời sống người dân từng bước được nâng cao.
ĐẠI Hòa là xã thuần nông, lại phải trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách địa giới hành chính, nên gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nhờ lòng dân đồng thuận, nên công cuộc xây dựng NTM nói riêng, việc nâng cao đời sống người dân nói chung có bước tiến triển tốt. Đến nay, Đại Hòa đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng NTM. Theo bà Nguyễn Thị Thuận - Chủ tịch UBND xã Đại Hòa, đến năm 2015, địa phương sẽ hoàn thành các tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị, thu nhập và dự kiến hoàn thành các tiêu chí còn lại như môi trường, cơ sở vật chất văn hóa, y tế... trước lộ trình.
Bộ mặt nông thôn Đại Hòa có nhiều đổi thay, đường làng phong quang, sạch đẹp. Ảnh: C.N |
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm nay, Đại Hòa đã thực hiện đạt hơn 74 tỷ đồng, vượt hơn 100% kế hoạch cả năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm hơn 16%; số hộ nghèo chiếm tỷ lệ dưới 5%, thu nhập bình quân đầu người gần 18 triệu đồng/năm. Bà Nguyễn Thị Thuận cho biết, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ như gia công may mặc, gia công hải sản... luôn duy trì hoạt động trên địa bàn xã. Đặc biệt, với việc gia công lưới nuôi trai lấy ngọc cho Công ty TNHH Sản xuất lưới xuất khẩu Sadavi ở Đà Nẵng, địa phương đã giải quyết việc làm cho khoảng 500 người, chủ yếu là phụ nữ, với mức thu nhập 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ biết tập hợp sức mạnh đoàn kết của nhân dân địa phương để tạo sự đồng thuận, lãnh đạo xã Đại Hòa còn biết kết nối tấm lòng của những người con xa quê để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã. Chẳng hạn năm 2013, từ sự đóng góp gần 300 triệu đồng của người dân, địa phương đã hoàn thành 1.240m giao thông nội đồng ở thôn Bộ Bắc và một số cống qua đường ở Bộ Bắc, Hòa Thạch, Giao Thủy. Ông Nguyễn Văn Khách - một doanh nhân người Đại Hòa xa quê đã hỗ trợ địa phương 500 triệu đồng để làm đường giao thông và xây dựng một số thiết chế văn hóa; góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM còn lại.
Ở Đại Hòa ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, nhiều gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Mỗi năm toàn xã có hơn 300 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó hơn 20 nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Ông Hà Bảy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Hòa cho biết, địa phương thực hiện chuyển đổi cây trồng có hiệu quả như cải tạo đất vườn trồng chuối lùn ở các thôn Lộc Bình, Bàu Tây, Thượng Phước. Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, đem lại thu nhập khá như các hộ ông Nguyễn Thanh Sơn, Dương Ngọc Cương. Gần đây, ở Đại Hòa xuất hiện thêm một mô hình đáng chú ý, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đó là mô hình nuôi dế, rắn mối, tắc kè của anh Lê Văn Đạt ở thôn Thượng Phước.
Đi liền với việc tập trung phát triển kinh tế, Đại Hòa còn được biết đến như một điểm sáng về an ninh trật tự khi triển khai mô hình “ánh sáng đường làng” từ năm 2012. Lúc đầu, xã chọn thôn Thượng Phước làm điểm, đến nay đã nhân rộng mô hình ra 11/11 thôn với kinh phí 400 triệu đồng. Mô hình này được nhân dân đồng tình ủng hộ nên ngoài sự hỗ trợ của xã, nhân dân đã tự nguyện đóng góp tiền điện với mức 20 triệu đồng mỗi tháng. “Nhờ có “ánh sáng đường làng”, con em chúng tôi đi học ban đêm cũng đỡ lo, tình trạng trộm cắp, nhất là nạn trộm chó giảm hẳn, tai nạn giao thông cũng ít xảy ra” - một người dân thôn Thượng Phước nói.
CHÂU NỮ