Tôi từng ước giá có thể đổi những năm tháng làm báo mà mình đã đi qua để được một lần theo tàu ra biển, được đứng trên vùng biển mà bao người con dân đất Việt vẫn tha thiết hướng về: Hoàng Sa…
Khi sự kiện Trung Quốc ngang ngược đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông, chúng tôi đã dõi theo những tin tức về biển Đông bằng cảm xúc rất đặc biệt: cảm xúc của triệu triệu người Việt hướng về một phần máu thịt của Tổ quốc, và cảm xúc của những người làm báo hướng về hải trình sóng gió của đồng nghiệp mình trên vùng biển Hoàng Sa. Mỗi lần nghe tin một đồng nghiệp nào đó sắp lên tàu, lại rưng rức xúc động. Vừa mừng, vừa thương, vừa… ganh tị với bạn khi mình không được theo tàu ra nơi đó. Tràn ngập trên facebook là những dòng tâm sự, những giọt nước mắt của bạn bè khi ai đó trong số những đồng nghiệp của mình sắp sửa lên đường. “Hôm nay mình đã khóc khi biết một thằng em mình hết sức yêu thương được tòa soạn cử đi Hoàng Sa. Vừa mừng cho hắn vì đã được có mặt ở đó, thấy và phản ánh lại cho mọi người. Nhưng cũng thương hắn vô cùng... Biển cả mênh mông, biết nói trước được điều gì. Chưa nói ngoài kia, đang có những kẻ xâm lăng…”, dòng trạng thái của một đồng nghiệp của chúng tôi đăng trên facebook. Chúng tôi, những người ở lại bờ, đã chia sẻ với nhau những xúc cảm như thế. Chúng tôi hiểu được những hiểm nguy của nghề. Nhưng chúng tôi cũng như những người ở lại, không thể mường tượng được điều gì đang diễn ra ở ngoài khơi xa kia…
Đồng nghiệp Hoàng Sơn, phóng viên thường trú Báo Thanh Niên tại Quảng Nam (đứng bên phải) cùng đồng nghiệp Hoàng Đình Nam, phóng viên ảnh của Hãng AFP thường trú tại Hà Nội trong lần tác nghiệp tại Hoàng Sa.Ảnh nhân vật cung cấp |
Những ngày đầu tiên đọc được tin tức của đồng nghiệp chuyển về, in trang trọng trên báo, trân trọng và thương quý vô cùng công sức của từng anh em, từng khuôn mặt, từng cái tên quen. Trong số đó có Hoàng Sơn, phóng viên Báo Thanh Niên thường trú tại Quảng Nam, là bạn học cùng lớp, là đồng nghiệp của chúng tôi được tham gia tác nghiệp trong sự kiện đó. Chỉ có vài giờ đồng hồ chuẩn bị, rồi khoác ba lô lên đường, chúng tôi đưa Sơn ra đón xe về Đà Nẵng để đi mà không nói với nhau được một lời nào. Mỗi sáng, chờ đọc vài dòng tin của bạn, chỉ dám nghĩ bạn vẫn đang an toàn, và bạn đang thực hiện rất tốt nhiệm vụ của người làm báo. Những cuộc gặp cà phê mỗi sáng của anh em làm báo như lặng hơn thường lệ, bởi ai cũng giấu xúc cảm của mình theo từng câu chữ từ Hoàng Sa. Nghe giọng đọc của đồng nghiệp trên trang báo điện tử, ngồi chờ từng dòng tin, và sáng sớm là lao ra sạp, dạo khắp các tờ báo để mong chờ từng cái tên dưới những dòng tin, những bài viết là câu chuyện của những người làm báo chúng tôi trong thời điểm đó…
Rồi thì tàu cũng về. Đã có những hiểm nguy, đã tận mắt trải qua giây phút sinh tử cùng những chiến sĩ của ta đang canh giữ từng tấc chủ quyền ngoài biển, các bạn lại thêm một lần nữa kể cho chúng tôi nghe về hải trình của mình. Tôi đã không cầm được nước mắt khi nhận được điện thoại của bạn từ lúc tàu còn cách bờ gần 50 hải lý, nơi có sóng điện thoại. Những con tàu chằng chịt vết thương. Những khuôn mặt quen sạm đi vì nắng và gió biển, và những xúc cảm không thể quên khi đón bạn trở về. Hải trình sóng gió ấy chở theo tình yêu của đất liền với biển đảo, chở theo tình đồng nghiệp, chở theo niềm tự hào của chúng tôi với nghề, với những anh em, bạn bè của mình ra với biển.
Trong câu chuyện của người làm báo những ngày dõi theo Hoàng Sa, nhà báo Binh Nguyên và đồng nghiệp làm báo ở phía nam đã đón chào những người trở về bằng một kỷ niệm chương “Chiến sĩ Hoàng Sa” rất đặc biệt, khắc tên của từng nhà báo theo tàu ra tác nghiệp ở Hoàng Sa.
T.CÔNG - V.ANH